Hội LHPN tỉnh hỗ trợ hội viên nghèo vùng cao phát triển kinh tế
Trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ nghèo vùng dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Hội LHPN tỉnh trao bò sinh sản cho phụ nữ nghèo xã Tam Thanh (Quan Sơn).
Theo đó, Hội LHPN tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động phụ nữ các dân tộc thiểu số trên địa bàn đổi mới tư duy về phát triển kinh tế, tiếp cận và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ con giống, vốn, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả. Điển hình như Hội LHPN tỉnh đã tổ chức ra mắt tổ hợp tác (THT) chăn nuôi bò sinh sản do phụ nữ nghèo làm chủ tại xã Tam Thanh (Quan Sơn) và trao 42 con bò sinh sản cho phụ nữ nghèo 6 bản: Bản Pa, bản Cha Lung, bản Phe, bản Na Ấu, bản Bôn, bản Kham. Tham gia THT, hộ nghèo được hỗ trợ 10 triệu đồng, hộ cận nghèo 8 triệu đồng để mua con giống, các hộ bỏ thêm vốn đối ứng 20% số tiền được hỗ trợ để mua bò giống. Ngoài ra, các thành viên tham gia còn đóng từ 100 đến 200 ngàn đồng/năm làm quỹ và từ 5 đến 10 ngàn đồng/tháng quỹ phòng chống rủi ro để chị em cùng tương trợ, giúp đỡ nhau duy trì mô hình THT nuôi bò sinh sản đạt hiệu quả. Trong quá trình phát triển mô hình, Hội LHPN huyện, xã có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát các hộ bảo đảm duy trì và nhân rộng mô hình, giúp các thành viên trong THT thoát nghèo bền vững.
Tương tự, tại xã Trung Lý (Mường Lát), vào cuối năm 2018, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng thành công mô hình THT chăn nuôi dê sinh sản tại bản Nà Ón gồm 15 thành viên tham gia chăn nuôi 39 con dê. Sau hơn 6 tháng, đàn dê đã sinh sản, tăng lên 84 con. Lần đầu tiên mô hình kinh tế tập thể được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả ở bản dân tộc Mông còn nhiều khó khăn. Nhờ mô hình mà bước đầu làm thay đổi thói quen trông chờ, ỷ lại của bà con, các hộ rất tích cực, phấn khởi và có ý thức sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Còn tại THT nuôi vịt bản địa do phụ nữ làm chủ tại các xã Pù Nhi, Trung Lý (Mường Lát); xã Sơn Hà, Mường Mìn, Na Mèo (Quan Sơn), mỗi hộ được nhận hỗ trợ 250 con vịt và 50 kg thức ăn chăn nuôi chia làm 2 đợt, tổng trị giá 280 triệu đồng. Đây là mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của Hội LHPN tỉnh...
Để xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội rà soát, đánh giá mức độ hộ nghèo, nhu cầu và điều kiện tự nhiên để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ. Đối tượng ưu tiên là những hội viên thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn song có ý thức lao động sản xuất... Đến nay, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội 11 huyện miền núi thành lập được 93 mô hình, trong đó có 11 HTX, 33 THT, 48 tổ liên kết, với 1.310 thành viên tham gia, mức thu nhập ổn định từ 2,5 - 4 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra còn tạo việc làm cho nhiều lao động thời vụ. Hiện, các mô hình được xây dựng và đang hoạt động hiệu quả, giúp chị em phụ nữ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.