Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng: Chú trọng xây dựng mô hình mới tại các thôn đặc biệt khó khăn

Trong thời gian qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng đã tích cực triển khai thực Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em'. Bước đầu đã tạo ra những chuyển biến tích cực, thay đổi 'nếp nghĩ, cách làm' trong đồng bào dân tộc thiểu số.

 Hội LHPN huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng trao tặng loa cầm tay để các Tổ truyền thông cộng đồng thực hiện công tác tuyên truyền

Hội LHPN huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng trao tặng loa cầm tay để các Tổ truyền thông cộng đồng thực hiện công tác tuyên truyền

Vẫn còn hạn chế, rào cản

Lâm Đồng là tỉnh nằm ở khu vực Tây Nguyên có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống. Dân số của tỉnh hơn 1,3 triệu người, trong đó có trên 352.937 người (26,01%) đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống

Bà Cil Bri - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng cho biết, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đa số theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ thường gánh vác mọi công việc, chăm sóc con cái, có trường hợp còn là lao động chính trong gia đình, thời gian làm việc nhiều hơn nam giới.

Mặc dù pháp luật quy định trong gia đình vợ chồng đều bình đẳng với nhau về mọi mặt, cùng nhau bàn bạc, quyết định các vấn đề chung, cùng chia sẻ công việc, cũng như chăm lo cho con cái, cha mẹ... Tuy nhiên, trên thực tế nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng.

Vì vậy, theo bà Cil Bri, đa số phụ nữ dân tộc thiểu số ít có cơ hội để học tập nâng cao trình độ, nghỉ ngơi, giải trí hay tham gia các hoạt động xã hội. Đa số phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn phải đối mặt với các rào cản trong tiếp cận cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng về thành quả của sự phát triển đó.

Phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng

Phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng

Lao động nữ người dân tộc thiểu số đa phần làm các công việc không ổn định, có xu hướng lao động sớm trước tuổi quy định. Một số phong tục, tập quán lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại ở một số địa bàn dân cư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

"Đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, trình độ dân trí vẫn còn thấp so với mặt bằng chung trên toàn tỉnh. Phụ nữ người dân tộc thiểu số còn ít tham gia sinh hoạt do địa phương và các Hội đoàn thể tổ chức, do vậy chưa nhận thức đầy đủ về giá trị bản thân, chưa mạnh dạn vươn lên trong học tập và chưa phát huy hết nội lực trong phát triển triển sinh kế, cải thiện việc làm và thu nhập để vươn lên thoát nghèo", Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng cho hay.

Ông Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung có mặt còn hạn chế. Riêng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế - xã hội phát triển còn chậm, xuất phát điểm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp so với bình quân chung của cả tỉnh.

Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng trao mũ, áo đồng phục cho thành viên câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi".

Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng trao mũ, áo đồng phục cho thành viên câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi".

Bên cạnh đó, một số nơi, tình hình khiếu kiện, tranh chấp đất đai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục diễn ra. Một số phong tục, tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chậm loại bỏ; việc tuyên truyền vận động thực hiện bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đạt hiệu quả cao.

Nhiều chuyển biến tích cực từ Dự án 8

Nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ và việc đảm bảo bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực của đời sống trong thời gian qua Tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhiều hoạt động. Trong đó, Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" bước đầu cũng đã đạt được những kết quả tích cực.

Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng cho hay, trong thời gian qua, các cấp Hội đã tích cực triển khai Dự án 8, cụ thể hóa các chỉ tiêu trong kế hoạch, dự trù kinh phí để tổ chức các hoạt đảm bảo nội dung, chỉ tiêu đề ra gắn với thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, các nhiệm vụ trọng tâm của Hội triển khai đến cán bộ, hội viên.

Diễn đàn "Nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và phòng chống bạo lực gia đình trong phụ nữ dân tộc thiểu số".

Diễn đàn "Nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và phòng chống bạo lực gia đình trong phụ nữ dân tộc thiểu số".

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho 4 tổ truyền thông cộng đồng tại các thôn Bộ Bê, Nao Sẻ, Hà Giang, Ka Sá của xã Gia Bắc (huyện Di Linh) với 50 người tham gia là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã, Chi hội trưởng, Chi hội phó và thành viên các tổ truyền thông cộng đồng; tổ chức sơ kết 3 năm mô hình điểm "Địa chỉ tin cậy cộng đồng" và giao lưu sáng kiến truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình trong phụ nữ dân tộc thiểu số năm 2024.

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh cũng đã tổ chức diễn đàn "Nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và phòng chống bạo lực gia đình trong phụ nữ dân tộc thiểu số" năm 2024. Đồng thời, tổ chức 2 hội nghị tập huấn hướng dẫn giám sát, đánh giá về bình đẳng giới cho 98 người là Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, Chi hội trưởng, Chi hội phó các thôn đặc biệt khó khăn…

Ngoài ra, Hội LHPN các cấp Hội tiếp tục duy trì 72 tổ truyền thông cộng đồng, thành lập và củng cố 29 địa chỉ tin cậy cộng đồng, 26 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi, 3 tổ sinh kế tại cơ sở.

Theo Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng, các cấp Hội đặc biệt chú trọng xây dựng mô hình mới tại các thôn đặc biệt khó khăn. Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được đổi mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ đó đã góp phần giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng cao.

Mộc Miên

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hoi-lhpn-tinh-lam-dong-chu-trong-xay-dung-mo-hinh-moi-tai-cac-thon-dac-biet-kho-khan-20240724193601295.htm