Hội LHPN xã An Ninh tích cực hỗ trợ phụ nữ Khmer thoát nghèo
Hội LHPN xã An Ninh (Châu Thành) có 1.574 hội viên sinh hoạt tại 9 chi hội, trong đó dân tộc Khmer chiếm trên 50%. Hội đã phát huy hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, giúp hội viên nghèo, cận nghèo vươn lên trong cuộc sống.
Theo đồng chí Trương Phương Dung – Phó Chủ tịch Hội LHPN xã An Ninh, từ đầu năm 2021 hội đã xây dựng và triển khai kế hoạch hỗ trợ cho 24 hội viên nghèo (chủ yếu là người Khmer) bằng nhiều nguồn khác nhau. Đồng thời, chỉ đạo các chi hội rà soát chọn đối tượng và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tại địa phương. Hội đề ra các giải pháp nhằm hỗ trợ cho hội viên bao gồm: hỗ trợ vốn, kiến thức làm kinh tế, xây dựng các mô hình kinh tế, cụ thể như: mô hình mua bán, trồng lúa, chăn nuôi heo, gà, bò...
Hiện tại, Hội LHPN xã An Ninh duy trì hoạt động 4 tổ chăn nuôi bò sữa có 57 thành viên, 1 tổ mua bán nhỏ có 22 thành viên, 1 câu lạc bộ sản xuất, kinh doanh vừa và nhỏ có 16 thành viên. Gần đây, hội thành lập mới 1 tổ hợp tác phụ nữ trồng ngò gai, có 10 thành viên, bước đầu mang lại hiệu quả. Hội tiếp tục phối hợp với cán bộ phụ trách dạy nghề, tuyên truyền, vận động cho hội viên phụ nữ tham gia lớp học nghề may công nghiệp nhằm tạo việc làm ổn định cho hội viên, phối hợp giới thiệu việc làm cho 96 lao động làm việc tại các khu công nghiệp.
Để giúp hội viên nghèo, cận nghèo, hội tranh thủ nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để giúp phụ nữ có điều kiện tăng gia sản xuất. Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vốn vay tổng số tiền trên 14 tỉ đồng. Nhờ vậy, đã có nhiều hội viên phát triển các mô hình: như mô hình nuôi bò, trồng rau màu, làm lúa, đưa cây màu xuống chân ruộng, điển hình như các hội viên Huỳnh Thị Trinh, Lý Thị Huỳnh Đa, Trần Thị Dươl, Thạch Thị Sang, Võ Thị Chơn...
Chị Lưu Thị Ánh Nguyệt – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Kinh Mới cho biết, nhờ tranh thủ nguồn vốn, hội đã giúp 6 lượt chị vay để chăn nuôi, trồng trọt và mua bán nhỏ. Nhìn chung công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là phụ nữ nghèo đem lại hiệu quả cao, từ đó có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, hiện nay chi hội còn 4 hội viên nghèo. “Lúc trước, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ vay 30 triệu đồng, mua được 2 con bò cái, sau thời gian chăm sóc, đến nay phát triển được 6 còn bò. Nhờ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vốn vay được 25 triệu đồng để xây dựng nhà ở, hiện nay kinh tế gia đình tôi đã ổn định, con cái được đi học và chăm sóc tốt” – hội viên Lý Thị Huỳnh Đa chia sẻ.
Đồng chí Trương Phương Dung cho biết thêm: “Qua phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ xã An Ninh không ngừng phấn đấu, vượt qua khó khăn, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của xã. Xây dựng các mô hình tập hợp phù hợp với từng nhóm đối tượng phụ nữ như: tổ phụ nữ dân tộc với pháp luật, tổ an toàn cho phụ nữ và trẻ em, tổ phụ nữ nói không với tín dụng đen, tổ phụ nữ nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tổ phụ nữ biến rác thành tiền... vừa hợp với yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới, vừa phát huy vai trò phụ nữ tham gia nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội”.