Hối lộ triệu đô
Đại án xảy ra tại MobiFone, lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng, một vụ án được chứng minh bằng con số nhận hối lộ lên tới cả triệu đô la Mỹ. Thực tiễn này cũng đặt ra những vấn đề mới trong việc điều tra, truy tố, xét xử về tội danh này.
Phải tiếp tục đấu tranh việc nhận hối lộ 3 triệu USD chỉ nộp lại 500 triệu đồng
1. Đưa, môi giới và nhận hối lộ là vấn đề cũ cả trong thực tiễn cuộc sống lẫn quy định, áp dụng pháp luật, cũ cả trong nước lẫn quốc tế. Có lẽ bởi vấn đề hối lộ đã hình thành trong cuộc sống từ rất xa xưa, ngay từ thuở ban đầu của loài người khi người này muốn nhờ cậy người kia một việc gì đó và họ phải đưa hối lộ bằng của cải hay lợi ích vật chất khác. Xưa nay, việc đưa, nhận hối lộ là hành vi bị lên án và xử lý nặng.
Trong các bộ luật xưa, Bộ luật Hồng Đức và Gia Long chú trọng đặc biệt đến việc quy định chi tiết hành vi và hình phạt. Bộ luật Hồng Đức do vua Lê Thánh Tông (1442-1497) ban hành với hơn 700 điều thì chiếm tới 107 điều quy định những hành vi không được phép phạm phải đối với quan lại như: lợi dụng quyền thế sách nhiễu nhân dân, ăn hối lộ, gian lận, bớt xén của công, lợi dụng quyền chức mưu lợi riêng...
Điều 138 của bộ luật này quy định, quan lại mà tham nhũng, nhận hối lộ, làm sai phép nước bị phạt theo các mức sau: Nếu tham ô từ 1 đến 9 quan tiền bị cách chức, từ 10 đến 19 quan thì bị đánh trượng rồi đi đày, từ 20 quan trở lên bị xử chém. Ngoài hình phạt chính, các quan ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan tiền bị phạt 50 quan, từ 10 đến 19 quan thì bị phạt từ 60 đến 100 quan. Của hối lộ một phần trả lại chủ, một phần sung vào kho.
Bằng chính sách mạnh tay với quan tham, nhà vua ban sắc dụ với nội dung người nào không phải là thân thuộc của người đảm trách pháp luật mà mượn cớ để vòi vĩnh được biếu tặng, đi lại, chè chén, cầu kết bạn... đều phải bắt giam, xét tội. Khi đã tham ô, nhận hối lộ, việc định tội không phân biệt hay căn cứ vào giàu nghèo, chức trọng.
Sử sách ghi lại chuyện về viên quan lớn dưới thời vua Lê Thánh Tông tên Lê Bô phạm tội tham ô, buộc vào tội hình. Có quan tên Trần Phong xin cho Lê Bô được nộp tiền chuộc tội. Nhà vua bảo bầy tôi trong triều rằng: Trần Phong xin cho người can tội tham ô được nộp tiền chuộc, như thế thì người giàu có nhiều của đút lót, hối lộ mà khỏi tai vạ, trong khi người nghèo vì không có tiền đưa hối lộ mà phải chịu tội lỗi, vậy là không công bằng. Theo vua, Trần Phong làm vậy là dám trái cả phép tắc của tổ tông, phải trị tội cả viên quan này.
Trong Quốc triều Hình luật thời Lê Sơ còn có những quy định nhằm tránh quan lại vơ vét của cải, ăn hối lộ hoặc để người thân tín lợi dụng nhũng nhiễu nhân dân. Nhờ pháp luật nghiêm minh dưới thời Lê Thánh Tông, sử sách ca ngợi: “Ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa, ngoài đường không ai nhặt của rơi...”.
2. Nhà nước ta coi tội tham ô, nhận hối lộ là hai tội danh nặng nhất trong nhóm tội về tham nhũng. Bộ luật Hình sự từ năm 1986 đã quy định hình phạt cao nhất là tử hình đối với tội tham ô, nhận hối lộ. Tuy nhiên, có thực tế là trong suốt mấy chục năm thi hành pháp luật hình sự, tử hình về tham ô thì đã có nhưng tử hình về tội nhận hối lộ thì chưa bao giờ có. Chính vì lẽ đó mà khi sửa đổi Bộ luật Hình sự, đã có luồng ý kiến đề nghị trong xu thế giảm án tử hình, cần bỏ hình phạt tử hình khỏi tội nhận hối lộ.
Tuy nhiên, sau khi đánh giá, cân nhắc kỹ, Quốc hội quyết định giữ nguyên hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự 2015, lý do trong tình hình tham nhũng, tham ô, nhận hối lộ diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển đất nước thì phải giữ hình phạt cao nhất để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung.
Theo đó, Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội nhận hối lộ như sau: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù tương ứng với các khoản tương ứng.
Đặc biệt, người phạm tội bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu thuộc các trường hợp: a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỉ đồng trở lên; b) Gây thiệt hại về tài sản 5 tỉ đồng trở lên. Tuy nhiên, một người dù đã bị kết án tử hình về tội tham ô, tội nhận hối lộ thì có thể được Chủ tịch nước ân giảm xuống chung thân nếu nộp lại tài sản phạm tội.
Theo điểm c, Khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 thì không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Đây chính là “cửa thoát hiểm” đối với can phạm bị tuyên án tử hình về hai tội danh này bằng việc tích cực khắc phục hậu quả, nộp lại ít nhất 3/4 tài sản đã tham ô, nhận hối lộ.
Với văn hóa người Việt “ông đưa chân giò, bà thò chai rượu”, việc gì cũng “có tý” khiến tình trạng đưa, nhận hối lộ và các biểu hiện biến tướng diễn ra muôn hình vạn trạng. Ở cấp thấp thì “lại quả” dăm ba trăm nghìn đến dăm bảy triệu đồng hoặc những món quà tương ứng, cao hơn thì vài chục, vài trăm triệu. Khoản 4, Bộ luật Hình sự quy định, của nhận hối lộ có giá trị từ 1 tỉ đồng trở lên thì án phạt rất nặng: 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Vậy, 1 tỉ đồng trong đời sống hiện nay nhiều hay ít? Nếu so sánh mức sống bình quân của dân chúng, mức thu nhập của người lao động (công nhân, nông dân, cán bộ viên chức, lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp...), lương 5-10 triệu mỗi tháng thì con số 1 tỉ là rất lớn, số tiền đó bằng cả chục năm lương của họ. Nhưng 1 tỉ đồng trong các dự án, các mối làm ăn của doanh nghiệp, tập đoàn, của quan chức “cỡ bự” thì con số đó không thấm vào đâu.
Hãy nhìn những dự án xây dựng, dự án dầu khí, làm thất thoát của Nhà nước hàng nghìn, hàng vạn tỉ; những dự án đất đai trị giá hàng tỉ đô la thì việc “lại quả” - thực chất là hành vi đưa, nhận hối lộ, con số 1 tỉ đồng thậm chí họ chỉ coi như bữa sáng.
3. Vấn đề ở đây là: Dù hành vi đưa, nhận hối lộ diễn biến muôn hình vạn trạng, rất phức tạp trong đời sống xã hội nhưng để chứng minh, để đưa vào kết luận điều tra, vào cáo trạng là vấn đề khác. Thường thì những vụ án dạng này được cơ quan chức năng lập án, bắt quả tang. Số vụ bắt, điều tra làm rõ cũng rất ít, nhiều vụ “rất nghi ngờ” nhưng không chứng minh được.
Do đó, chỉ lúc này, lúc khác, tỉnh này, huyện kia bị “bắt tận tay” hành vi nhận hối lộ song số tiền được kết luận cũng chỉ dăm chục triệu đồng, nhiều lắm thì vài trăm triệu đồng. Nhận hối lộ lên đến tỉ đồng chưa thấy lộ diện vụ nào. Triệu đô thì tuyệt nhiên chưa.
Bởi thực tế đó nên vụ AVG được công bố kết luận điều tra với số tiền nhận hối lộ lên hàng triệu đô la khiến dư luận sốc. Nó thực sự lập kỷ lục, dấu mốc trong ngành tố tụng. Giải trình tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp về tội phạm tham nhũng, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, yêu cầu số một mà Trung ương đặt ra là phải thu hồi tài sản, hai là phát hiện hành vi tham nhũng. Tham nhũng thường lẩn vào quản lý kinh tế, vi phạm về quản lý kinh tế thì mới có hành vi tham nhũng được. Do đó, tội phạm tham nhũng và tội phạm kinh tế thường gắn với nhau.
Theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, trong các vụ án tham nhũng thường rất khó điều tra hành vi đưa, nhận hối lộ. “Tham ô dễ làm bởi còn có sổ sách, các đối tượng lấy tiền để chia nhau. Nhưng việc đưa hối lộ và nhận hối lộ rất khó điều tra. Báo chí đưa tin kết thúc điều tra vụ MobiFone/AVG, lực lượng điều tra hết sức cố gắng mới tra ra được. Vì xung quanh chuyện đưa tiền, chỉ có người đưa, người nhận, chỉ anh biết, tôi biết, trời biết, ngoài ra không ai biết cả, nên rất khó.
Nhưng, cũng phải nói là các đối tượng rất thành khẩn, nếu không cũng khó. Đây là yêu cầu mà tới đây trong công tác điều tra chúng tôi sẽ cố gắng” - Thứ trưởng Lê Quý Vương cho hay.
Cùng nói về vấn đề này, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho rằng, việc đưa, nhận hối lộ chỉ có hai người, chứng cứ chủ yếu từ lời khai, nên đấu tranh để họ thừa nhận đã nhận hối lộ triệu đô như vậy là không đơn giản. Theo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, chất lượng điều tra án tham nhũng đang có nhiều khởi sắc. Bằng chứng là trong vụ đại án xảy ra tại MobiFone, cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã phải thừa nhận hành vi nhận hối lộ 3 triệu USD, cựu Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà khai nhận hối lộ 2,5 triệu USD...
Kết quả này là chưa từng có trong điều tra các vụ án tham nhũng. Đây là nỗ lực lớn, các lực lượng đang cố gắng làm tốt hơn trong điều kiện còn nhiều hạn chế. Vì vậy, ông mong có sự chia sẻ động viên vì “án tham nhũng khó hơn cả án ma túy”.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/hoi-lo-trieu-do-562277/