Hội Luật gia Việt Nam: 7 thập niên góp phần kiến tạo nền tư pháp hiện đại
Với hành trình 70 năm xây dựng và phát triển (4/4/1955 - 4/4/2025), Hội Luật gia Việt Nam (HLGVN) với vị thế là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật; quy tụ hơn 102.000 hội viên trên cả nước, bao gồm các luật gia có chuyên môn sâu rộng, đã và đang công tác tại các cơ quan thuộc các ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp, an ninh, quốc phòng, kinh tế - xã hội... Đây chính là nguồn lực quý giá, giúp Hội không ngừng phát triển, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào quá trình hoàn thiện thể chế pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền trong kỷ nguyên mới.

Tập thể Ban Thường vụ Hội Luật gia khóa XIV nhiệm kỳ 2024 – 2029. (Ảnh chụp tại Đại hội Đại biểu Hội Luật gia Việt Nam khóa XIV ngày 14/1/2025).
Những dấu ấn quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển
Lịch sử 70 năm xây dựng và trưởng thành của HLGVN dưới sự lãnh đạo của Đảng rất đáng tự hào với những sự phát triển vượt bậc về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy. Hội đã không ngừng mở rộng vai trò của mình, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật.
Trước hết, Hội có sự phát triển toàn diện về chức năng, nhiệm vụ. Mặc dù hoạt động trong lĩnh vực pháp luật đã được xác định ngay từ ngày đầu thành lập Hội, nhưng những công việc, nhiệm vụ cụ thể của Hội thì đã có sự mở rộng, bổ sung cùng với sự phát triển của đất nước khi công tác pháp luật, công tác tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, bảo vệ công lý, thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người... được Đảng và Nhà nước tăng cường theo thời gian.
Trong giai đoạn đầu xây dựng và phát triển, khi cả dân tộc tập trung cho đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, HLGVN đã đồng hành để hướng công tác của mình vào đấu tranh trên mặt trận pháp lý quốc tế, yêu cầu các nước thực hiện nghiêm túc Hiệp định Genève, phản đối cuộc xâm lược phi lý của đế quốc Mỹ tại Việt Nam. Đồng thời phối hợp cùng các luật gia tiến bộ trên thế giới đóng góp cho sự phát triển của pháp luật quốc tế, nhất là bảo vệ các quyền bình đẳng của các dân tộc...
Sau khi đất nước thống nhất, đặc biệt kể từ khi bước vào công cuộc Đổi mới, Hội đã hướng trọng tâm sang xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở, tuyên truyền, phổ biến pháp luật... Hội cũng tiếp tục đóng góp vào giải quyết các vấn đề pháp lý trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam.
Bên cạnh đó, sự lớn mạnh về tổ chức Hội cũng là một dấu ấn quan trọng. Ban đầu, Hội chủ yếu được tổ chức và hoạt động ở cấp Trung ương, nhưng đến nay đã phát triển theo mô hình phù hợp với đơn vị hành chính cả nước. Các chi hội, đơn vị trực thuộc ngày càng phát triển, giúp Hội thực hiện tốt hơn các chức năng, nhiệm vụ của mình.
Hiện tại, Trung ương Hội có 19 ban chuyên môn và đơn vị trực thuộc, với khoảng 300 cán bộ, người lao động, cùng hơn 40 chi hội trực thuộc. Ở các tỉnh và thành phố, hệ thống tổ chức cũng được củng cố, bảo đảm sự hoạt động đồng bộ và hiệu quả của Hội trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm, hỗ trợ về biên chế, kinh phí và điều kiện làm việc, tạo điều kiện để Hội thực hiện ngày càng tốt hơn các nhiệm vụ được giao.
Sự trưởng thành vượt bậc về số lượng và chất lượng hội viên là minh chứng rõ nét cho sự phát triển của Hội. Từ ngày đầu mới thành lập chỉ có 40 hội viên, đến nay đã có hơn 102 nghìn hội viên trên toàn quốc. Đây là một sự lớn mạnh vô cùng ấn tượng, khẳng định vai trò kết nối, tập hợp các luật gia của Hội. Đáng chú ý, hầu hết hội viên đều được đào tạo bài bản, nhiều người có trình độ cao như giáo sư, tiến sĩ luật, chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Các hội hội viên không chỉ đóng góp tích cực vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước mà còn có vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Với hành trình 70 năm vẻ vang, HLGVN tiếp tục phát huy truyền thống, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ mới, khẳng định vai trò nòng cốt trong tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp luật và bảo vệ công lý.
Tận dụng thời cơ, vững bước vào kỷ nguyên mới
Bước vào giai đoạn phát triển mới, hướng tới các mục tiêu 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước Việt Nam, đất nước đang đặt ra những yêu cầu mới về đổi mới thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong bối cảnh đó, HLGVN sẽ tiếp tục có vị trí, vai trò quan trọng song cũng sẽ có những thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh tình hình và yêu cầu mới.
Trong suốt 70 năm qua, Hội đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, trong đó có không ít nhiệm vụ quan trọng và khó khăn. Hội là nơi hội tụ những chuyên gia am hiểu sâu sắc về pháp luật và tư pháp - mà thể chế đang là “điểm nghẽn” của sự phát triển đất nước và cần được tháo gỡ trong giai đoạn tới đây. Các tổ chức và hội viên của Hội luôn sẵn sàng hỗ trợ Nhân dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận và thực thi pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo Hiến pháp và pháp luật.
Trước các yêu cầu của tình hình mới thì chắc chắn Hội có nhiều việc cần phải làm cả trong trước mắt và lâu dài. Cụ thể, lấy nghị quyết, chỉ thị và kết luận của Đảng và pháp luật của Nhà nước làm “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Hội. Điều này đòi hỏi mỗi tổ chức, đơn vị thuộc Hội và từng hội viên luật gia phải nỗ lực không ngừng học tập, nâng cao kiến thức và trình độ đúng với yêu cầu “học tập suốt đời” để hiểu đúng, thực hiện đúng các đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước và áp dụng phù hợp vào công tác của Hội, thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đã thông qua.
Nhận diện rõ các cơ hội và thách thức trong giai đoạn phát triển mới. Qua đó, Hội cần chủ động thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của đất nước và thế giới, không chỉ để vượt qua khó khăn mà còn biến thách thức thành động lực phát triển, tận dụng tối đa các cơ hội rộng lớn mở ra đối với Hội.
Đảng và Nhà nước đang quyết tâm đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, thúc đẩy xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, lấy con người làm trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng...
Đây là những định hướng có ý nghĩa đối với sự phát triển của đất nước, đồng thời đặt ra những yêu cầu rất cao đối với Hội. HLGVN sẽ đổi mới tư duy, nâng cao bản lĩnh và có những cách làm sáng tạo để đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn, như các thế hệ luật gia đi trước đã từng làm trong những giai đoạn chuyển mình của đất nước.
Bên cạnh đó, HLGVN tiếp tục quan tâm, củng cố tổ chức Hội, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc tập hợp, đoàn kết, phát huy tối đa sự tham gia của tất cả các hội viên vào thực hiện các công việc, nhiệm vụ của Hội; cần đổi mới phương thức lãnh đạo để Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Hội luật gia Việt Nam là những cơ quan lãnh đạo thực thụ giữa hai kỳ Đại hội với những thành viên phải thể hiện tốt được là những hội viên ưu tú và tâm huyết nhất, biết hy sinh và làm công tác Hội với tất cả sự nhiệt tình và trách nhiệm cao nhất, có tinh thần đổi mới, sáng tạo trong bước đường phát triển tới đây của Hội.
Nhìn lại chặng đường 70 năm, có thể khẳng định rằng trong mọi giai đoạn phát triển, các cấp hội và hội viên HLGVN luôn nỗ lực không ngừng, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nước nhà.
Đặc biệt, với quyết tâm đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương thức hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương Hội, cùng với nội lực vững chắc của hơn 102.000 hội viên tâm huyết, tràn đầy khát vọng cống hiến, HLGVN chắc chắn sẽ tiếp tục ghi dấu những mốc son mới trong lịch sử phát triển của mình. Hội sẽ ngày càng khẳng định vị thế là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp có uy tín, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, đồng hành cùng đất nước trên con đường hội nhập và phát triển, hướng tới một kỷ nguyên thịnh vượng của dân tộc.
Ngày 01/7/2022, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới đã khẳng định: HLGVN là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ đối với HLGVN nhằm phát huy các cấp Hội, hội viên Hội Luật gia tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.