Hội Luật gia Việt Nam phát huy truyền thống vẻ vang 70 năm xây dựng và trưởng thành

Người Đưa Tin trân trọng gửi đến quý độc giả toàn văn diễn văn của Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Luật gia Việt Nam.

Sáng 4/4, tại Thủ đô Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập, Hội Luật gia Việt Nam long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm để ôn lại truyền thống vẻ vang và chặng đường xây dựng và trưởng thành đáng tự hào của Hội.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc đọc diễn văn tại Lễ Kỷ niệm. Người Đưa Tin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Chủ tịch tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Luật gia Việt Nam.

"Kính thưa: Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Kính thưa: Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể ở Trung ương và địa phương,

Kính thưa: Các đồng chí lãnh đạo Hội luật gia Việt Nam qua các thời kỳ,

Thưa: Toàn thể các hội viên Hội luật gia Việt Nam, các quý vị đại biểu, khách quý!

Hôm nay, trong không khí trang trọng và tự hào, Hội Luật gia Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập. Ngày này, cách đây tròn 70 năm, tức ngày 4/4/1955, Hội Luật gia Việt Nam - một tổ chức chính trị - xã hội- nghề nghiệp của giới luật gia cả nước được thành lập. Kể từ đó, ngày mùng 4 tháng Tư đi vào lịch sử, trở thành ngày truyền thống của Hội Luật gia Việt Nam.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu dự Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Luật gia Việt Nam. (Ảnh: Hữu Thắng).

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu dự Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Luật gia Việt Nam. (Ảnh: Hữu Thắng).

Thay mặt Ban Chấp hành Hội Luật gia Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức ở Trung ương và địa phương, các thế hệ lãnh đạo và hội viên ưu tú của Hội Luật gia Việt Nam đã tới dự Lễ kỷ niệm trọng thể hôm nay.

Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta thành kính nghiêng mình tưởng nhớ công lao vĩ đại và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Vị Lãnh tụ thiên tài của Cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới - Người với những tư tưởng tiến bộ về hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc, về công lý, về pháp quyền…trong Nhà nước kiểu mới đã là nguồn cảm hứng, động viên to lớn để các luật gia Việt Nam tập hợp lại, thành lập nên tổ chức Hội của chúng ta.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, các đại biểu, khách quý,

70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các thế hệ luật gia Việt Nam đã không ngừng phấn đấu, hy sinh, rèn luyện và trưởng thành cùng với sự phát triển của đất nước, có nhiều đóng góp to lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc đọc diễn văn tại buổi lễ (Ảnh: Hữu Thắng).

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc đọc diễn văn tại buổi lễ (Ảnh: Hữu Thắng).

Trong lịch sử của mình, Hội Luật gia Việt Nam đã trải qua 14 kỳ Đại hội, đánh dấu những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt của Hội. Khi mới thành lập, Hội chỉ có 40 hội viên thì tới nay đã có hơn 100 nghìn hội viên, hầu hết có trình độ đại học trở lên, hoạt động trên tất cả lĩnh vực của đời sống pháp luật.

Hội Luật gia là tổ chức thống nhất trong phạm vi cả nước, bao gồm: Hội Luật gia Việt Nam ở Trung ương, Hội Luật gia cấp tỉnh, Hội Luật gia cấp huyện và các Chi hội luật gia trực thuộc các cấp Hội.

Hôm nay, kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội, giới luật gia Việt Nam chúng ta vô cùng tự hào về lịch sử hình thành, phát triển và những đóng góp to lớn của các thế hệ luật gia cho đất nước trong suốt chiều dài lịch sử của mình. Trong không khí vui mừng ngày thành lập Hội, chúng ta cùng nhau ôn lại chặng đường vẻ vang với những dấu mốc quan trọng của Hội mà các thế hệ luật gia Việt Nam đã làm được để Hội Luật gia Việt Nam có được vị thế, uy tín và sự trưởng thành như ngày hôm nay.

I. Cùng cả nước đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, toàn thể các vị đại biểu, khách quý,

Các luật gia yêu nước thế hệ đầu tiên của chúng ta đã sớm tham gia vào cuộc đấu tranh ngay trong lòng địch, trên mặt trận pháp lý chống lại sự thống trị của thực dân Pháp, trong đó nổi lên có luật sư Phan Văn Trường (1875-1930) và luật sư Nguyễn An Ninh (1900-1943) – những người trí thức yêu nước, tốt nghiệp luật tại Pháp, nhưng đã khước từ mọi danh lợi để lựa chọn sự nghiệp đấu tranh chống sự thống trị của thực dân Pháp, đòi quyền dân chủ cho nhân dân Việt Nam, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, tù đày và hy sinh.

Tiếp bước truyền thống yêu nước của các luật gia đi trước và hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều luật gia Việt Nam đã tham gia cách mạng và được Hồ Chủ tịch giao những nhiệm vụ, trọng trách quan trọng trong những năm tháng đầu tiên của Nhà nước dân chủ nhân dân, như các luật sư Phan Anh – người sau này là Chủ tịch đầu tiên Hội Luật gia Việt Nam, Vũ Trọng Khánh, Nguyễn Văn Hưởng, Trần Công Tường, các luật gia Dương Đức Hiền, Vũ Đình Hòe… Thật tự hào và xúc động khi được cố Tổng Bí thư Đỗ Mười nhận xét:

"Nhớ lại những ngày đầu của chế độ dân chủ cộng hòa non trẻ, trong những điều kiện cực kỳ phức tạp, hiểm nghèo, đội ngũ đông đảo các luật gia thuộc thế hệ đầu tiên đã từ bỏ cuộc sống êm ấm của mình để cùng nhân dân cả nước tiến bước dưới ngọn cờ đại nghĩa của Đảng và Bác Hồ kính yêu, đi vào cuộc đấu tranh đầy phong ba, bão táp, hăng hái tham gia xây dựng chính quyền nhân dân ngay lúc còn trứng nước".

Quang cảnh Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Luật gia Việt Nam (Ảnh: Hữu Thắng).

Quang cảnh Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Luật gia Việt Nam (Ảnh: Hữu Thắng).

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ lúc đó đã không tôn trọng Hiệp định. Ý thức rõ trách nhiệm của giới luật gia trong sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc, từ khi thành lập năm 1955 cho đến chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, Hội Luật gia Việt Nam đã tập trung hoạt động vào đấu tranh trên mặt trận pháp lý để củng cố hòa bình, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và "cùng với luật gia nước ngoài bảo vệ những nguyên tắc pháp lý quốc tế căn bản nhằm thực hiện các quyền dân tộc, xây dựng một đời sống hòa bình, hợp tác bình đẳng giữa các nước trên thế giới".

Cuộc đấu tranh pháp lý đầu tiên là đấu tranh để giải thích đúng nội dung Hiệp định Giơ-ne-vơ, tuyên truyền, phổ biến Hiệp định, vạch trần và lên án các hành động vi phạm Hiệp định của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để nhân dân trên toàn thế giới hiểu đúng và ủng hộ cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Hội đã tranh thủ các diễn đàn quốc tế, trong đó có Hội Luật gia dân chủ quốc tế, để cùng có tiếng nói mạnh mẽ của giới luật gia, nhà hoạt động chính trị trên thế giới trong cuộc đấu tranh pháp lý hết sức khó khăn giai đoạn đó. Cuộc đấu tranh pháp lý đầu tiên đã đem lại "tiếng vang lớn trên thế giới", góp phần quan trọng khẳng định vị trí, vai trò của Hội trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, các vị đại biểu, khách quý,

Khi đế quốc Mỹ đưa quân đội vào miền Nam, tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, gây ra vô vàn tội ác đối với nhân dân Việt Nam thì cuộc đấu tranh trên mặt trận pháp lý của Hội ngày càng trở nên gay gắt và quyết liệt.

Chính trong hoàn cảnh khó khăn đó, các luật gia Việt Nam đã biết cách để chứng minh rằng sức mạnh về tiềm lực quốc phòng, kinh tế và các nguồn lực lớn của đế quốc Mỹ không thể khuất phục được nhân dân Việt Nam, khi chính nghĩa, lẽ phải đứng về dân tộc Việt Nam.

Các luật gia chúng ta bằng trí tuệ, sự thông minh, tài tình của mình đã đưa ra được nhiều bằng chứng, tư liệu và lập luận hết sức thuyết phục để nhân dân tiến bộ toàn thế giới hiểu được hai vấn đề quan trọng từ góc độ pháp luật quốc tế.

Thứ nhất là: "Cuộc chiến tranh của Mỹ chống nhân dân Việt Nam là cuộc chiến tranh xâm lược; Mỹ là kẻ xâm lược, phạm tội xâm lược", và thứ hai, với tư cách là nạn nhân thì "nhân dân Việt Nam có quyền đứng lên chống bọn xâm lược để tự vệ, bảo vệ những quyền dân tộc căn bản, những quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mình".

Việc chúng ta làm rõ được bản chất pháp lý của cuộc chiến tranh, cùng với việc phản bác những luận điệu phi lý của chính quyền Mỹ lúc bấy giờ đã có tác động to lớn, góp phần "thức tỉnh lương tri loài người, lương tri của nhân dân Mỹ", tạo nên làn sóng, đẩy phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam trên thế giới, nhất là tại chính nước Mỹ "để trở thành một mặt trận thế giới rộng lớn có sức mạnh đáng kể khiến cho đế quốc Mỹ lâm vào thế cô lập thảm hại, một trong những nguyên nhân thất bại của chúng".

Năm 1968, các luật gia Việt Nam đã viết cuốn sách bằng tiếng Anh và tiếng Pháp về "Những tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam" – câu trả lời đanh thép về pháp lý của giới luật gia Việt Nam đối với cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Đây xứng đáng là "công trình khoa học hình sự quốc tế, một đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh trên mặt trận pháp lý trong cuộc kháng chiến chống Mỹ" .

Ngay khi Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam được ký kết năm 1973, thì các luật gia Việt Nam lại tiếp tục cuộc chiến pháp lý, sử dụng những kiến thức, quan điểm đúng đắn, khoa học để giải thích, phân tích các nội dung Hiệp định, phổ biến, tuyên truyền cho nhân dân thế giới hiểu đúng Hiệp định, lên án các hành động phá hoại Hiệp định của đế quốc Mỹ, yêu cầu Mỹ phải bồi thường cho các tội ác chiến tranh gây ra tại Việt Nam…

Thưa các đồng chí lãnh đạo, các vị khách quý và quý vị đại biểu,

Trưởng thành qua đấu tranh pháp lý trên trường quốc tế, các luật gia Việt Nam đã đúc rút ra được nhiều điều để đóng góp cho sự phát triển của pháp luật quốc tế, trong đó có hoàn thiện khái niệm các quyền dân tộc cơ bản với 4 nội dung: Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; làm rõ nội dung tội ác xâm lược, khẳng định tính hợp pháp của cuộc đấu tranh vũ trang của các dân tộc thuộc địa; hoàn thiện khái niệm chủ thể của pháp luật quốc tế (việc bổ sung các tổ chức giải phóng dân tộc, tổ chức cách mạng đấu tranh giành độc lập đã tạo cơ sở để Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đủ điều kiện là chủ thể của pháp luật quốc tế). Những đóng góp của Hội luật gia Việt Nam trong phát triển pháp luật quốc tế được các luật gia trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Ông Joe Noocman – Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ quốc tế khẳng định: "Các luật gia Việt Nam đã có cống hiến vào sự nghiệp quý giá là bảo vệ các quyền dân tộc cơ bản, sự nghiệp mà Hội Luật gia dân chủ quốc tế rất tự hào. Tôi có thể khẳng định rằng con đường mà Hội Luật gia dân chủ quốc tế đang đi trong lĩnh vực này là do các bạn vạch ra".

II. Cùng cả dân tộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu và các vị khách quý,

Sau khi nước nhà thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc Đổi mới do Đảng lãnh đạo, trong đó có xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam… Đảng và Nhà nước tiếp tục đặt niềm tin vào giới luật gia Việt Nam và dành sự quan tâm đặc biệt tới sự phát triển về tổ chức và hoạt động của Hội, tạo cơ sở chính trị, pháp lý và các điều kiện thuận lợi để Hội có thể tham gia, đóng góp ngày càng tích cực vào sự nghiệp Đổi mới.

Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành của Hội Luật gia Việt Nam cho thấy, lịch sử của Hội luôn gắn liền với lịch sử của dân tộc và đất nước (Ảnh: Hữu Thắng).

Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành của Hội Luật gia Việt Nam cho thấy, lịch sử của Hội luôn gắn liền với lịch sử của dân tộc và đất nước (Ảnh: Hữu Thắng).

Ngay trong những năm đầu Đổi mới, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 14/4/1988 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam, trong đó nêu rõ "Để tăng cường pháp chế XHCN, thực hiện việc quản lý đất nước bằng pháp luật theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, Hội Luật gia Việt Nam cần được củng cố và tăng cường về tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, đặc biệt là tăng cường hoạt động trong nước".

Kể từ đây, công tác của Hội bắt đầu chuyển trọng tâm sang các nhiệm vụ pháp luật trong nước phục vụ cho sự nghiệp Đổi mới toàn diện, sâu rộng của đất nước.

Tiếp đó, Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 19/4/1993 của Ban Bí thư Trung ương Đảng được ban hành cụ thể hơn các định hướng và nhiệm vụ của Hội trong việc tăng cường pháp chế XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền, tham gia nghiên cứu, xây dựng pháp luật, thực hiện nhiệm vụ đối ngoại, tạo môi trường pháp lý quốc tế thuận lợi…

Tại Đại hội lần thứ VIII của Hội Luật gia Việt Nam (tháng 5/1993), giới luật gia cả nước được vinh dự đón chào đồng chí Đỗ Mười - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội với nhiều nội dung có giá trị vô cùng to lớn cho định hướng phát triển của Hội trong tham gia xây dựng và hoàn thiện pháp luật, tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, tư vấn pháp luật, bảo vệ công lý, xác lập kỷ cương xã hội…để "quản lý xã hội bằng pháp luật", để pháp luật được tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh mà theo Tổng Bí thư thì giới luật gia Việt Nam "có vinh dự cao cả đi đầu.." trong công tác này.

Các chỉ đạo định hướng của Tổng Bí thư Đỗ Mười và của Ban Bí thư đã được Hội lấy làm cơ sở để thể chế vào Điều lệ Hội và các chương trình công tác sau Đại hội, xây dựng và phát triển về tổ chức và hoạt động: Tích cực tham gia xây dựng pháp luật; thúc đẩy công tác tư vấn pháp luật (năm 1988, Trung tâm Tư vấn pháp luật Thăng Long đầu tiên của Hội được thành lập); tăng cường pháp chế XHCN và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; tuyên truyền, phổ biến pháp luật với nhiều hình thức và nội dung hấp dẫn, sát với đời sống của người dân...

Tổ chức của Hội cơ bản được xây dựng ổn định từ đó tới nay (gồm Trung ương Hội, Tỉnh Hội, Huyện Hội và các Chi Hội trực thuộc), các cơ quan lãnh đạo của Hội (gồm Đại hội đại biểu toàn quốc, Ban chấp hành Trung ương Hội và Ban Thường vụ Trung ương Hội) cũng được định hình và duy trì.

Những điều này cho thấy tầm nhìn, định hướng đúng đắn của Đảng đã được các thế hệ luật gia thực hiện nghiêm túc và hiệu quả, đem lại sự phát triển vững chắc của Hội, gắn với sự phát triển của đất nước theo từng thời kỳ.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu và các vị khách quý

Để Hội Luật gia Việt Nam có thể phát triển và đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước, ngày 18/8/2000, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 56-CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam, trong đó yêu cầu các tổ chức Đảng cần phải "Lãnh đạo xây dựng và củng cố Hội Luật gia Việt Nam.. " và ở những nơi chưa có tổ chức Hội thì cần "thành lập Hội và triển khai hoạt động".

Với định hướng mới của Bộ Chính trị về sự phát triển của Hội Luật gia Việt Nam và sự ủng hộ của các cơ quan, tổ chức ở cả Trung ương và địa phương, các luật gia đã nỗ lực, cố gắng xây dựng, củng cố tổ chức Hội phát triển mạnh mẽ:

Lần lượt cả 63 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập được Hội Luật gia cùng cấp, số lượng các tổ chức Hội ở cấp huyện không ngừng gia tăng để tới nay đạt 528 Hội, các chi hội trực thuộc các cấp Hội cũng phát triển mạnh, tới nay có khoảng 7000 chi hội trực thuộc trên toàn quốc giúp cho công tác của Hội gắn chặt hơn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại các bộ ngành và địa phương, sát với nhu cầu của người dân.

Hội cũng đã quan tâm tập hợp, kết nạp số lượng lớn các hội viên, tăng đều theo thời gian: năm 1998 (trước khi có Chỉ thị 56 của Bộ Chính trị) có 13.000 hội viên; năm 2005 có 30.500 hội viên; năm 2009 có 44.000 hội viên … và đến nay con số đã là hơn 100.000 hội viên – một đội ngũ hết sức hùng hậu.

Sự phát triển của Hội không chỉ qua các con số về tổ chức Hội và số lượng hội viên mà còn thấy qua sự gia tăng về chất lượng hội viên khi mà hầu hết các hội viên đều có trình độ đại học trở lên, nhiều người có học hàm, học vị cao, là chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực pháp luật và tư pháp, công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức của Hội… ở cả Trung ương và địa phương.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, các đại biểu và các vị khách quý,

Về công tác chuyên môn, Hội Luật gia Việt Nam luôn biết kế thừa các nhiệm vụ làm tốt và sẵn sàng điều chỉnh phù hợp với định hướng, yêu cầu mới của Đảng và Nhà nước, kể cả nhận thêm các nhiệm vụ mới, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, Nghị quyết số 49-NQ/TW năm 2005 của Bộ chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam…, và khi Nhà nước thực hiện xã hội hóa một số hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp, tăng cường cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính.

Công tác xây dựng pháp luật luôn được Hội xác định là lĩnh vực chuyên môn quan trọng để có đóng góp ngày càng nhiều vào xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Hội Luật gia Việt Nam thường xuyên cử người tham gia các ban soạn thảo, tổ biên tập, hội đồng thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, góp ý kiến đối với các dự thảo, dự án luật và văn bản dưới luật…đặc biệt Hội đã chủ trì soạn thảo và trình Quốc Hội thông qua Luật Trọng tài thương mại và Luật Trưng cầu ý dân; thúc đẩy nghiên cứu khoa học pháp lý, chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học để có thêm các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế, tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong công tác pháp luật và tư pháp; tham gia giám sát thực hiện pháp luật; kiến nghị với cơ quan Nhà nước về những vấn đề xây dựng và thi hành pháp luật…

Với mạng lưới hơn 100 Trung tâm tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và hàng chục chi nhánh trên toàn quốc, công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách được các cấp Hội đẩy mạnh, là địa chỉ tin cậy của người dân.

Hội ngày càng tham gia nhiều vào công tác cải cách tư pháp, là thành viên Ban chỉ đạo cải cách tư pháp ở Trung ương, đảm nhận chủ trì xây dựng, phối hợp góp ý nhiều đề án, văn bản quan trọng thúc đẩy quá trình cải cách về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp; tham gia tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên;

Phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao xây dựng hệ thống các án lệ giúp áp dụng pháp luật thống nhất; Hội đã có nhiều đóng góp tích cực vào cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tham gia phản biện xã hội, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, hòa giải cơ sở…

Qua đó, nhận được sự tín nhiệm của các cấp chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Công tác phối hợp với các ban, bộ ngành, đoàn thể, tổ chức ở cả Trung ương và địa phương luôn được lãnh đạo Hội quan tâm thúc đẩy, tạo điều kiện để các cấp Hội hoàn thành được khối lượng lớn các nhiệm vụ thời gian qua. Hội Luật gia Việt Nam luôn là thành viên tích cực của Mặt trận tổ quốc Việt Nam.

Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng và tăng cường, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong hợp tác với nước ngoài về pháp luật, khẳng định sự chủ động và sẵn sàng của các luật gia Việt Nam trong thực hiện các định hướng, yêu cầu đối ngoại, hội nhập quốc tế.

Hội tiếp tục duy trì, làm tốt vai trò thành viên trong các tổ chức quốc tế về pháp luật, như Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL), Hiệp hội luật các nước ASEAN (ALA), Hội Luật gia Châu Á-Thái Bình Dương (COLAP)… và mở rộng quan hệ song phương với tổ chức luật gia các nước và các đối tác quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện các nhiệm vụ chính trị và chuyên môn của Hội.

Tranh thủ các tổ chức luật gia tiến bộ trên thế giới để ủng hộ Việt Nam trong các vấn đề liên quan tới pháp luật quốc tế, trong đó có vấn đề Biển Đông, các vấn đề dân chủ, nhân quyền, các vụ kiện quốc tế đòi bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam; mở rộng giao lưu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các luật gia các nước tiên tiến; tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đối với hệ thống chính trị, hệ thống pháp luật, tư pháp Việt Nam…

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, các đại biểu, khách quý,

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn thực hiện Chỉ thị số 56 năm 2000, các kết luận của Ban Bí thư về thực hiện Chỉ thị số 56, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 14 ngày 1/7/2022 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới, khẳng định Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng; quản lý của Nhà nước, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ đối với Hội Luật gia Việt Nam nhằm phát huy các cấp Hội, hội viên...đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam… đưa ra nhiều định hướng, nhiệm vụ quan trọng cho sự phát triển tới đây của Hội Luật gia các cấp.

Hội Luật gia Việt Nam đã cụ thể hóa các nội dung mới đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 14 tổ chức tháng 1/2025, các chương trình hành động, kế hoạch công tác để triển khai tới tất cả các cấp Hội và đặt việc thực hiện Chỉ thị 14 vào bối cảnh cả hệ thống chính trị đang khẩn trương, quyết liệt thực hiện nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương tạo đột phá phát triển đất nước trong kỷ nguyên phát triển vươn mình của dân tộc tới đây.

III. Phát huy truyền thống vẻ vang 70 năm xây dựng và trưởng thành, sẵn sàng vượt qua khó khăn, thách thức để cùng đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển vươn mình của dân tộc

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu, khách quý

Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành của Hội Luật gia Việt Nam cho thấy, lịch sử của Hội luôn gắn liền với lịch sử của dân tộc và đất nước. Hội luôn xác định lấy đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm cơ sở cho tổ chức và hoạt động của mình. Gắn bó với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc để phụng sự và trưởng thành đã trở thành truyền thống tốt đẹp của Hội và các thế hệ luật gia Việt Nam.

Những sự nỗ lực, cố gắng, hy sinh vì sự phát triển của dân tộc Việt Nam đã được các thế hệ luật gia Việt Nam thực hiện xuất sắc, đóng góp tích cực, thiết thực vào cuộc đấu tranh dành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và trong Đổi mới, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Những đóng góp to lớn của Hội Luật gia Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Hội Luật gia Việt Nam đã được Nhà nước phong tặng Huân Chương Hồ Chí Minh, Huân Chương Độc lập, Huân Chương Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Hội luật gia các cấp và các hội viên luôn thể hiện được bản lĩnh, trình độ, đạo đức trong thực hiện nhiệm vụ của mình, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ quốc phòng-an ninh của đất nước và địa phương, nâng cao đời sống của nhân dân, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân tin yêu. Nhiều luật gia được phong tặng các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu, khách quý

Hình thành trong lòng địch, thành lập dưới sự lãnh đạo của Đảng và được Bác Hồ giáo dục, trưởng thành và tôi luyện qua đấu tranh pháp lý quốc tế và các việc làm cụ thể phục vụ sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo trong suốt 7 thập kỷ qua, đã làm nên Hội Luật gia Việt Nam ngày hôm nay.

Thế hệ luật gia hôm nay vô cùng biết hơn các bậc tiền bối, những thế hệ luật gia đi trước đã để lại một lịch sử, truyền thống hào hùng, vẻ vang và đáng tự hào, đem lại một vị thế và uy tín cho các luật gia ngày nay kế thừa và phát triển.

Lịch sử 70 năm cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Trong đó có: Thứ nhất, tuyệt đối trung thành với Đảng và luôn đặt niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc nói chung và trong định hướng phát triển của Hội Luật gia Việt Nam nói riêng. Việc bảo đảm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội trong 70 năm qua, thống nhất phối hợp hành động dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đã chứng minh là hết sức đúng đắn, là điều kiện tiên quyết để Hội hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thứ hai, các thế hệ luật gia đi trước đã phải hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn, gian khổ, thiếu thốn về nhiều mặt, nhưng luôn đoàn kết, phát huy trí tuệ, hy sinh lợi ích cá nhân, danh vọng, quyết tâm vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao đúng với lời dặn của Bác Hồ "không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên".

Thứ ba, luôn biết tự đổi mới, hoàn thiện cả về tổ chức và hoạt động để thích nghi với bối cảnh tình hình và yêu cầu mới là bảo đảm cho sự phát triển liên tục và bền vững của Hội trong 7 thập kỷ qua.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu, khách quý

Các luật gia Việt Nam hôm nay vô cùng tự hào về lịch sử 70 năm vẻ vang xây dựng, trưởng thành và truyền thống tốt đẹp của Hội Luật gia Việt Nam, biết ơn sâu sắc các thế hệ luật gia tiền bối, những người đi trước đã làm những phần việc khó nhất cho sự phát triển của tổ chức Hội. Các luật gia Việt Nam xin bày tỏ lòng thành kính tới Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người đã là nguồn cảm hứng, động lực cho việc thành lập và phát triển của Hội trong suốt chiều dài lịch sử.

Với niềm tin sâu sắc vào sự nghiệp cách mạng tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đã được các thế hệ luật gia trước đây xây dựng, các luật gia hôm nay nguyện tiếp tục kế thừa, phát huy các truyền thống tốt đẹp của Hội, quyết tâm đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng Hội Luật gia Việt Nam ngày càng vững mạnh về tổ chức, hiệu quả trong hoạt động; xây dựng đội ngũ luật gia Việt Nam giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, vững vàng về bản lĩnh chính trị, tư tưởng, một lòng trung thành với Đảng, với dân tộc, tận tụy, tâm huyết với công tác Hội, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ; vững tin cùng cả nước bước vào kỷ nguyên phát triển vươn mình của dân tộc tới đây.

Xin kính chúc Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Đồng chí lãnh đạo, các đại biểu và các vị khách quý dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!".

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hoi-luat-gia-viet-nam-phat-huy-truyen-thong-ve-vang-70-nam-xay-dung-va-truong-thanh-204250404091224487.htm