Hội nghị An ninh Biển Đen: Mỹ tham vọng tạo chỗ đứng
Các đồng minh giáp Biển Đen có thể dựa vào sự hỗ trợ của Mỹ để làm cho khu vực an toàn, thịnh vượng và hội nhập hơn.
Tuyên bố được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa ra tại Hội nghị An ninh Biển Đen diễn ra hôm qua tại thủ đô Sofia, Bulgaria. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, 2 quốc gia giáp Biển Đen đã bước sang năm thứ 3 và vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.
Hội nghị An ninh Biển Đen được tổ chức lần đầu tiên vào tháng 4/2023 theo sáng kiến của Ukraine nhằm mục đích tăng cường an ninh tại khu vực.
Tại cuộc họp, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba một lần nữa kêu gọi Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoạt động tích cực hơn ở Biển Đen, đồng thời nói rằng khu vực này là một yếu tố giúp toàn bộ châu Âu đạt được hòa bình: “NATO phải tích cực thực hiện chiến lược Biển Đen riêng biệt, toàn diện và đầy tham vọng nhằm giảm ảnh hưởng của Nga và tăng cường ổn định khu vực. Chiến lược như vậy sẽ mang lại lợi ích an ninh không chỉ đối với Biển Đen.”
Nằm ở ngã tư địa chính trị và kinh tế quan trọng giữa châu Âu, châu Á và vùng Kavkaz, Biển Đen từ lâu đã là đấu trường cạnh tranh quốc tế giữa một bên là Mỹ và các đồng minh châu Âu, một bên là Nga và các nước nằm trong không gian ảnh hưởng của nước này. Cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến sự đối đầu gia tăng.
Theo Ngoại trưởng Mỹ Blinken, việc đầu tư vào an ninh khu vực là rất quan trọng để đảm bảo hòa bình và tự do trên khắp châu Âu: “Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine để nước này có thể tự vệ và trong tương lai là tự đứng vững trên đôi chân của mình cả về quân sự, kinh tế và dân chủ. Các đối tác ở Biển Đen có thể tin tưởng Mỹ để xây dựng một khu vực an toàn hơn, thịnh vượng hơn và hội nhập hơn”.
Mỹ lâu nay vẫn tìm kiếm cơ hội thiết lập chỗ đứng lâu dài ở Biển Đen và năm 20222 đã thông qua “Dự luật An ninh Biển Đen”, cùng ý định thành lập một căn cứ quân sự ở Ru-ma-ni để triển khai lực lượng hải quân và không quân. Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, cuộc khủng hoảng Ukraine đã khiến trọng tâm địa chính trị toàn cầu chuyển sang Biển Đen và NATO phải mở rộng hiện diện quân sự ở khu vực này.
Nga nhiều lần bác bỏ cách tiếp cận của phương Tây đối với Biển Đen, khẳng định đây là vùng biển chung và phải là một vùng biển của hợp tác, tương tác và an ninh cho tất cả các quốc gia ven biển.
Phát biểu ngày hôm qua ở thủ đô Moscow, Tổng thống Nga Putin đã chỉ trích Mỹ và các đồng minh phương Tây kích động tâm lý chống Nga. Ông đồng thời nhấn mạnh: “Cần tăng cường hơn nữa khả năng chiến đấu của các cơ quan biên giới và hiệu quả của các nhóm cơ động không chỉ trên đất liền mà còn trên các tuyến đường biển. Tất nhiên, trước hết điều này liên quan đến tình hình Biển Đen hiện nay.”
Cả Nga và Ukraine đều dựa vào biển để giao thương, nổi bật trong đó là hoạt động cung cấp ngũ cốc cho thị trường với tư cách là hai trong số các nhà xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới. Quyết định phong tỏa các cảng biển tại Biển Đen đã một phần gây ra cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu vào năm ngoái, cho đến khi Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Nga và Ukraine để nối lại xuất khẩu ngũ cốc. Sáu quốc gia giáp Biển Đen gồm Bulgaria, Gruzia, Romania, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine.