Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lạc Dương lần thứ tư
Ngày 8/12, Ban Thường vụ Huyện ủy Lạc Dương tổ chức hội nghị Huyện ủy lần thứ tư (mở rộng) để đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/HU ngày 06/12/2019 của Huyện ủy về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2020; thảo luận về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp năm 2021 và quyết định một số nội dung quan trọng. Đến dự có đồng chí Phạm Thị Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy.
Thực hiện nhiệm vụ năm 2020, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh, thiên tai, nhất là đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của huyện Lạc Dương, hoạt động sản xuất nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ bị đình trệ, gặp nhiều khó khăn, thiệt hại. Song, với sự nỗ lực, phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân nên việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương trong năm 2020 vẫn đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Kinh tế tiếp tục phát triển khá toàn diện, trong số 15 nhóm chỉ tiêu cơ bản có 13/15 nhóm chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, xây dựng vẫn tăng cao so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 104% dự toán năm, trong đó phần huyện thu ước đạt 113% dự toán; cơ sở hạ tầng thiết yếu tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ; quản lý, bảo vệ rừng, đất đai, khoáng sản được tăng cường, chú trọng. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; chú trọng triển khai nhiều biện pháp để phòng, chống có hiệu quả dịch bệnh Covid-19 tại địa phương; an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,8% và hộ cận nghèo còn 8,6%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thường xuyên được chú trọng. Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương trong năm 2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; có 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc xây dựng và nhân rộng một số mô hình liên kết sản xuất còn có mặt bất cập, thiếu hiệu quả; Công tác quản lý bảo vệ rừng, đất đai, khoáng sản mặc dù được quan tâm, chú trọng nhưng hiệu quả chưa cao; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, có nguy cơ gây mất ổn định; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và chất lượng sinh hoạt chi bộ tại một số tổ chức đảng chưa thực sự được nâng lên; phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa cao…
Các đại biểu tham dự hội nghị đã tập trung nghiên cứu, thảo luận, góp ý vào dự thảo báo cáo tổng kết, dự thảo Nghị quyết và các dự thảo khác trình tại hội nghị. Đặc biệt tập trung thảo luận những hạn chế, khuyết điểm của năm 2020, xác định rõ nguyên nhân, đề ra biện pháp khắc phục; đồng thời, xác định những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của năm 2021 phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương và có tính khả thi cao trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Hội nghị đã có 8 ý kiến phát biểu, đề xuất với lãnh đạo huyện một số vấn đề như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, việc tìm đầu ra cho sản phẩm; vấn đề thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, công tác giảm nghèo, công tác quản lý, bảo vệ rừng, san ủi trái phép, thu ngân sách, xây dựng cơ bản, vấn đề an ninh chính trị ở cơ sở… Từ những ý kiến trên, đồng chí Chủ tịch UBND huyện thay mặt chủ trì hội nghị đã trả lời làm rõ những vấn đề mà các đại biểu dự hội nghị quan tâm.
Đồng chí Phạm thị Phúc - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đánh giá cao những nỗ lực mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Lạc Dương đạt được trong năm 2020. Đồng thời, đề nghị trong thời gian tới huyện cần tập trung một số vấn đề trọng tâm như: Có những giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế đã nêu tại dự thảo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng đảng, hệ thống chính trị năm 2020; phát triển kinh tế phải gắn với quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, phát triển bền vững, đặc biệt có giải pháp cho việc phát triển nhà lưới, nhà kính phục vụ nông nghiệp công nghệ cao; phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ… gắn với bảo vệ môi trường; cần tiếp tục có giải pháp để quản lý và bảo vệ rừng, hạn chế thấp nhất các vụ phá rừng tạo dư luận không tốt cho địa phương như trong thời gian qua; tiếp tục quan tâm đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là phát triển du lịch phải gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19…