Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025
Sáng nay (2-12), Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường; Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền chủ trì hội nghị.
Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ Nghị quyết năm 2021, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2022; thông qua Nghị quyết của Tỉnh ủy năm 2022; tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát năm 2022; tổng kết xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên theo Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 2-2-2008 của Ban Chấp hành Trung ương và các văn bản của Trung ương từ năm 2010 đến nay; tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18-3-2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường nêu rõ, năm 2021, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp ảnh hưởng tới tỉnh Bình Phước, nhất là từ ngày 30-6-2021 khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên trên địa bàn tỉnh đến nay.
Trong bối cảnh đó, dưới sự chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy; sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của UBND tỉnh; sự phối hợp tích cực của các cấp, các ngành; sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân; sự ủng hộ, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ, biểu dương. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành đạt và vượt 8/15 nhóm chỉ tiêu Nghị quyết năm 2021 đề ra, 5/15 nhóm chỉ tiêu gần đạt. Có 17/25 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội được HĐND tỉnh thông qua đạt và vượt, 3 chỉ tiêu xấp xỉ đạt, 5 chỉ tiêu chưa đạt.
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường đề nghị các đại biểu tiếp tục thảo luận những kết quả đạt được, những thành tựu nổi bật, các mặt còn hạn chế yếu kém, phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, để từ đó đề xuất các giải pháp thực hiện trong năm 2022 đạt kết quả cao hơn.
Nghị quyết của Tỉnh ủy năm 2021 đề ra 15 nhóm chỉ tiêu cơ bản, đến nay có 8 nhóm chỉ tiêu đạt và vượt. Đó là các chỉ tiêu: GRDP bình quân đầu người; tổng vốn đầu tư toàn xã hội; kim ngạch xuất, nhập khẩu; chỉ tiêu về môi trường; chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới; chỉ tiêu về y tế; chỉ tiêu về lao động, việc làm, đào tạo nghề, giảm nghèo; chi ngân sách. 5 nhóm chỉ tiêu chưa đạt là: Tổng sản phẩm GRDP; cơ cấu kinh tế; tổng thu ngân sách; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia; kết nạp đảng viên. 2 nhóm chỉ tiêu chưa đánh giá là: Nhóm chỉ tiêu về lĩnh vực văn hóa; xếp loại tổ chức đoàn thể.
Theo đánh giá, năm 2021 công tác phòng, chống dịch Covid-19 được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ của UBND tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương; với tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bổ sung từng bước hoàn thiện các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp tình hình thực tế.
Kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng, đạt mức khá với 6,32%, tuy không đạt nghị quyết đề ra (chỉ tiêu nghị quyết 8,5-9%) nhưng đây là mức tăng trưởng khá so với các tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó, ngành nông, lâm, thủy sản tăng 3,88%; ngành công nghiệp - xây dựng tăng 15,3% (riêng công nghiệp tăng 17,75%); dịch vụ giảm 0,94%. Cơ cấu kinh tế có sự dịch chuyển, ngành nông, lâm, thủy sản chiếm 23,8%; công nghiệp - xây dựng chiếm 43,4%; dịch vụ chiếm 32,8%, trong đó kinh tế số chiếm 3,4% trong GRDP (tương ứng năm 2020 là 20,7% - 41,6% - 37,7%). GRDP bình quân đầu người đạt 74,1 triệu đồng, tăng 9,6% so với năm 2020, đạt chỉ tiêu đề ra.
Thu ngân sách nhà nước ước đạt 12.810 tỷ đồng, vượt 68% dự toán Bộ Tài chính giao và đạt 99% nghị quyết điều chỉnh HĐND tỉnh thông qua, tăng 10% so với năm 2020. Chi ngân sách địa phương ước đạt 15.410 tỷ đồng, đạt 98% dự toán điều chỉnh thông qua HĐND tỉnh. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thông thoáng, hoạt động thương mại, dịch vụ, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ổn định, thích ứng trạng thái bình thường mới.
Năm 2021, Bình Phước đã thu hút được 70 dự án FDI, với số vốn đăng ký 600 triệu USD, gấp 2 lần về số dự án và gấp 1,5 lần về vốn đăng ký so với kế hoạch đề ra. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 346 dự án FDI, với số vốn đăng ký hơn 3.579 triệu USD; thu hút đầu tư trong nước được 100 dự án, với số vốn đăng ký 10.000 tỷ đồng, bằng 83% về số dự án và bằng tổng vốn đăng ký so với năm 2020. Có 1.020 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 21.700 tỷ đồng; 276 doanh nghiệp hoạt động trở lại; 478 doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động; có 40 hợp tác xã thành lập mới, vượt 33,3% kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3.500 triệu USD, tăng 17,8% so với năm 2020 và vượt 12,9% kế hoạch năm 2021. Hoạt động bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 1,02%, đạt 90% kế hoạch.
Tình hình nội, ngoại biên ổn định, chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử đạt kết quả tích cực, 100% dịch vụ công trực tuyến được kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia và vươn lên đứng đầu cả nước. Các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của địa phương được tổ chức an toàn, chu đáo, hiệu quả. Tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng, định hướng các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ trọng tâm ngay từ năm đầu nhiệm kỳ.