Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết năm 2021

Sáng 24/12, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc, tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ dự, chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu trung ương.

Dự hội nghị có các đồng chí là Ủy viên, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, các nhà báo lão thành, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan báo chí Trung ương...

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp đến các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương.

Tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình, đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Đồng chí Bùi Mai Hoa, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy dự hội nghị.

Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Ninh Bình, Đài PTTH tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh; đại biểu các cơ quan báo chí trung ương thường trú và hoạt động trên địa bàn; cán bộ phụ trách lĩnh vực của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo công tác báo chí năm 2021 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022; báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 và tiến hành tham luận làm rõ những kết quả đạt được, chia sẻ kinh nghiệm; chỉ rõ hạn chế, khó khăn, thách thức, đề xuất giải pháp, kiến nghị những vấn đề cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ để hoạt động báo chí ngày càng hiệu quả.

Theo đó, các đại biểu thống nhất đánh giá: Trong lĩnh vực báo chí, năm 2021, tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực quan trọng trong công tác chỉ đạo, quản lý và hoạt động báo chí. Công tác chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí được thực hiện nhất quán theo phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả, thuyết phục, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm; việc chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí được tăng cường, nhất là đối với những sai phạm liên quan việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, thông tin không phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc; tình trạng "báo hóa" các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội "núp bóng" hoạt động như cơ quan báo chí đã từng bước được khắc phục.

Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 tiếp tục được triển khai; phát triển báo chí theo định hướng của Đại hội XIII của Đảng: "xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại". Quy hoạch mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng năm 2030 được gấp rút hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chú trọng, tăng cường bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, nhà báo; thực hiện tốt quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam.

Các cơ quan báo chí chủ động đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, tính chuyên sâu của các chương trình, tin, bài, đặc biệt là các tuyến tin, bài thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; truyền thông công tác phòng, chống dịch COVID-19; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ quyền biển đảo; các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội...

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đồng tình với các báo cáo, tham luận trình bày tại hội nghị. Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cảm ơn báo giới đã đồng hành góp phần không thể thiếu giúp Chính phủ hoàn thành nhiệm vụ của mình trong năm 2021.

Phó Thủ tướng cho rằng: Việc sắp xếp quy hoạch báo chí đã làm được từng bước đúng với bản chất việc quy hoạch báo chí là để báo chí phát triển, để thực sự là tiếng nói của nhân dân, phải tiếp tục thực hiện. Trong năm 2022 cần đánh giá thực hiện quy hoạch báo chí để chỉ ra những điểm phù hợp, không phù hợp, tránh lệch lạc, lãng phí.

Để báo chí tự chủ được cần có cơ chế đảm bảo, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông phải làm đầu mối để phối hợp giữa các cơ quan báo chí và các bộ, ngành, địa phương có cơ chế đặt hàng với báo chí.

Phó Thủ tướng yêu cầu cần minh bạch thông tin một cách nhanh nhất có thể, các cơ quan cần phải chủ động hơn trong dự báo, cung cấp thông tin cho báo chí.

Các cơ quan báo chí, dữ liệu là vô cùng quan trọng, để đảm bảo độ "sắc" trong các tác phẩm báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam với sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông nên có chương trình hỗ trợ các báo thực hiện.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định trong năm 2021 báo chí cơ bản đã thực hiện tốt việc tăng cường định hướng, đề cao sứ mệnh, trách nhiệm của báo chí. Các sự kiện trọng đại của đất nước vai trò của báo chí rất lớn, để lại nhiều bài học quan trọng cho báo chí, cần được phát huy.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Năm 2022, nhất trí với phương hướng nêu trong báo cáo và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò chức năng nhiệm vụ của báo chí cách mạnh. Tiếp tục tìm tòi, có nhiều đổi mới tuyên truyền đưa nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống. Báo chí cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đẩy manh tuyên truyền phòng chống COVID-19. Bên cạnh đó cần tăng cường làm tốt hơn nữa công tác quản lý báo chí; tôn vinh, khen thưởng cơ quan báo chí, người làm báo có thành tích, đồng thời xử lý sai phạm kịp thời...

Quan tâm bồi dưỡng cho đội ngũ nhà báo đủ sức thực hiện nhiệm vụ quan trọng, vẻ vang; thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quy hoạch báo chí; báo chí phải chuyển tải văn hóa, mở chuyên trang chuyên mục về văn hóa; quan tâm thông tin đối ngoại, thông tin trên không gian mạng...

Hướng đến kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam vào năm 2025, đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị lãnh đạo các cơ quan báo chí, các nhà báo cần chủ động hành động cụ thể, mạnh mẽ, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, nhân dân.

Nhân dịp này, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tuyên dương, khen thưởng các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2021.

Xuân Trường - Đức Lam

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-nghi-bao-chi-toan-quoc-tong-ket-nam-2021/d20211224120352925.htm