Hội nghị biến đổi khí hậu Madrid và 'Paris 2015'
Hội nghị Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP25) đã chính thức khai mạc vào ngày 2-12 tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha và sẽ kéo dài đến hết ngày 13-12. Điều cả thế giới mong đợi ở hội nghị này chính là các quốc gia tham gia hội nghị sẽ đạt được các mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (Paris 2015) được ký kết tại COP21 Paris năm 2015.
Ngay hôm khai mạc Hội nghị COP25 tại Madrid, Liên minh Các đảo quốc nhỏ (AOSIS) gồm 44 quốc gia đã lên tiếng kêu gọi các nước công nghiệp hóa, các nền kinh tế lớn hãy hành động có trách nhiệm, cùng thảo luận để đạt được những kết quả thiết thực nhất nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu, nhất là đối với những khu vực chịu tác động nặng nề nhất, gồm các quốc gia ven biển, các đảo quốc nhỏ, vùng đất thấp có nguy cơ bị chìm, bị xóa sổ do nước biển dâng.
“Đây là vấn đề mang tính tồn vong. Tác động đã và đang diễn ra ở những đảo quốc nhỏ” - AOSIS tuyên bố.
Lời kêu gọi của các đảo quốc nhận được sự hưởng ứng, đồng tình của một loạt nước nghèo, nước đang phát triển đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi khí thải nhà kính do các nước giàu, các nền kinh tế lớn gây ra. Đặc biệt là sự ủng hộ trực tiếp của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterrez.
Phát biểu trước báo giới hôm 2-12, ông Guterrez cho rằng thế giới hiện nay không thiếu khả năng, có đầy đủ công nghệ, kỹ thuật để làm chậm đà biến đổi khí hậu hoặc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính nhưng cái thiếu vẫn là một quyết tâm chính trị khiến cho các chính phủ không có hành động hoặc hành động chưa đủ mạnh để ứng phó với tình trạng khẩn cấp khí hậu đang bắt đầu diễn ra ở khắp nơi.
Để thực hiện được các mục tiêu của Hiệp định Paris 2015, đòi hỏi các quốc gia phải đáp ứng những chỉ tiêu cắt giảm khí thải rất khắt khe. Hiệp định đặt ra yêu cầu các quốc gia phải đưa ra được một chương trình hành động đầy tham vọng trước cuối năm 2020, khi các chỉ tiêu hành động hiện nay hết hạn. Một giải pháp để giúp các quốc gia đạt được các mục tiêu khí thải đó là việc mua bán tín chỉ khí thải carbon. Thị trường mua bán tín chỉ này đã bắt đầu hình thành từ sau cột mốc quan trọng là sự ra đời của Nghị định thư Kyoto năm 1997.
Ý tưởng ban đầu của thị trường là giúp các nước giàu đạt được các mục tiêu cắt giảm khí thải bằng cách bỏ tiền ra mua các tín chỉ khí thải carbon được quy đổi thành quỹ tài trợ cho các dự án giảm khí thải ở các nước đang phát triển. Bằng cách này, các nước giàu có thể kéo dài thêm được thời gian để thực hiện nhiệm vụ cắt giảm phát thải khí nhà kính, còn các nước nghèo hơn thì cũng có được nguồn tài chính để thực hiện các chương trình mục tiêu hướng đến một “tương lai xanh”.
Nhưng trên thực tế, việc thực hiện cơ chế mua bán tín chỉ khí thải đã bộc lộ những sai sót cơ bản, đó là có quá nhiều tín chỉ dễ dãi dẫn đến sự lạm dụng việc mua bán tín chỉ khí thải của các nước giàu, làm giảm hiệu quả của cơ chế.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khiến thị trường khí thải carbon sụp đổ ngay lập tức và không bao giờ khôi phục được nữa. Hậu quả là các dự án cắt giảm khí thải carbon ở các nước đang phát triển phải dựa vào nguồn ngân sách truyền thống hoặc các nguồn tài trợ thông thường khác.
Chính vì vậy, tại Hội nghị COP21 tại Paris năm 2015, các quốc gia trên thế giới đã quyết định khôi phục lại cơ chế mua bán tín chỉ khí thải carbon, với mục tiêu đặt ra cao hơn so với Nghị định thư Kyoto. Tuy nhiên, việc khôi phục cơ chế này đã gặp phải nhiều vấn đề về kỹ thuật cũng như về chính trị.
Nhiều quốc gia đã rút khỏi Hiệp định Paris 2015 kể từ khi nó có hiệu lực thi hành, trong đó có Mỹ - quốc gia phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới. Trải qua 4 năm với 3 kỳ hội nghị COP, các bên liên quan vẫn chưa thể thống nhất được làm thế nào để đạt được mục tiêu Nghị định Paris 2015 một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Trong bối cảnh đó, hội nghị năm nay tập trung vào các vấn đề kỹ thuật để thực hiện mục tiêu Hiệp định Paris 2015, như cơ chế mua bán carbon được quy định tại Điều 6 của Nghị định Paris 2015. Giải quyết được các vấn đề kỹ thuật này sẽ cho phép Liên Hiệp Quốc hoàn thiện một nghị định khung về biến đổi khí hậu, trong đó thiết lập cơ chế kiểm soát và giúp các quốc gia đạt được các chỉ tiêu cắt giảm khí thải nhà kính.
Tuy nhiên, việc khôi phục thị trường mua bán tín chỉ khí thải là một vấn đề gay go, đang vấp phải những khó khăn về nhiều mặt. Trong cái nhìn của các nhà vận động bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, cơ chế mua bán tín chỉ khí thải này là một kế hoạch lừa đảo toàn cầu nhằm mục đích tạo điều kiện cho các nước giàu được phép ung dung tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch gây phát thải khí nhà kính rồi dùng tiền trả cho các nước nghèo hơn “dọn dẹp” thay cho họ.
Các đảo quốc nhỏ và các nước nghèo, ảnh hưởng biến đổi khí hậu đặt ra yêu cầu các nước giàu, những nền kinh tế lớn phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới phải có hành động cụ thể, thiết thực và cắt giảm ngay trên thực tế mức phát thải thay vì cứ bàn bạc, thảo luận tới lui những vấn đề lý thuyết, những điều kiện trên giấy tờ.
Bên cạnh đó, nhiều vấn đề lớn khác cũng đang chờ được thảo luận tại COP25 và không hy vọng sẽ đạt được quyết định cuối cùng trong năm nay. Vấn đề lớn nhất là kiềm chế đà gia tăng nhiệt độ toàn cầu trong phạm vi 1,5 độ C nhưng bằng những giải pháp cụ thể nào thì vẫn chưa biết.
Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, để thực hiện tham vọn kiềm chế nhiệt độ tăng trong phạm vi 1,5 độ C thì các quốc gia phải cắt giảm khí nhà kính 7,6%/năm liên tục trong 10 năm. Thế nhưng, các cam kết hiện tại của các quốc gia theo Hiệp định Paris 2015 vẫn còn kém xa so với những yêu cầu đó. Vì thế đến cuối thế kỷ này, nhiệt độ bề mặt trái đất vẫn sẽ tăng đến 3 độ C.