Hội nghị Bộ trưởng IPEF: Ghi nhận hơn 60 đề xuất đầu tư mới trong lĩnh vực năng lượng
Tại Diễn đàn Nhà đầu tư Kinh tế Sạch, các nhà đầu tư đã thảo luận hơn 60 đề xuất đầu tư mới tập trung dự án năng lượng sạch, xây dựng một nền kinh tế bền vững.
Từ ngày 5-7/6/2024, Đoàn công tác Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn có chuyến công tác tới Singapore tham dự Hội nghị Bộ trưởng Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF), Diễn đàn Đầu tư Kinh tế sạch IPEF và nhiều hoạt động bên lề…
Tháp tùng Bộ trưởng trong chuyến công tác tại Singapore có Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng cùng đại diện các Bộ, ngành: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế...
Về phía Bộ Công Thương có các đơn vị chức năng đại diện: Vụ Chính sách thương mại đa biên; Vụ Thị trường châu Á - châu Phi; Vụ Dầu khí và Than; Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương; Cục Phòng vệ thương mại; Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Văn phòng Bộ; Báo Công Thương...
Hội nghị Bộ trưởng IPEF được Hoa Kỳ và 13 quốc gia đối tác thành lập vào tháng 5/2022, nhằm thiết lập các cam kết tiêu chuẩn cao dựa trên bốn trụ cột: Nền kinh tế kết nối; Nền kinh tế kiên cường; Nền kinh tế sạch và nền kinh tế công nghiệp. Phù hợp với các mục tiêu này, chương trình trao đổi Lãnh đạo theo yêu cầu (Leaders Lead On-Demand) nỗ lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đảm bảo tính bao trùm trong lợi ích kinh tế, củng cố nỗ lực chống tham nhũng và nuôi dưỡng một đội ngũ doanh nhân năng động.
Trọng tâm của chương trình là tạo dựng, phát triển và duy trì mạng lưới IPEF, thúc đẩy sự hợp tác, đổi mới và phát triển kinh tế thịnh vượng trên toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
IPEF được xây dựng trên cột trụ: Thương mại, cung cấp chuỗi, nền kinh tế sạch và nền kinh tế công nghiệp. IPEF của nước thành viên đã tạo ra một phần lớn GDP toàn cầu, sử dụng khoảng 40% và cũng đóng góp đáng kể vào thương mại hóa hàng hóa và dịch vụ toàn cầu với tỷ lệ 28%.
Tối ngày 5/6, Lễ khai mạc Diễn đàn Nhà đầu tư Kinh tế Sạch vì Thịnh vượng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được tổ chức tại Singapore thu hút sự tham gia của 22 công ty lớn từ Hoa Kỳ như: AWS của Amazon.com, Google của Alphabet, Microsoft, BlackRock, Citi, Goldman Sachs, JPMorgan, Morgan Stanley và KKR.
Diễn đàn Nhà đầu tư Kinh tế Sạch là nơi tập hợp các nhà tư vấn, tổ chức tài chính, công ty đổi mới và doanh nhân hàng đầu trong khu vực để huy động động lực đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng bền vững, công nghệ khí hậu và năng lượng tái tạo.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Singapore kiêm Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong cho biết: “Tôi rất vui mừng khi Diễn đàn nhận được số lượng lớn cũng như sự đa dạng của các chủ đề”.
Tại Diễn đàn có hơn 300 đơn đăng ký được hỗ trợ, các nhà đầu tư thảo luận hơn 60 đề xuất dự án năng lượng sạch từ danh sách. Đây là một dấu hiệu tích cực cho sự tập trung và quan tâm đến việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và bền vững.
Tổng thống Singapore Tharman Shanmugaratnam cho biết, đầu tư vào năng lượng tái tạo và các lĩnh vực khác liên quan đến nền kinh tế sạch không chỉ là cơ hội để tăng trưởng đầu tư mà còn là cơ hội tạo ra số lượng công việc làm lớn nhất mà thế giới từng được thấy trong một khoảng thời gian dài.
“Nhu cầu về năng lượng sẽ tăng đáng kể ở Đông Nam Á trong những năm tới. Để đáp ứng nhu cầu này, chúng tôi cần cung cấp năng lượng cho các nền kinh tế đang phát triển, tập trung vào công việc sử dụng ngày càng nhiều năng lượng sạch và bền vững hơn” - Tổng thống Singapore Tharman Shanmugaratnam nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng thương mại các thành viên quốc gia IPEF đã thảo luận và xem xét các biện pháp nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ sạch trong khu vực.
Các vấn đề được xuất bản tại Diễn đàn Nhà tư vấn Kinh tế sạch IPEF hướng dẫn xây dựng các dự án có liên quan đến nền tảng kinh tế vững chắc. Các đề xuất này hướng đến mục tiêu phát triển và thúc đẩy các dự án trong các lĩnh vực liên quan đến cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, tái chế pin, nông nghiệp bền vững, thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon, cùng các dự án năng lượng khác.
Trong đó, các dự án cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo tập trung để phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện và năng lượng sinh học để giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường để có được nguồn truyền tải năng lượng.
Các dự án tái chế pin hướng dẫn tập trung đến công việc nghiên cứu, phát triển các phương pháp tái chế và tái sử dụng pin, nguồn năng lượng di động khác để giảm lượng phát thải, rác thải điện tử.
Đồng thời, tại Diễn đàn Nhà đầu tư Kinh tế Sạch các nhà đầu tư cũng tập trung thảo luận các vấn đề liên quan tới thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon, hướng tới thu gom, lưu trữ carbon từ khí quyển cùng các các nguồn khác nhau như rừng, đất trồng cây, hoặc các hệ thống công nghiệp.
Kết luận tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Singapore kiêm Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong cũng nhấn mạnh, Diễn đàn đã xem xét lựa chọn những dự án có tiềm năng nhất để đầu tư. Đồng thời, tập trung vào các dự án mang lại lợi ích xã hội và môi trường ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.