Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác: Quan ngại về diễn biến phức tạp trên thực địa ở Biển Đông

Sáng 1/8, là nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản giai đoạn 2018-2021, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono đã đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Nhật Bản.

Phát biểu chung thay mặt ASEAN, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ghi nhận quan hệ ASEAN-Nhật Bản đã phát triển bền chặt hơn 45 năm qua, chia sẻ tin cậy và hiểu biết, đem lại những lợi ích lớn lao cho hai bên và đóng góp vào hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng ở khu vực. Chia sẻ quan điểm này, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ghi nhận tiến triển trong quan hệ ASEAN-Nhật Bản, đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực và hợp tác hiệu quả mà Nhật Bản dành cho ASEAN trong xây dựng cộng đồng, kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển.

Phó Thủ tướng Bộ trưởng Phạm Bình Minh và các nước ASEAN cũng đề xuất một số định hướng hợp tác trong giai đoạn tới giữa ASEAN-Nhật Bản. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono khẳng định ASEAN là một trong những trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản, khẳng định lại cam kết thúc đẩy quan hệ đối tác và hợp tác thực chất, hiệu quả và toàn diện với ASEAN. Nhật Bản nhấn mạnh tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với ASEAN trên các lĩnh vực quan tâm và lợi ích chung như hợp tác biển, phát triển bền vững, kết nối và phát triển hạ tầng, phát triển thành phố thông minh, biến đổi khí hậu…

Trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Mỹ, hai bên cũng đã đánh giá quan hệ ASEAN và Mỹ thời gian qua, khẳng định quan hệ ASEAN-Mỹ tiếp tục củng cố và tăng cường trên cơ sở hợp tác cùng có lợi, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.

Tại các hội nghị, khi bàn đến tình hình thế giới và khu vực, các Bộ trưởng trao đổi về những diễn biến phức tạp gần đây ở khu vực, trong đó có tình hình Biển Đông. Một mặt ghi nhận tiến triển trong đàm phán COC, các nước cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, trong đó có việc quân sự hóa và các hoạt động đơn phương đi ngược lại luật pháp quốc tế, làm xói mòn lòng tin, tác động bất lợi đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Các nước ASEAN và Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy tin cậy, tăng cường xây dựng lòng tin, đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông; tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố DOC và hướng đến hoàn tất Bộ quy tắc COC hiệu quả, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị, về tình hình Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nêu rõ quan ngại về diễn biến phức tạp trên thực địa ở Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, xâm phạm chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, không quân sự hóa, kiềm chế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, sớm hoàn tất COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Với Nhật Bản, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh hoan nghênh tiếng nói xây dựng, tích cực của Nhật Bản đối với các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, mong muốn Nhật Bản tiếp tục ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, cùng đóng góp xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định vì hợp tác và phát triển.

Cùng ngày, cũng đã diễn ra Hội nghị sáng kiến hạ nguồn Mê Công MLI 12.

M.Loan

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chinh-tri/hoi-nghi-bo-truong-ngoai-giao-asean-voi-cac-doi-tac-quan-ngai-ve-dien-bien-phuc-tap-tren-thuc-dia-o-bien-dong-tintuc443654