Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội: Vai trò của Nghị viện trong định hình tương lai chung

Cuối tháng 7 này, Geneva sẽ là tâm điểm của chính sách và tinh thần dân chủ quốc tế khi gần 300 đại biểu, bao gồm các nhà lãnh đạo nghị viện hàng đầu thế giới, sẽ hội tụ tại Trụ sở Liên Hợp Quốc để tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6. Hội nghị lần này không chỉ đánh dấu quy mô lớn nhất từ trước đến nay, mà còn khẳng định vai trò của nghị viện trong định hình tương lai số và xây dựng một thế giới bền vững, bình đẳng, dân chủ.

Từ tầm nhìn thế kỷ đến sứ mệnh kép

Năm 2000, khi thế giới bước vào thiên niên kỷ mới, Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) đã đề xuất một sáng kiến chưa từng có: triệu tập các chủ tịch quốc hội trên toàn cầu về New York, ngay trước thềm Hội nghị Thiên niên kỷ của LHQ. Từ đó, Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới được tổ chức định kỳ 5 năm/lần, trở thành diễn đàn cao nhất của nhánh lập pháp thế giới.

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội lần thứ nhất tại New York năm 2000. Ảnh: IPU

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội lần thứ nhất tại New York năm 2000. Ảnh: IPU

Từ khởi đầu mang tính biểu tượng, Hội nghị nhanh chóng định hình hai sứ mệnh chiến lược: Thúc đẩy vai trò của nghị viện quốc gia trong các tiến trình toàn cầu, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với LHQ; Và nâng cao năng lực của nghị viện trong việc thực thi các mục tiêu toàn cầu như SDGs.

Thành tựu qua 5 kỳ hội nghị

Trải qua 25 năm, 5 kỳ hội nghị đã đưa ra những tuyên bố và định hướng có ảnh hưởng:

Trong bối cảnh chủ nghĩa đa phương đang bị đe dọa, Hội nghị đầu tiên (New York, 2000), tập trung thể hiện sự ủng hộ đối với LHQ với tư cách là thể chế quan trọng nhất của hợp tác quốc tế. Thông qua Tuyên bố “Tầm nhìn nghị viện cho hợp tác quốc tế trong bình minh của thiên niên kỷ thứ ba”, các chủ tịch Quốc hội khẳng định, hệ thống đa phương không thể thiếu sự tham gia của các nghị viện; đồng thời cam kết đảm bảo rằng nghị viện của họ sẽ đóng góp nhiều hơn về mặt nội dung vào công việc của LHQ.

Hội nghị thứ hai (New York, 2005) đã thông qua Tuyên bố “Thu hẹp khoảng cách dân chủ trong quan hệ quốc tế: Vai trò mạnh mẽ của các nghị viện”, đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ về hành động đa phương để giải quyết các vấn đề toàn cầu và cam kết ủng hộ việc phát triển một mối quan hệ chiến lược và cùng có lợi giữa LHQ và IPU.

Tại Hội nghị lần thứ ba (Geneva, 2010), các Chủ tịch thể hiện sự ủng hộ với LHQ và nhắc lại sự ủng hộ đối với IPU như là tổ chức quốc tế phù hợp nhất để xây dựng mối quan hệ vững chắc giữa các nghị viện và LHQ.

Hội nghị lần thứ tư (New York, 2015) đã thông qua Tuyên bố “Đặt dân chủ phục vụ hòa bình và phát triển bền vững: Xây dựng thế giới mà người dân mong muốn". Tại đây, các chủ tịch tái khẳng định các nguyên tắc của Tuyên ngôn Phổ quát về dân chủ, và thiết lập mối liên hệ thiết yếu giữa quản trị dân chủ, hòa bình và phát triển bền vững.

Do đại dịch Covid-19, Hội nghị lần thứ năm được tổ chức theo hình thức đặc biệt gồm hai phần: một phiên họp trực tuyến vào tháng 8/2020 và một phiên họp trực tiếp tại Vienna vào tháng 9/2021. Trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do đại dịch gây ra, các Chủ tịch đã thông qua Tuyên bố “Lãnh đạo nghị viện vì chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, mang lại hòa bình và phát triển bền vững cho con người và hành tinh”, đề ra một tầm nhìn tiếp cận đa lĩnh vực, hợp tác toàn cầu để ứng phó với khủng hoảng y tế, bất bình đẳng xã hội, khoảng cách số và suy thoái môi trường.

Các kỳ Hội nghị Chủ tịch Quốc hội được tổ chức với sự hợp tác chặt chẽ giữa IPU và LHQ, do đó, các hội nghị luôn được tổ chức tại những thành phố có các Văn phòng lớn của LHQ (New York, Geneva, Vienna). Hội nghị bao gồm các phiên thảo luận toàn thể, các cuộc thảo luận chuyên đề, bàn tròn và báo cáo chuyên sâu.

Logo của Hội nghị lần thứ 6 các Chủ tịch Quốc hội thế giới. Nguồn: IPU

Logo của Hội nghị lần thứ 6 các Chủ tịch Quốc hội thế giới. Nguồn: IPU

Kỳ hội nghị lớn nhất

Hội nghị lần thứ 6 sẽ ra từ ngày 29 đến 31/7/2025, với sự tham dự của gần 300 đại biểu, trong đó có các Chủ tịch Quốc hội, Hạ viện và Thượng viện từ khoảng hơn 170 quốc gia, đại diện cao cấp từ LHQ, các tổ chức đa phương, học giả, tổ chức xã hội dân sự và báo chí quốc tế, sự kiện đánh dấu kỳ Hội nghị lớn nhất từ trước đến nay.

Theo truyền thống, trước thềm hội nghị, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 15 của các Nữ Chủ tịch Quốc hội sẽ được tổ chức vào ngày 28/7/2025 - một sáng kiến nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong giới lãnh đạo lập pháp.

6 điểm nhấn nội dung

Giám sát AI, bảo vệ quyền công dân: Phiên thảo luận “Vai trò của Nghị viện trong định hình tương lai chuyển đổi số” sẽ là nội dung quan trọng nổi bật, mang hơi thở thời đại khi các lãnh đạo nghị viện thảo luận vai trò của nghị viện định hình khuôn khổ pháp lý nhằm quản lý, kiểm soát công nghệ mới như AI, dữ liệu lớn, an ninh mạng, quyền riêng tư, quyền dữ liệu - vốn là những thách thức sống còn của thế kỷ XXI.

Tăng cường bình đẳng giới và sự tham gia của thanh niên: Tiếp nối thành công của các kỳ trước, Hội nghị sẽ tổ chức phiên chuyên đề thúc đẩy tỷ lệ nữ nghị sĩ, tạo không gian chính trị cho thanh niên và nhóm yếu thế tham gia vào hoạch định chính sách toàn cầu.

Hòa bình, phát triển bền vững, nhân quyền: Đưa ra các cam kết cụ thể về việc hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao, thông qua các cơ chế thúc đẩy hòa giải xung đột, hỗ trợ nhân đạo và thực thi Công ước Nhân quyền.

Tăng tốc thực hiện các SDGs: Nghị viện được kỳ vọng đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy thực thi SDGs đến năm 2030, từ biến đổi khí hậu đến y tế, giáo dục, kinh tế xanh và việc làm bền vững, không chỉ qua phân bổ ngân sách, mà qua giám sát chương trình hành động của chính phủ và sự tham gia của người dân.

Thúc đẩy hợp tác liên nghị viện: Hội nghị là cơ hội để nghị viện các nước tăng cường phối hợp đa phương, xây dựng liên minh hành động, đặc biệt trong bối cảnh xung đột, chia rẽ và bất bình đẳng gia tăng.

Ngày cuối, hội nghị sẽ thông qua “Tuyên bố Geneva”, văn kiện định hướng chiến lược hành động nghị viện toàn cầu trong giai đoạn 2025 - 2030, đồng thời dự kiến sẽ xây dựng bộ hướng dẫn mới giúp các nghị viện áp dụng luật quốc tế, từ môi trường đến nhân quyền, theo cách liên ngành và toàn cầu.

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 6 tại Geneva hứa hẹn sẽ là biểu tượng sống động của sự hợp tác giữa cơ quan nghị viện cao nhất và LHQ, hành động vì một thế giới ổn định, công bằng, bền vững và dân chủ. Từ nâng cao tiếng nói của phụ nữ, thúc đẩy thanh niên tham gia, đến thích ứng kỹ thuật số, đây chính là diễn đàn để các nhà lập pháp hàng đầu thế giới khẳng định vai trò trong định hình tương lai chung.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/hoi-nghi-cac-chu-tich-quoc-hoi-vai-tro-cua-nghi-vien-trong-dinh-hinh-tuong-lai-chung-10380321.html