Hội nghị cấp cao ASEAN 42: Khát vọng vượt sóng cả và dấu ấn Việt Nam
Nếu biết tận dụng dòng chảy, hướng gió, 'con thuyền ASEAN' sẽ vững vàng lướt sóng, vươn ra đại dương…
“Con thuyền ASEAN” trước đại dương
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 diễn ra tại Indonesia từ ngày 9-11/5, trong bối cảnh thế giới, khu vực có những diễn biến đan xen phức tạp. Khủng hoảng Ukraine, cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn; nguy cơ xung đột, chiến tranh; thách thức an ninh toàn cầu về biến đổi khí hậu, dịch bệnh, suy thoái kinh tế, an ninh năng lượng, lương thực, an ninh không gian mạng… Sự cọ xát giữa trật tự thế giới đơn cực và xu thế đa cực ngày càng rõ.
Bên cạnh đó, bức tranh thế giới cũng có phần tươi mới nhờ các gam màu sáng. Đó là việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của các khu vực, trong đó có ASEAN. Iran và Saudi Arabia thỏa thuận bình thường hóa quan hệ song phương sau gần 7 năm thù địch; Syria xác nhận khôi phục quan hệ ngoại giao với Saudi Arabia và tiếp theo là với Thổ Nhĩ Kỳ. Liên đoàn Arab quyết định kết nạp lại Syria sau hơn một thập kỷ bị đình chỉ tư cách thành viên. Những động thái trên ở khu vực Arab, Trung Đông cho thấy xu thế chuyển từ đối đầu sang đối thoại, hợp tác ngày càng rõ hơn.
Châu Âu sa vào vòng xoáy đối đầu giữa phương Tây và Nga càng làm tăng vị trí địa chiến lược của châu Á-Thái Bình Dương. Tiến trình xây dựng Cộng đồng đạt được những kết quả quan trọng, ASEAN trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới; tiếp tục là tâm điểm của hàng loạt sáng kiến liên kết, kết nối khu vực, có vị trí ngày càng quan trọng trong chiến lược của các nước lớn. Đồng thời, khu vực này cũng là nơi cạnh tranh chiến lược quyết liệt giữa Mỹ, Trung Quốc, Nga và các nước lớn khác.
Bối cảnh đó, như chia sẻ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực: ASEAN đang có vị thế tốt, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Nói một cách hình ảnh, nếu biết tận dụng dòng chảy, hướng gió, “con thuyền ASEAN” sẽ vững vàng lướt sóng, vươn ra đại dương. Ngược lại, có thể mắc phải “sóng ngầm”, “vòng xoáy” của những dòng chảy đan xen, ngược chiều.
Định vị, định hướng Tầm nhìn đến năm 2045
Chủ đề của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng” thể hiện mục tiêu, tham vọng của Cộng đồng trong giai đoạn mới. Nhằm thực hiện quyết tâm đó, Hội nghị đã tiến hành 8 phiên họp thượng đỉnh, nhiều cuộc gặp song phương giữa các quốc gia thành viên; thảo luận và thông qua 10 văn kiện quan trọng, định hướng cho xây dựng Cộng đồng, hợp tác nội khối và với các đối tác đến năm 2025, Tầm nhìn đến năm 2045.
Tuyên bố chung về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 hướng tới tương lai, giải quyết các thách thức, xu hướng trong và ngoài khu vực trong 20 năm tới. Tuyên bố chung về tăng cường năng lực, hiệu quả thể chế ASEAN, tiếp tục khẳng định cam kết thực hiện nỗ lực duy trì vai trò trung tâm, sự thống nhất và phù hợp của ASEAN giữa những thách thức của thế giới, khu vực.
Hội nghị khẳng định cam kết hợp tác mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, các vấn đề ưu tiên như: thúc đẩy tăng trưởng và hồi phục; thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực, tăng cường giao dịch bằng đồng bản tệ; ổn định tài chính; ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng…
Trên cơ sở đánh giá khách quan bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực và kết quả đạt được những năm qua, Hội nghị cấp cao lần này đã lựa chọn trọng tâm, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản, giải pháp chủ yếu cho giai đoạn mới. Như vậy, ASEAN định vị đúng vị trí của mình và định hướng rõ con đường, tương lai phát triển. Tuy còn những khó khăn, thách thức, cả bên trong và bên ngoài, nhưng có cơ sở để tin ASEAN sẽ thực hiện được mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới.
Kết quả đạt được của Hội nghị là nhờ tinh thần trách nhiệm, đoàn kết và sự đồng thuận của lãnh đạo các quốc gia thành viên. Trong đó, Việt Nam có những đóng góp quan trọng.
Thông điệp và đóng góp của Việt Nam
Việt Nam luôn khẳng định đường lối nhất quán coi ASEAN là bộ phận quan trọng, không tách rời trong chính sách đối ngoại. Trên tinh thần đó, trong Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn Việt Nam đưa ra nhiều thông điệp quan trọng, đóng góp, đề xuất chủ trương, biện pháp thực chất và hiệu quả cho xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh ba vấn đề cốt lõi quyết định bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín, vị thế của ASEAN, tạo nền tảng để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức. Đó là: giữ vững độc lập, tự chủ chiến lược, vươn mình bứt phá thành tâm điểm của tăng trưởng và thích ứng ngày càng tốt hơn trước những biến động bên ngoài. Tập trung thực hiện các nội dung đột phá: khởi tạo ý tưởng, khơi dậy tự cường và khơi thông nguồn lực. Việt Nam cũng đóng góp nhiều đề xuất về nhiệm vụ cơ bản, giải pháp chủ yếu.
Thứ nhất là củng cố đoàn kết, thống nhất, giữ vững độc lập, tự lực, tự cường, là nền tảng để phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN. Củng cố đoàn kết và thống nhất là nhiệm vụ căn cốt cho một ASEAN độc lập và tự cường. Chỉ có đoàn kết, thống nhất trong ý chí và hành động, ASEAN mới có thể tiến xa. ASEAN cần giữ vững cân bằng chiến lược trong quan hệ với các đối tác, nhất là các nước lớn; tạo dựng và thúc đẩy văn hóa đối thoại, hợp tác tham vấn, xây dựng lòng tin chiến lược; phối hợp ứng phó với các thách thức chung.
Thứ hai là thúc đẩy kết nối khu vực cả về thể chế, hạ tầng và con người để tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông nguồn lực, khơi dậy tiềm năng phát triển. Để thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, cần ưu tiên mở rộng thị trường nội khối, nỗ lực đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, triển khai đồng bộ, quyết liệt các dự án kết nối khu vực, tạo chuyển biến mạnh mẽ cho môi trường đầu tư, kinh doanh và du lịch. Quan tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế số, chính phủ số, kinh tế tuần hoàn, kết nối mạng lưới điện; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...
Thứ ba là, lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu và động lực xây dựng Cộng đồng ASEAN. Đây là quan điểm cơ bản của Việt Nam và cũng là tinh thần cốt lõi của ASEAN. Muốn vậy, cần quan tâm, nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, tiểu vùng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Hợp tác tiểu vùng phải gắn kết với các chương trình hợp tác chung của Cộng đồng ASEAN trên các lĩnh vực, mở rộng không gian phát triển, bảo đảm cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả người dân.
Để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, ASEAN cần phát huy tinh thần trách nhiệm, vì mục tiêu chung, hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích Cộng đồng.
Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm của Việt Nam, tiếp tục khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về các vấn đề cùng quan tâm. Thủ tướng đề nghị ASEAN kiên định mục tiêu hỗ trợ Myanmar thực hiện đầy đủ “Đồng thuận 5 điểm”, vì người dân Myanmar, vì sự đoàn kết, uy tín và hình ảnh của ASEAN, vì sự kỳ vọng của cộng đồng quốc tế; ủng hộ Chủ tịch Indonesia và Đặc phái viên phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt ASEAN thực hiện mục tiêu đề ra.
Đối với vấn đề Biển Đông, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn tự do hàng hải và hàng không vừa là lợi ích, vừa là trách nhiệm của tất cả các nước. Đề nghị thúc đẩy thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); phấn đấu xây dựng Bộ quy tắc ứng Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982).
Liên quan đến xung đột Nga-Ukraine, Việt Nam cho rằng cần duy trì cách tiếp cận khách quan, cân bằng, có trách nhiệm, phối hợp với các đối tác, để giảm thiểu tác động tiêu cực của khủng hoảng với khu vực, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của thế giới.
Trong hai ngày tham dự hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn Việt Nam có gần 20 hoạt động đa phương và song phương; luôn bám sát chủ đề, mục tiêu, các trọng tâm, ưu tiên và nhiệm vụ cơ bản, giải pháp chủ yếu, thể hiện quyết tâm đóng góp thực chất và hiệu quả cho xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Ý kiến, quan điểm của Việt Nam nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo các quốc gia thành viên, dư luận quốc tế, được ghi nhận, đưa vào các văn kiện, góp phần cho thành công của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42. Điều đó khẳng định Việt Nam luôn thống nhất cao giữa tuyên bố và hành động, là một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của Cộng đồng ASEAN và cộng đồng quốc tế.
Như đánh giá của Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn, Việt Nam luôn có những đóng góp quan trọng, chủ động và tích cực cho Cộng đồng ASEAN. Sự chuyển mình nhanh chóng và nhiều thành tựu phát triển vượt bậc trong những năm qua không chỉ có giá trị với Việt Nam mà còn đóng góp cho khu vực trên các trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội.