Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 dự kiến thông qua gần 50 văn kiện
Khoảng 50 văn kiện chính sẽ được các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN ghi nhận và thông qua tại Hội nghị cấp cao lần thứ 43 và các hội nghị liên quan.
Đây là kết quả đàm phán kéo dài nhiều tháng qua trong nội bộ ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác. Thông tin này được Đại sứ Việt Nam tại ASEAN Nguyễn Hải Bằng đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn với Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Indonesia trước thềm hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 04-07/09/2023 tại Jakarta.
PV: Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động như hiện nay, xin Đại sứ đánh giá ý nghĩa của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan?
Đại sứ Nguyễn Hải Bằng: Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 là Hội nghị cấp cao lần thứ hai trong năm và là một sự kiện hết sức có ý nghĩa trong ASEAN. Trọng tâm chính của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan là các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ thảo luận, tương tác, bàn thảo giữa các lãnh đạo ASEAN, với lãnh đạo các nước đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ cho cố gắng chung của ASEAN trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN. Nước chủ nhà cũng có sáng kiến tổ chức một Diễn đàn Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương lần đầu tiên.
Chủ đề chính của năm nay là “ ASEAN Tầm vóc, tâm điểm của tăng trưởng”. Đây là một chủ đề hay và có ý nghĩa trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, nền kinh tế thế giới trải qua nhiều thăng trầm, lạm phát, suy thoái kinh tế nhưng 10 nền kinh tế ASEAN vẫn phát triển hết sức năng động, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Thế mạnh của ASEAN trong tình hình kinh tế thế giới hiện nay là các nền kinh tế trẻ, với quy mô dân số là hơn 600 triệu người, có nội nhu rất lớn. Ngoài ra, nền kinh tế của các nước ASEAN được kết nối chặt chẽ với các khu vực khác. Do đó sáng kiến của nước chủ nhà rất được ủng hộ và tập trung, phát huy thế mạnh của các nước ASEAN hiện nay. Đó chính là một trung tâm về kinh tế và điểm sáng của kinh tế thế giới có hiệu ứng lan tỏa ra các khu vực khác. Tuy nhiên nếu muốn làm được như vậy phải duy trì một môi trường hòa bình, ổn định thì người dân của các nước thành viên mới có thể yên ổn, làm ăn kinh tế kết nối được với nhau.
Trên thế giới ít có tổ chức khu vực nào mà hàng năm lại tổ chức được một diễn đàn mà tất cả lãnh đạo cao cấp cao của các cường quốc trên thế giới lại đến để bàn với các nước thành viên ASEAN về các vấn đề quốc tế và khu vực. Điều đó thể hiện vai trò trung tâm, cái vai trò dẫn dắt của ASEAN.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ Việt Nam tham dự hội nghị. Việt Nam tham gia Hội nghị ASEAN lần thứ 43 lần này với một cái vị thế khá là đặc biệt. Thủ tướng Chính phủ vừa mới tiếp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thăm chính thức Việt Nam. Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên thăm Việt Nam. Đây là một sự kiện rất có ý nghĩa trong quan hệ song phương giữa Việt Nam với Mỹ và Việt Nam đến ASEAN lần này với tâm thế đặc biệt. Tất cả các nước bạn bè trong ASEAN cũng như là nước đối tác đều rất muốn lắng nghe ý kiến đóng góp của phía Việt Nam.
PV: Đây là kỳ hội nghị cấp cao quan trọng nhất của năm ASEAN 2023, Đại sứ kỳ vọng như thế nào về kết quả tại hội nghị lần này?
Đại sứ Nguyễn Hải Bằng: Dự kiến có khoảng 49 văn kiện sẽ được các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN ghi nhận và thông qua tại Hội nghị cấp cao lần thứ 43 và các hội nghị liên quan. 49 văn kiện bao gồm những vấn đề xuyên suốt trong cả ba trụ cột chính trị-an ninh, trụ cột kinh tế, văn hóa xã hội. Đây là kết quả của hàng tháng trời đàm phán kéo dài trong nội bộ ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác.
Các nhà lãnh đạo ASEAN dự kiến thông qua một số văn kiện rất quan trọng trong trụ cột kinh tế như Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về Trung tâm tăng trưởng ASEAN; Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN về ổn định an ninh lương thực. Đây là một vấn đề rất sống còn và được quan tâm. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ tuyên bố đưa ra một thỏa thuận khung về phát triển nền kinh tế số. Một trong những đóng góp lần này của Việt Nam là tạo ra khuôn khổ để phát triển các nền kinh tế số ở ASEAN. Các nhà lãnh đạo cũng sẽ thông qua tuyên bố về chống biến đổi khí hậu, thông qua một khung hợp tác kinh tế biển xanh, khung bảo vệ quyền lợi của lao động nhập cư- vấn đề đang tồn tại giữa các nước thành viên của ASEAN. Các nhà lãnh đạo sẽ thông qua một tuyên bố chung là làm thế nào để phối hợp giữa các cái sáng kiến của Trung Quốc với sáng kiến Ấn Độ Dương Thái Bình Dương của các nước ASEAN.
Các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ ký thông qua một Tuyên bố chung về chủ đề an ninh lương thực với ba đối tác trong dịp hội nghị cấp cao này bao gồm Australia, Canada và Ấn Độ. Riêng Ấn Độ sẽ có một tuyên bố chung về hợp tác biển. Ngoài ra các nước ASEAN+3 với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ có một Tuyên bố chung về chủ đề rất cụ thể là phát triển môi trường sinh thái cho ô tô điện. Tất cả chúng ta đều biết ô tô điện là chủ đề các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc rồi, ngay cả Việt Nam Indonesia, Thái Lan đều hết sức là quan tâm.
PV: Xin Đại sứ đánh giá đóng góp của đoàn Việt Nam tại hội nghị lần này cũng như dấu ấn của Việt Nam trong năm ASEAN 2023 nói chung?
Đại sứ Nguyễn Hải Bằng: Với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam đã tham gia rất là tích cực và có những đóng góp hết sức cụ thể, thực chất vào các sáng kiến mà ASEAN đưa ra để các lãnh đạo thông qua tại Hội nghị cấp cao.Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN cũng được phân công trực tiếp đàm phán các văn kiện quan trọng bao gồm Tuyên bố chung giữa ASEAN với các đối tác của ASEAN.
Những đóng góp của Việt Nam cũng như của phái đoàn Việt Nam tại ASEAN lần này là xuyên suốt trên cả ba trụ cột chính trị, an ninh kinh tế và văn hóa xã hội.
Về chính trị an ninh, với tư cách là Chủ tịch của ASEAN 2020, Việt Nam đã đề xuất là đã đến lúc ASEAN phải nhìn xa hơn cần phải đưa ra định hướng sau 2025. Tiếp tục triển khai sáng kiến của Việt Nam, Hội nghị cấp cao lần này sẽ thông qua Tuyên bố về tầm nhìn phát triển ASEAN trong 20 năm tới đến năm 2045. Việt Nam cũng ủng hộ và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực cho việc xây dựng Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương Thái Bình Dương. Ngoài ra, về mặt kinh tế Việt Nam cũng đóng góp rất nhiều trong các văn kiện thỏa thuận giữa lãnh đạo các nước ASEAN với các đối tác. Đóng góp của Việt Nam là làm thế nào để duy trì một môi trường hòa bình, ổn định cho hợp tác và cho phát triển của ASEAN là điều kiện tiên quyết và rất quan trọng.
Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 43 này Đoàn đại biểu Việt Nam cũng có nhiều đóng góp liên quan tới việc tăng cường giao lưu nhân dân, cụ thể là sẽ có tuyên bố về bình đẳng giới, về hỗ trợ trẻ em, hỗ trợ cho nhóm người khuyết tật, nhóm yếu thế, Tuyên bố về chuyển đổi số trong giáo dục hay là chuẩn hóa các tiêu chuẩn giáo dục giữa các nước ASEAN….
Tóm lại, với tầm nhìn xa 20 năm sau năm 2025, chúng ta tin tưởng cùng với các nước thành viên ASEAN sẽ xây dựng Cộng đồng ASEAN bền vững, phát triển năng động và lấy con người làm trung tâm và công dân ASEAN sẽ được thụ hưởng những lợi ích cụ thể từ cộng đồng.
PV: Xin cảm ơn Đại sứ.