Hội nghị Cấp cao ASEAN: Xác định tâm thế, lập trường ASEAN trước các 'điểm nóng'
Trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 và các Hội nghị Cấp cao liên quan giữa ASEAN với các đối tác (ngày 26-28/10), Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN của Việt Nam nhấn mạnh những trọng tâm thảo luận của các nhà lãnh đạo trong đợt Hội nghị.
Xin Thứ trưởng đánh giá về những trọng tâm dự kiến thảo luận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 lần này?
Như các bạn đã biết, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 sắp tới diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang tác động mạnh mẽ cùng với những diễn biến hết sức phức tạp trong tình hình khu vực và thế giới. ASEAN đang đứng trước ngày càng nhiều khó khăn, thách thức.
Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về các điểm chính sau:
Thứ nhất, các nhà lãnh đạo sẽ trao đổi về cách thức thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát được đại dịch Covid-19; trong khi đó bảo đảm dần dần khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội trong điều kiện bình thường mới.
Đồng thời, cần bảo đảm tiến độ triển khai các kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN, các hoạt động hợp tác ASEAN trong điều kiện bình thường mới, như cải cách thể chế, tận dụng thành quả Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, phối hợp xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống…
Thứ hai, các nhà lãnh đạo sẽ bàn về quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, nhất là quan hệ giữa ASEAN với các đối tác đối thoại, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực.
Thứ ba, các nhà lãnh đạo sẽ trao đổi về tâm thế, lập trường, quan điểm của ASEAN trước những diễn biến, động thái xảy ra ở khu vực mà tác động đến cục diện chung của khu vực, đồng thời cũng sẽ trao đổi về các điểm nóng hiện nay như Myanmar, Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên…
Xin Thứ trưởng đánh giá vai trò, đóng góp nổi bật của Việt Nam trước khi bước vào kỳ hội nghị?
Như thường lệ, công tác chuẩn bị cho một kỳ Hội nghị Cấp cao sẽ kéo dài trong suốt một năm. Việt Nam là nước Chủ tịch ASEAN năm 2020, đã có rất nhiều kết quả, đề xuất, sáng kiến mà chúng ta đề ra trong năm 2020, cần phối hợp với Brunei, nước Chủ tịch ASEAN năm 2021, và các thành viên ASEAN khác tiếp tục duy trì, thúc đẩy đà triển khai.
Dịp này, sẽ có khoảng 100 văn kiện trình lên các Lãnh đạo Cấp cao. Việt Nam đã tích cực phối hợp cùng các nước trong quá trình chuẩn bị nội dung, soạn thảo và thương lượng các văn kiện này.
Trong cả năm nay có rất nhiều vấn đề nảy sinh, Việt Nam đều phát huy vai trò rất tích cực, chủ động, đóng góp cùng các nước ASEAN tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như trong vấn đề Myanmar, chúng ta đã phối hợp cùng các nước thúc đẩy tích cực triển khai Đồng thuận 5 Điểm của các nhà lãnh đạo ASEAN và cử Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN về vấn đề này.
Xin Thứ trưởng cho biết kết quả của các sáng kiến phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch, mà đã được đưa ra trong các cuộc họp trước đây?
Có nhiều sáng kiến phòng chống Covid-19 đã được đề ra trong năm ngoái và được triển khai hết sức tích cực như chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau, Quỹ ASEAN Ứng phó Covid-19, Kho Dự phòng vật tư y tế khu vực, Khung Phục hồi tổng thể của ASEAN…
Nhờ đó, các nước ASEAN đã có sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau trong ứng phó Covid-19, hỗ trợ bảo hộ công dân của nhau, tạo điều kiện hồi hương, hỗ trợ tiêm vaccine cho công dân của nhau, đảm bảo lưu thông hàng hóa, nhất là các hàng hóa thiết yếu, bảo đảm chuỗi cung ứng...
Tại kỳ Hội nghị Cấp cao sắp tới, các nhà lãnh đạo sẽ thông qua Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN, tạo thuận lợi cho di chuyển thiết yếu an toàn trong khu vực.
Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả những sáng kiến gần đây của Việt Nam trong ASEAN?
Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến về phòng chống Covid-19 cũng như xây dựng Cộng đồng ASEAN. Các sáng kiến như lập Quỹ ASEAN Ứng phó Covid-19, Kho Dự phòng vật tư y tế khu vực, Khung Phục hồi tổng thể ASEAN.
Các đóng góp vào nỗ lực xây dựng Cộng đồng gồm xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2025, rà soát lại việc thực hiện Hiến chương ASEAN, đóng góp vào thu hẹp khoảng cách phát triển cũng như phát triển bền vững ở các tiểu vùng, đưa hợp tác tiểu vùng gắn với tiến trình hợp tác chung của ASEAN… Tất cả các sáng kiến đó đang được triển khai tốt.