Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS): Bốn điểm nhấn lớn

Bối cảnh đặc biệt của Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) năm nay không thể ngăn các nước đẩy mạnh hợp tác, chung tay vượt khó, vì một Đông Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Sự khác biệt ấy trước tiên đến từ hình thức tổ chức của EAS: Do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, lần đầu tiên Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, Hội nghị vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông, với sự góp mặt đông đảo của các nước ASEAN và đối tác.

Quan trọng hơn, sự đặc biệt ấy còn đến từ nội dung phong phú, bao trùm các vấn đề lớn mà khu vực Đông Á đang phải đối mặt, cũng như sự đồng thuận lớn giữa các nước ASEAN và đối tác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Đông Á lần thứ 15 ngày 14/11. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Đông Á lần thứ 15 ngày 14/11. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Chung tay vượt Covid-19

Điểm nhấn đầu tiên tại EAS năm nay chính là nguy cơ từ đại dịch Covid-19, đòi hỏi các nước đẩy mạnh hợp tác nhằm chung tay vượt khó. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ngày 14/11, thế giới đang ở trong thời điểm khó khăn khi sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã cướp đi hàng triệu sinh mạng, làm tiêu tan hàng nghìn tỷ USD GDP toàn cầu, khiến hàng triệu người mất việc, khiến biến động phức tạp của môi trường chiến lược toàn cầu, cũng như các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống trở nên trầm trọng hơn.

Thách thức này đòi hỏi tất cả phải hợp tác để vượt qua. Tại EAS, tinh thần ấy một lần nữa được phản ánh rõ nét qua Tuyên bố của các Lãnh đạo EAS về Tăng cường năng lực chung của khu vực về ngăn ngừa và ứng phó dịch bệnh và Tuyên bố của các Lãnh đạo EAS về Hợp tác Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực ổn định.

Cụ thể, các nước nhất trí nâng cao năng lực hệ thống y tế công cộng, sẵn sàng ứng phó với thách thức y tế tương lai, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, đồng thời hợp tác nghiên cứu và sản xuất vaccine, thuốc điều trị Covid-19 an toàn, hiệu quả với chi phí hợp lý, ứng dụng công nghệ mới trong chống dịch và phục hồi bền vững.

Bình đẳng giới

Điểm nhấn thứ hai trong EAS năm nay chính là việc các nước thông qua Tuyên bố của Lãnh đạo EAS về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh. Thành quả này khẳng định sự công nhận của các nước với vai trò và đóng góp của nữ giới, đặc biệt là trong quá trình khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, Tuyên bố thể hiện cam kết của các nước trong bảo vệ quyền cơ bản của phụ nữ, tiến tới xây dựng một Đông Á hòa bình, ổn định, bình đẳng và thịnh vượng hậu đại dịch Covid-19.

Trật tự dựa trên luật lệ và chiến lược biển

Điểm nhấn thứ ba trong EAS xoay quanh câu chuyện tuân thủ luật pháp quốc tế. Đây là yếu tố quan trọng với Đông Á, nơi có vị trí địa chiến lược với nhiều tuyến giao thương hàng hải lớn.

Điểm nhấn thứ hai trong EAS năm nay chính là việc các nước thông qua Tuyên bố của Lãnh đạo EAS về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh. Thành quả này khẳng định sự công nhận của các nước với vai trò và đóng góp của nữ giới, đặc biệt là trong quá trình khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, trật tự dựa trên luật lệ tại khu vực này đang đứng trước những thách thức lớn. Phát biểu ngày 14/11 tại EAS, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn độ Subrahmanyam Jaishankar đã bày tỏ quan ngại về các hành động và sự cố làm xói mòn lòng tin ở Biển Đông.

Chia sẻ quan ngại sâu sắc với các nước trong khu vực, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide bày tỏ quan ngại về một số hành động trên Biển Hoa Đông và Biển Đông “đi ngược lại với sự thượng tôn pháp luật và cởi mở”.

Nhận thức rõ tầm quan trọng và vị trí chiến lược của các vùng biển và đại dương trong khu vực tới quá trình bảo đảm an ninh, phát triển kinh tế - xã hội hậu đại dịch, các nước nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm, đồng thời kêu gọi kiềm chế, tránh các hành động làm phức tạp tình hình, không quân sự hóa, giải quyết hòa bình các khác biệt, mâu thuẫn trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển.

Đồng thời, lãnh đạo các nước đã thông qua Tuyên bố của lãnh đạo EAS về Hợp tác biển bền vững, thúc đẩy hợp tác biển, lĩnh vực ưu tiên của EAS thông qua sử dụng bền vững và bảo tồn tài nguyên biển, ngăn ngừa ô nhiễm và rác thải biển, dự phòng và ứng phó thiên tai cũng như kết nối biển.

Ảnh hưởng lớn, trách nhiệm nhiều

Điểm nhấn thứ tư chính là tầm ảnh hưởng, đi cùng trách nhiệm ngày một lớn của EAS nói chung và vai trò trung tâm của ASEAN nói riêng trong kiến trúc khu vực.

EAS, với vai trò diễn đàn hàng đầu trong thúc đẩy đối thoại và hợp tác tạo dựng lòng tin giữa các nước, biến thách thức thành cơ hội, hóa giải khó khăn, chuyển đối đầu thành đối tác, đóng góp định hình cấu trúc đa phương quốc tế hiệu quả trước thách thức khu vực, vì thế càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Phát biểu ngày 14/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhất trí với nội dung chủ đạo của “Tuyên bố Hà Nội”, theo đó các nước cần hợp tác hài hòa để duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường hợp tác trong các vấn đề chính trị và kinh tế.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa phương, khẳng định sự coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong thúc đẩy hợp tác và hòa bình tại khu vực, đặc biệt là trong phòng chống đại dịch Covid-19 và phục hồi hậu đại dịch.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 vẫn còn đó, cùng biến động nhanh và khó lường của tình hình khu vực và thế giới đặt các nước ASEAN nói riêng và thành viên EAS nói chung trước nhiều thách thức mới. Khi ấy, vai trò trung tâm của ASEAN, cùng sự hợp tác chặt chẽ trong khu vực sẽ là chìa khóa then chốt đưa các nước vượt qua khó khăn, xây dựng một Đông Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-nghi-cap-cao-dong-a-eas-bon-diem-nhan-lon-129358.html