Hội nghị cấp cao lần thứ hai của Quỹ GESDA công bố sáng kiến mới nhằm thúc đẩy ngoại giao khoa học
Từ ngày 12-14/10, tại Geneva, Thụy Sỹ diễn ra Hội nghị cấp cao lần thứ hai Quỹ Dự báo khoa học và ngoại giao (GESDA). Hội nghị đưa ra 2 sáng kiến mới về thành lập Viện lượng tử mở và Chương trình giảng dạy về ngoại giao khoa học sẽ triển khai trong thời gian tới.
Hội nghị có sự tham dự của Tổng thống Thụy Sỹ, Ngoại trưởng Singapore, Bộ trưởng Giáo dục và Công nghệ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), các quan chức cấp cao và nhà ngoại giao các nước, đại diện các tổ chức quốc tế, và các nhà khoa học trên thế giới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị và phiên thảo luận cấp Bộ trưởng, Tổng thống Liên bang kiêm Ngoại trưởng Thụy Sỹ Ignazio Cassis nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao khoa học và vai trò của GESDA và bang Geneva trong thúc đẩy ngoại giao khoa học toàn cầu.
Phát biểu tại Hội nghị, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nhấn mạnh, GESDA tạo môi trường cho các nền tảng mở để tiếp cận công nghệ nhằm thúc đẩy hợp tác. Các nước nhỏ như Thụy Sỹ và Singapore có quyền tự quyết và có thể làm việc cùng nhau để tạo ra sự khác biệt trong việc duy trì hệ thống đa phương bao trùm và dựa trên luật lệ.
Ngoại trưởng Balakrishnan bày tỏ sự ủng hộ đối với Chương trình nghị sự GESDA của Tổng thống Thụy Sỹ Ignazio Cassis, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của mạng lưới những người thông thạo khoa học và ngoại giao để thực hiện mục tiêu chung.
Tại Hội nghị cấp cao này, GESDA đã công bố kế hoạch thành lập Viện lượng tử mở (OQI – Open Quantum Institute) tại Geneva trong vòng 3-5 năm tới với sự hợp tác của Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN).
Mục tiêu chính của sáng kiến là đẩy nhanh sự phát triển của công nghệ bằng cách thu hút nhiều nhà nghiên cứu và sử dụng công nghệ để giải quyết các thách thức liên quan đến các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) cũng như làm cho công nghệ điện toán lượng tử có thể tiếp cận được với tất cả mọi người.
Tổng giám đốc CERN Fabiola Gianotti cho rằng lượng tử là một trong những công nghệ có tiềm năng lớn nhất về tác động biến đổi đối với xã hội. Một số quốc gia và công ty công nghệ đang cạnh tranh để phát triển công nghệ lượng tử và chi hàng tỷ USD cho nghiên cứu, trong khi phần còn lại của thế giới bị tụt lại phía sau.
Với việc Trung Quốc và Mỹ dẫn đầu cuộc đua trong lĩnh vực điện toán lượng tử, OGI được dự đoán sẽ phải đối mặt với những quan điểm đối lập của hai cường quốc này về quyền sở hữu trí tuệ và Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) sẽ đóng vai trò trung tâm trên phương diện này. Trong khi CERN, GESDA hoặc Viện lượng tử mở trong tương lai không thể giải quyết trực tiếp các xung đột địa chính trị, nhưng các tổ chức này có thể chỉ ra cách thức khác để nhân loại có thể hợp tác cùng nhau.
Bên cạnh đó, GESDA cũng công bố dự định thực hiện một Chương trình giảng dạy về ngoại giao và khoa học để đào tạo thế hệ tương lai các đại sứ và nhà hoạch định chính sách có vai trò đàm phán các quy tắc xung quanh các công nghệ mới nổi.
Tổng thư ký Liên minh nghị viện thế giới (IPU) Martin Chungong và cũng là đồng chủ tịch của sáng kiến này chia sẻ tại Hội nghị cấp cao lần thứ 2 của GESDA rằng: “Nhiều thách thức toàn cầu về các khía cạnh khoa học và công nghệ, vượt qua ranh giới quốc gia và đòi hỏi tất cả các lĩnh vực phải phối hợp cùng nhau… Tuy nhiên, các nhà khoa học và nhà ngoại giao thiếu một ngôn ngữ chung, tư duy chung và không gian chung để trao đổi. Chương trình đào tạo muốn thu hẹp khoảng cách này”.
Chương trình đào tạo về ngoại giao và khoa học được thiết kế trên cơ sở trao đổi, thảo luận tại diễn đàn hồi tháng 5 năm nay với sự tham gia của 20 tổ chức, trong đó có Đại học Geneva, ETH Zurich (Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sỹ ở Zurich), CERN, Trung tâm Geneva về Chính sách An ninh (GCSP) và Viện Đào tạo và Nghiên cứu của Liên hợp quốc (UNITAR).
Tại Hội nghị của GESDA, nhiều diễn giả cũng trình bày về các giải pháp mới khác xung quanh công nghệ thần kinh (Neurotechnology) và công nghệ khử cacbon vốn vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Chủ tịch GESDA đồng thời là người đứng đầu hãng Nestlé, ông Peter Brabeck-Letmathe, cũng cho biết rằng một diễn đàn và Quỹ đã được thành lập để thu hút hỗ trợ tài chính từ các tổ chức nhà nước và tư nhân cho các sáng kiến mới của GESDA.
Quỹ GESDA là một tổ chức độc lập với tính chất đối tác công tư, được hỗ trợ bởi chính phủ Thụy Sỹ và bang Geneva, thành lập từ năm 2019, nhằm mục đích xây dựng cầu nối giữa các nhà ngoại giao và nhà khoa học nhằm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
GESDA tạo ra những con đường hợp tác mới cho cộng đồng khoa học, ngoại giao và công chúng, đặc biệt là trong một thế giới nơi mà hầu hết mọi người có thể hưởng lợi từ những tiến bộ của khoa học. Các vấn đề phức tạp, chẳng hạn như cách mà trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp mang đến sức khỏe tốt hơn, phát triển chính sách về “các mô 3D” (organoids), ứng dụng địa kỹ thuật, sự phát triển của xung đột mạng đang ảnh hưởng đến đời sống con người như thế nào…