Hội nghị COP25 bàn về biến đổi khí hậu: Không đạt được thỏa thuận đột phá
Diễn ra trong bối cảnh thế giới chưa bao giờ chứng kiến những tác động nghiêm trọng của tình trạng ấm lên toàn cầu một cách rõ ràng như hiện nay, dư luận đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 25 (COP25).
Tuy nhiên, sự kiện diễn ra tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã bế mạc hôm 15-12 với kết quả khá hạn chế khi các nước chỉ đạt được một thỏa thuận mang tính thỏa hiệp về một số nội dung quan trọng để mở đường cho hội nghị tiếp theo sẽ diễn ra vào năm 2020 tại Glasgow (Anh).
Hội nghị COP25 bế mạc với kết quả không như kỳ vọng.
Theo kế hoạch, các phiên họp về biến đổi khí hậu đáng lẽ kết thúc vào ngày 13-12, song đã bị lùi sang cuối tuần do các bên tham gia không giải quyết được bất đồng liên quan đến Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký kết cách đây 4 năm. Các mục tiêu đầy tham vọng ban đầu về cắt giảm lượng khí thải toàn cầu vẫn chưa được nhất trí. Kết quả là COP25 đã ra một tuyên bố chung hết sức khiêm tốn, chỉ thừa nhận "nhu cầu cấp thiết" đối với các cam kết cắt giảm khí CO2 mới nhằm thu hẹp khoảng cách giữa lượng phát thải hiện tại với các mục tiêu của Hiệp định Paris nhằm kiềm chế mức tăng nhiệt độ của trái đất dưới 2 độ C trong thế kỷ này. Các đại biểu cũng tán thành việc tăng cường hỗ trợ các nước nghèo và đang phát triển dễ bị tác động nhất từ tình trạng biến đổi khí hậu.
Điểm bất đồng mấu chốt là cách thức tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và quản lý mức khí thải khi năm 2021 là thời điểm hiệp định bước vào giai đoạn thực thi. Hiện các bên chưa ghi nhận tiến triển đáng kể trong vấn đề bồi thường và hỗ trợ các quốc gia phải hứng chịu tác động tồi tệ nhất của các hình thái thời tiết cực đoan. Trong khi đó, những nền kinh tế mới nổi đang phát triển nhanh như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil không muốn công bố các mục tiêu cắt giảm khí thải mới do nỗi lo sẽ phải gánh thêm chi phí phát thải.
Ngoài ra, đàm phán tại COP25 còn bị phủ bóng bởi thông tin Mỹ chính thức bắt đầu tiến trình rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào tháng trước. Dù không còn chịu tác động bởi văn kiện này vào năm tới nhưng Washington vẫn bị chỉ trích là đã tìm cách cản trở đàm phán đạt tiến triển tại hội nghị ở Madrid. Mỹ quyết ngăn chặn bất kỳ điều khoản nào khiến nước này và các nước phát triển khác phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, ước tính có thể lên đến hơn 150 tỷ USD/năm tính đến năm 2025.
Có thể thấy, các nhà đàm phán hầu như đã thất bại trong việc cụ thể hóa khẩu hiệu chính của COP25 là “Đã đến lúc hành động”. Dù vậy, COP25 cũng nhận được “cú hích” từ Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở thủ đô Brussels (Bỉ) hôm 12-12 khi các nước thành viên khối này (trừ Ba Lan) nhất trí mục tiêu đưa lượng phát thải khí CO2 về mức 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, EU không đưa ra cam kết quan trọng là giảm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Phản ứng về kết quả hội nghị, đại diện các nước châu Âu cho rằng việc COP25 chưa đạt được thỏa thuận sâu rộng và cụ thể về hạn chế lượng khí thải vẫn tốt hơn đạt được ngay một thỏa thuận tồi, điều có thể làm xói mòn hàng chục cơ chế xử lý khí CO2 đang tồn tại hiện nay.
Bắt đầu hội nghị với kỳ vọng rất lớn nhưng rõ ràng COP25 đã không tạo được đột phá nào. Trong khi đó, một loạt báo cáo của các cơ quan khí tượng gần đây cho thấy hậu quả của biến đổi khí hậu không chỉ đơn thuần là một vấn đề dài hạn mà đã trở thành cuộc khủng hoảng toàn cầu. Vì vậy, nếu tiếp tục chậm trễ, con người sẽ phải trả giá nặng nề cho sự thờ ơ với chính bầu khí quyển đang nuôi sống nhân loại.