Hội nghị của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Ngày 25/12, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết một năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và tổng kết hoạt động của Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia năm 2022.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị

Tham dự tại điểm cầu Phú Thọ có các đồng chí: Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thành viên Ban chỉ đạo Chuyển đổi số và Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh...

Trong năm 2022, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Đề án 06 được Chính phủ, các bộ, ngành, UBND địa phương thực hiện quyết liệt. Đến nay, sau một năm triển khai thực hiện, đã hoàn thành 11/24 mục tiêu cụ thể của năm 2022; hoàn thành 47/89 nhiệm vụ của Đề án 06, 34 nhiệm vụ đang thực hiện thường xuyên. Chính phủ đã lựa chọn thực hiện điểm tại 5 thành phố lớn gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và 3 tỉnh: Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Nam để tập trung chỉ đạo tạo sự chuyển biến lan tỏa.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.

Năm 2022, đã hoàn thành 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử; đã tích hợp VNEID trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đăng nhập, khắc phục tình trạng không có số điện thoại chính chủ; tiết kiệm cho Nhà nước 2.047 tỉ đồng. Về kết quả chuyển đổi số, đã hoàn thành 9/12 chỉ tiêu năm 2022. Ngày 10/10 hàng năm chính thức được chọn là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai 68.933 Tổ Công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với hơn 320.000 thành viên tham gia. Nhiều sản phẩm dịch vụ số phục vụ người dân và doanh nghiệp kịp thời và hiệu quả. Các lĩnh vực thể chế số, nhân lực số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước chuyển đổi nhận thức và thói quen hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số.

Ước tính sơ bộ năm 2022, tỉ trọng kinh tế số ước đạt 14,26% GDP. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đến hết năm 2022 ước đạt 70.000 doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử ước đạt 50%; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 66%. Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99%; tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng hóa đơn điện tử là 100%...

Tại Phú Thọ, năm 2022, công tác chuyển đổi số được triển khai quyết liệt, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC được triển khai đồng bộ đến 100% các sở, ban, ngành và địa phương. 100% các cơ quan, đơn vị đã phát sinh hồ sơ thanh toán không dùng tiền mặt trong việc thực hiện thanh toán trực tuyến phí lệ phí TTHC; triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm phục vụ hành chính công và bộ phận một cửa cấp huyện, xã theo lộ trình.

Năm 2022, Phú Thọ đã triển khai thí điểm công nghệ 5G tại TP Việt Trì. Tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 80,07%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp qua băng rộng đạt 72,56%. 100% các xã, phường, thị trấn thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng; 100% doanh nghiệp của tỉnh sử dụng hóa đơn điện tử, Cục Thuế tỉnh đã tiếp nhận xử lý trên 3 triệu hóa đơn điện tử; có hơn 6 triệu lượt truy cập các Sàn giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh (Postmart, Voso; Giaothuong...). Tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT, điện tử viễn thông đạt trên 6,2 tỉ USD.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải chủ trì hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ

Về triển khai Đề án số 06, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; hoàn thành cung cấp 23/25 dịch vụ công theo quy định, còn 2 dịch vụ công thiết yếu đang triển khai theo lộ trình của Trung ương. Triển khai cơ sở dữ liệu về dân cư, toàn tỉnh đã cấp mới gần 1,2 triệu thẻ CCCD gắn chíp điện tử, đạt 97,52% tổng số công dân đủ điều kiện trên địa bàn. Công tác chuyển đổi số được thực hiện thực chất, góp phần cải thiện các chỉ số của tỉnh năm 2021, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.

Năm 2021, chỉ số PCI của tỉnh xếp thứ 20/63 tỉnh, thành; PAPI xếp thức 6/63 tỉnh, thành; PARINDEX xếp thứ 9/63 tỉnh, thành; SIPAS xếp thứ 13/63 tỉnh, thành.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận nỗ lực, quyết tâm và những kết quả đạt được của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Tổ công tác triển khai Đề án 06 và các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như vai trò của người đứng đầu; những vướng mắc về thể chế, hạ tầng số, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, an toàn, an ninh mạng, nhân lực…

Đồng chí yêu cầu người đứng đầu các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án 06 với quyết tâm chính trị cao, xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở. Có cơ chế kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, giải đáp vướng mắc; chỉ đạo điều tra cơ bản theo đặc thù vùng, miền để triển khai cho phù hợp với địa phương. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai đề án. Đẩy mạnh phát triển công dân số và tăng cường nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư, CCCD, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc thực hiện phải bài bản, thực chất, hiệu quả; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Chính phủ số phải là động lực dẫn dắt xây dựng nền kinh tế số, công dân số, xã hội số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trước mắt, phải khẩn trương hoàn thiện, quyết liệt triển khai kế hoạch hoạt động của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai đề án 06 của Chính phủ năm 2023. Đây được xác định là năm dữ liệu, vì vậy các bộ, ngành, địa phương phải tập trung xây dựng dữ liệu và kết nối với dữ liệu quốc gia nhằm quyết tâm xây dựng được Trung tâm dữ liệu quốc gia trong năm 2023.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ

Tại điểm cầu Phú Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải yêu cầu các sở ngành, địa phương nghiêm túc tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị; đồng thời nghiên cứu xây dựng, đề xuất kế hoạch và biện pháp cụ thể cho phù hợp đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ để tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 06 và đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Thanh Trà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//trong-tinh/hoi-nghi-cua-uy-ban-quoc-gia-ve-chuyen-doi-so/189743.htm