Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Ngày 03/11, tại TP.HCM, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 5 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Tiến Dũng - Thứ trưởng Bộ Tư pháp cùng đại diện các Sở Tư pháp, Tòa án, Viện kiểm sát, Cục thi hành án dân sự các địa phương khu vực phía Nam.
Nhiều kết quả tích cực
Theo báo cáo, qua 5 năm triển khai thực hiện Luật TNBTCNN, tính đến ngày 30/6/2023, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý, giải quyết 168 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong số đó, 103 vụ đã có văn bản giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật, với tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường là gần 77 tỷ đồng, còn lại có 22 vụ việc đã đình chỉ, 43 vụ việc đang tiếp tục giải quyết.
Được biết, trong số 168 vụ việc yêu cầu bồi thường thì trong hoạt động quản lý hành chính chiếm 64 vụ việc, hoạt động tố tụng có 79 vụ việc, hoạt động thi hành án có 25 vụ việc.
Công tác thụ lý, giải quyết yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại theo quy định của Luật TNBTCNN đã được các cơ quan giải quyết bồi thường thực hiện kịp thời, chủ động, hiệu quả hơn so với Luật năm 2009. Vai trò, trách nhiệm của cơ quan QLNN về công tác BTNN đã được phát huy kịp thời, đầy đủ, qua đó bảo đảm trách nhiệm của các cơ quan giải quyết bồi thường, cũng như bảo đảm quyền lợi cho người bị thiệt hại.
Để đạt được những kết quả như trên, các ngành, các địa phương đã có nhiều nổ lực cố gắng. Chẳng hạn như ngành Tòa án thì TANDTC chỉ đạo TAND các địa phương thực hiện nghiêm việc xem xét, thụ lý giải quyết kịp thời các vụ việc yêu cầu bồi thường và các vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại do người bị thiệt hại khởi kiện tại Tòa án theo quy định của Luật TNBTCNN, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, nhất là với các trường hợp oan sai xảy ra đã lâu, được dư luận xã hội quan tâm.
Đối với ngành Kiểm sát, VKSNDTC cũng tiến hành một số cuộc kiểm tra về công tác bồi thường tại các đơn vị trong ngành kiểm sát có phát sinh yêu cầu bồi thường để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như khắc phục những sai sót trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường và trách nhiệm hoàn trả.
Tại các địa phương, trên cơ sở kế hoạch công tác bồi thường nhà nước do UBND tỉnh ban hành, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện các cuộc kiểm tra công tác bồi thường nhà nước trực tiếp hoặc lồng ghép trong kiểm tra công tác tư pháp của cơ quan, đơn vị.
Đồng chí Trần Tiến Dũng - Thứ trưởng Bộ Tư pháp trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích
Ở Trung ương, với vai trò là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ, Bộ Tư pháp đã thường xuyên theo dõi, nắm bắt, dự báo và hướng dẫn địa phương chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ cho việc giải quyết bồi thường cũng như việc tham gia giải quyết bồi thường của cơ quan quản lý Nhà nước về công tác bồi thường Nhà nước tại địa phương. Hằng năm, Bộ Tư pháp đều tổ chức kiểm tra liên ngành, họp liên ngành và hướng dẫn nghiệp vụ đối với các vụ việc cụ thể, tổ chức các hội nghị, tọa đàm và hội thảo giữa Bộ với các cơ quan tố tụng và các cơ quan liên quan để trao đổi tình hình hoạt động trong quản lý công tác bồi thường, tham gia và có ý kiến đối với các dự thảo văn bản liên quan đến pháp luật về TNBTCNN...
Củng cố niềm tin của nhân dân và nâng cao trách nhiệm cán bộ
Qua quá trình thực thi cho thấy, Luật TNBTCNN đã đáp ứng yêu cầu và mục tiêu tạo cơ chế đặc thù, khả thi để người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường. Đồng thời, bảo đảm sự ổn định của hoạt động công vụ, bảo đảm giải quyết hài hòa lợi ích giữa một bên là Nhà nước, cơ quan Nhà nước, người thi hành công vụ và một bên là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị thiệt hại. Từ đó nâng cao lòng tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước, góp phần giảm thiểu những vụ việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013.
Không những thế, Luật TNBTCNN đã làm cho nhận thức của công chức trong thực thi công vụ được nâng cao và đã có sự chuyển biến đáng kể để không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, thực hiện đúng quy định pháp luật, hạn chế thấp nhất những sai sót trong thực thi công vụ. Thay vì coi công tác bồi thường nhà nước chỉ mang tính sự vụ, các cơ quan giải quyết bồi thường chỉ thực hiện khi phát sinh vụ việc thì nay đã xác định phương châm ưu tiên mục tiêu phòng ngừa, qua đó, xác định tính lâu dài, hệ thống và bài bản trong tổ chức thực hiện công tác bồi thường nhà nước nói riêng, trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xét xử.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Trần Tiến Dũng - Thứ trưởng Bộ Tư pháp đánh giá cao về kết quả quá trình 5 năm thi hành Luật TNBTCNN. Đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh, Luật TNBTCNN đã củng cố, tạo niềm tin của nhân dân với Đảng với Nhà nước, bởi người dân nhận thức được rằng cán bộ công chức sẽ không dám làm sai. Nếu làm sai thì không những cán bộ công chức bị xử lý, mà Nhà nước cũng sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.
Sự tác động của Luật TNBTNN đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, tính tuân thủ của cán bộ công chức, cơ quan hành chính nhà nước trong quá trình thực thi công vụ. Từ đó, chính cán bộ công chức, các cơ quan Nhà nước sẽ tự hoàn thiện mình để nâng cao trình độ chuyên môn cũng như đạo đức nhằm hạn chế những sai sót trong quá trình thực thi công vụ, góp phần phục vụ người dân tốt hơn.
Việc bồi thường cho người bị thiệt hại do hành vi công vụ gây ra thể hiện trách nhiệm của Nhà nước với người bị thiệt hại, thể hiện tính nhân văn, nhân quyền được đề cao. Ngoài vấn đề vật chất, thì những người bị thiệt hại được bồi thường sẽ giải tỏa được áp lực rất lớn về mặt tinh thần, lấy lại danh dự khi bị người thực thi công vụ vô tình hay hữu ý gây ra thiệt hại cho người dân… Đống chí Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá.
Bên cạnh những kết quả đạt, đồng chí Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật TNBTCNN. Qua đó đề ra một số giải pháp nhằm đưa Luật TNBTCNN ngày càng thực chất, hiệu quả hơn.