'Hội nghị Diên Hồng' về tín dụng bất động sản: Doanh nghiệp muốn được cơ cấu nợ, ngân hàng nói 'khó'
Nhiều doanh nghiệp bất động sản kiến nghị được giảm lãi suất, cơ cấu lại nhóm nợ để tiếp cận khoản vay mới. Tuy nhiên, các ngân hàng cho rằng việc áp dụng cơ chế riêng cho lĩnh vực này là không phù hợp.
Cần có biện pháp giảm lãi suất
Tại Hội nghị Tín dụng bất động sản sáng nay, các doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có những giải pháp gỡ khó về vốn đối với lĩnh vực này.
Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Vinhomes nêu ra một số vướng mắc khi tiếp cận vốn ngân hàng. Trong đó, về lãi suất, bất động sản đang chịu hệ số rủi ro cao lên tới 200%, dẫn đến lãi suất cao hơn so với các khoản vay thông thường.
Tuy nhiên, với các dự án đầy đủ cơ sở pháp lý sẽ không có nhiều rủi ro, áp dụng hệ số rủi ro cao sẽ ảnh hưởng đến lãi vay của các doanh nghiệp. Ngoài ra, room cho vay hạn chế cũng khiến lãi suất bị đẩy lên cao.
Không chỉ vậy, các ngân hàng cũng yêu cầu tỷ lệ tài sản bảo đảm trên vốn vay đối với lĩnh vực này cao hơn các khoản vay thông thường.
“Trong bối cảnh bất động sản khó khăn, những dự án đầy đủ pháp lý không nên bị đánh giá ở tỷ lệ rủi ro khác nhau đối với các lĩnh vực thông thường khác” – vị đại diện Vinhomes kiến nghị.
Đại diện Tập đoàn SunGroup thì đề xuất tháo gỡ chính sách liên quan đến bất động sản nghỉ dưỡng, cần cơ chế chính sách phát triển riêng cho loại hình này để khuyến khích phát triển du lịch.
"Cần coi đây là một ngành sản xuất kinh doanh nằm trong lĩnh vực ưu tiên chứ không phải hạn chế, kiểm soát chặt chẽ. Điều này sẽ tháo gỡ tất cả vấn đề về vốn vay, lãi suất. Hiện, lãi suất người mua đang ở mức 14-17%/năm, chủ đầu tư cũng lên đến 14%/năm, chi phí tài chính cao dẫn đến hiệu quả đầu tư không có", ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn SunGroup nói.
Doanh nghiệp muốn cơ cấu nợ, tiếp cận khoản vay mới
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp bất động sản lớn khác là Novaland thì đề nghị NHNN xem xét cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ
Bà Đỗ Thị Phương Nam, Giám đốc Phụ trách tái cấu trúc Novaland cho biết doanh nghiệp đang gặp khó với các khoản nợ quốc tế và trong nước.
“Khi tái cơ cấu nợ với các tập đoàn quốc tế, chúng tôi thuyết phục họ nhìn nhận đây là rủi ro hệ thống nên cần áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời thay vì nhìn nhận đây là rủi ro thị trường, để tiến đến tái cơ cấu các khoản nợ, giải quyết trong êm đềm để không rơi vào tình trạng không trả được các khoản nợ đến hạn, dẫn đến vi phạm và vi phạm chéo các khoản vay.
Đối với các khoản vay trong nước, có rất nhiều khó khăn vì vậy bây giờ chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm việc với các ngân hàng để tháo gỡ khó khăn này. Trên cơ cở đó, Novaland đề nghị NHNN xem xét cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong vòng 24-36 tháng” – đại diện Novaland kiến nghị.
Ngoài ra, đại diện Novaland cũng kiến nghị cần có sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và NHNN. “Hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản rất khó khăn để trả nợ trái phiếu đến hạn. Chúng tôi đề nghị NHNN, các ngân hàng thương mại - với tư cách là những nhà đầu tư chuyên nghiệp - xem xét các giải pháp có thể giúp đỡ doanh nghiệp hoàn thiện nghĩa vụ với các trái chủ” – bà Nam nói.
Phía Tập đoàn Hưng Thịnh, ông Lê Trọng Khương, Phó Chủ tịch Tập đoàn, đồng thời là Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land cũng kiến nghị NHNN xem xét nới lỏng room tín dụng, giảm lãi suất, đồng thời cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp.
“Đối với Hưng Thịnh Land câu chuyện nhảy nhóm nợ là chưa nhảy chứ không phải không nhảy. Nếu không có chính sách hỗ trợ thì dư nợ của doanh nghiệp sẽ nhảy nhóm nợ trong thời gian tới. Vì vậy, Hưng Thịnh Land kiến nghị NHNN cho phép cơ cấu nợ, tránh tình trạng nhảy nhóm nợ cho doanh nghiệp” - ông Khương nói.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng bày tỏ lo lắng về việc doanh nghiệp bị nhảy nhóm nợ dẫn đến không thể tiếp cận khoản vay mới.
“Lãi suất vay của ngân hàng chúng tôi chịu được nhưng vấn đề phải tiếp cận được vốn” – ông nói.
Theo ông, các khoản vay tín dụng quá hạn có thể bị nhảy nhóm sang nhóm nợ xấu hơn. Doanh nghiệp có nợ xấu thì dù có dự án khả thi, có tài sản bảo đảm vẫn không tiếp cận được các khoản vay tín dụng mới nếu NHNN không cho phép nới một chút điều kiện vay vốn tín dụng.
Doanh nghiệp cũng cần “tự cơ cấu”
Về phía các ngân hàng, Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, năm 2022, dư nợ bất động sản tại Vietcombank chiếm trên 20% tổng dư nợ, tín dụng bất động sản tăng 17%.
Do vậy, ông Tùng khẳng định ngân hàng đã không để lĩnh vực này thiếu room. Thậm chí, dư nợ bất động sản khu công nghiệp tăng 4 lần.
Đại diện Vietcombank cũng cho biết, ngay trước cuộc họp này, Tổng giám đốc các NHTM đã nhóm họp và thống nhất giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay nói chung và lãi suất cho vay bất động sản nói riêng.
Nhìn nhận từ phía ngân hàng về những khó khăn tiếp cận vốn của doanh nghiệp bất động sản, ông Lưu Trung Thái, Tổng Giám đốc MB cho rằng hiện nay có nhiều tình huống doanh nghiệp BĐS có dự án giá trị lớn, nhưng vướng mắc ở khả năng thanh toán.
Nguyên nhân thứ nhất là do thiết kế vấn đề tài chính, doanh nghiệp thường chọn phương án dễ nhất để làm, chọn điều kiện cho vay dễ nên không quản lý dòng tiền, không ưu tiên hoàn thiện pháp lý… Bản chất là dễ ban đầu, khó về sau.
Thứ hai là mất cân đối nguồn cung. Nhu cầu nhà ở rất lớn thì nguồn cung 80% là sản phẩm cao cấp nên người dân không thể tiếp cận. Trong khi ngân hàng phải phục vụ đại đa số người dân.
“Cấu trúc ngành bất động sản không phù hợp. Giải quyết vấn đề này là khó, nhưng cần nhìn thẳng vấn đề. Hai bên thống nhất thì giúp bước đi dài hơn” – ông Thái nói.
Đại diện VietinBank cũng cho rằng các doanh nghiệp bất động sản cần phải “tự cơ cấu” Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng giám đốc, phụ trách Ban điều hành VietinBank cho rằng doanh nghiệp và ngân hàng đang trên một chiếc xuồng. “Phải cùng chèo một nhịp, phải hết sức bình tĩnh, chỉ cần chèo lạc nhịp là có thể bị chìm” – ông ví von.
Tuy vậy, việc cơ cấu nợ cho riêng doanh nghiệp bất động sản không phù hợp, vì đây là vấn đề thị trường. Nếu có cơ chế đặc thù cho sản bất động sản thì các hiệp hội ngành nghề khác cũng đòi cơ cấu nợ, như vậy sẽ không đảm bảo nguyên tắc công bằng giữa các ngành nghề.
“Tôi cho rằng các doanh nghiệp nên tự cơ cấu, các anh chị bán đi tài sản, vấn đề là bán bao nhiêu", ông Dũng nói.