Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022

Sáng 30/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 nhằm phổ biến, triển khai Nghị quyết 148/NQ- CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về 'Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045'. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa điểm cầu Trụ sở Chính phủ và điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.

Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24/1/2022 về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã xác định 5 nhóm quan điểm và 6 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu. Ngay sau khi Nghị quyết 06-NQ/TW được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết.

Đô thị hóa và phát triển đô thị trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ đô thị hóa đạt thấp hơn mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới.

Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến tích cực trong công tác nâng cao lượng và chất của quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị trong 10 năm tới, định hướng đến 2045, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng tài nguyên, phát huy nguồn lực đổi mới sáng tạo của đô thị bên cạnh những nguồn lực truyền thống, phát huy lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của đô thị trong bối cảnh phát triển quốc gia, khu vực và thế giới.

Tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành, địa phương đã phát biểu tập trung vào một số vấn đề như: Phát triển hạ tầng giao thông đô thị đồng bộ, hiện đại thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng nông thôn mới gắn kết đồng bộ, chặt chẽ và phù hợp với định hướng đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững đến năm 2030, tấm nhìn đến năm 2045. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy quản lý phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thống nhất cao với báo cáo của các Bộ, ngành và ý kiến của các đại biểu; cho rằng điều này thể hiện sự vào cuộc mạnh mẽ, triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói "Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Đảng, Nhà nước đã ban hành, triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển đô thị. Tuy xuất phát điểm có nhiều khó khăn do chiến tranh, song văn kiện của nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng đã thể hiện sự quan tâm và có chủ trương định hướng lãnh đạo về phát triển đô thị gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao và coi việc "lấy các đô thị làm động lực phát triển vùng" là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, để hiện thực hóa những mục tiêu phát triển bền vững đô thị Việt Nam cần có cách tiếp cận tổng thể; triển khai với những biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu lực, hiệu quả.

Trước mắt phải quán triệt sâu sắc các Nghị quyết, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị; nâng cao chất lượng quy hoạch, thực hiện quy hoạch; bám sát thực tiễn, triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm; phát huy mạnh mẽ các nguồn lực để phát triển đô thị, nhất là hợp tác công tư; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp; quản lý, kiểm tra, giám sát việc phát triển đô thị...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để chủ trương, chính sách về phát triển đô thị thực sự đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, với sự quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, trong thời gian tới, các đô thị Việt Nam sẽ có sự phát triển mạnh mẽ và đột phá. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn, phát huy; góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu sau khi kết thúc hội nghị.

Phát biểu sau khi kết thúc hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành tập trung tham mưu, xây dựng chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đảm bảo đúng quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng chí lưu ý, năm 2021 tỷ lệ đô thị hóa của Ninh Bình chỉ đạt 25%, thấp nhất trong vùng đồng bằng sông Hồng và bằng 2/3 trung bình trung cả nước. Điều này đặt ra vấn đề lớn cho tỉnh, ngành xây dựng và các địa phương trong nghiên cứu xây dựng lộ trình, bước đi, cách làm, giải pháp thực hiện phù hợp.

Chính vì vậy, đồng chí yêu cầu phải quan tâm đúng mức đến phát triển, quy hoạch, nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị ở từng địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng. Nâng cao tỷ lệ đô thị hóa theo hướng hiện đại, thông minh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Hồng Nhung- Anh Tuấn - Hoàng Hiệp

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-nghi-do-thi-toan-quoc-nam-2022/d20221130134236444.htm