Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ sáu khóa XIII cho ý kiến vào 14 nội dung

Sáng nay (6/9), Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam lần thứ sáu (khóa XIII) đã diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang cho biết: Hội nghị lần này sẽ cho ý kiến vào 14 nội dung.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại Hội nghị.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại Hội nghị.

Trong 2 ngày diễn ra Hội nghị (6-7/9), Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ xem xét và cho ý kiến về: Tổng kết 15 năm Chương trình hành động số 399/CTr-TLĐ ngày 7/3/2008 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” Quy định xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu bồi dưỡng cán bộ Công đoàn.

Quy chế khung về mối quan hệ công tác giữa Công đoàn ngành Trung ương với LĐLĐ các tỉnh, thành phố trong công tác chỉ đạo hoạt động công đoàn theo ngành nghề; Quy định về bố trí cán bộ Công đoàn chuyên trách làm việc tại cơ sở thay thế Quyết định số 1617/QĐ-TLĐ ngày 31/12/2014 và Quyết định số 395/QĐ-TLĐ ngày 6/3/2003 của Đoàn Chủ tịch; Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1904/QĐ-TLĐ, ngày 21/4/2013 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam quy định về giảng viên kiêm chức cấp Tổng Liên đoàn.

Quy định về tổ chức và hoạt động của Công đoàn Công an nhân dân; Sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn số 149/HD-TLĐ ngày 4/2/2015 về hướng dẫn xét tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn"; Kế hoạch triển khai Đề án thí điểm sắp xếp Công đoàn ngành, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc tập trung, xuyên suốt, hiệu quả; Đề án thí điểm xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp có đông đoàn viên; Hướng dẫn đánh giá, xếp loại tổ chức Công đoàn, đoàn viên công đoàn;

Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa Võ Mạnh Sơn tham gia thảo luận tại Hội nghị. Ảnh: B.D

Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa Võ Mạnh Sơn tham gia thảo luận tại Hội nghị. Ảnh: B.D

Định hướng trọng tâm công tác công đoàn năm 2025; Tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung các Quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về công tác kiểm tra, giám sát; xử lý kỷ luật; giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác tiếp đoàn viên, người lao động; Kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025…

Theo đồng chí Nguyễn Đình Khang, quy định khung mối quan hệ phối hợp hoạt động giữa Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn với các LĐLĐ các tỉnh, thành phố, việc phân công nhiệm vụ giữa Công đoàn ngành, nghề toàn quốc và LĐLĐ tỉnh, thành phố được ban hành theo Quyết định 1461 ngày 26/11/1996. Sau gần 30 năm thực hiện, công tác phối hợp giữa Công đoàn ngành Trung ương và LĐLĐ tỉnh, thành phố đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn. Tuy nhiên, quá trình chỉ đạo hoạt động Công đoàn cơ sở giữa Công đoàn ngành Trung ương và LĐLĐ tỉnh, thành phố còn một số chồng chéo, bất cập.

Để tăng cường trách nhiệm, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn, bảo đảm sự thống nhất chỉ đạo hoạt động công đoàn cùng ngành nghề từ Trung ương đến cơ sở, có sự phối hợp của LĐLĐ tỉnh, thành phố trong tổ chức, quản lý, giải quyết các vấn đề liên quan tới quan hệ lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, đáp ứng yêu cầu tình hình mới, Thường trực Đoàn Chủ tịch đã chỉ đạo Ban Tổ chức nghiên cứu, xây dựng Quy định khung về mối quan hệ phối hợp giữa Công đoàn ngành Trung ương với LĐLĐ các tỉnh, thành phố trong công tác chỉ đạo hoạt động công đoàn theo ngành nghề.

Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh cho ý kiến vào Quy chế khung về mối quan hệ công tác giữa Công đoàn ngành Trung ương với LĐLĐ các tỉnh, thành phố trong công tác chỉ đạo hoạt động công đoàn theo ngành nghề. Ảnh: B.D.

Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh cho ý kiến vào Quy chế khung về mối quan hệ công tác giữa Công đoàn ngành Trung ương với LĐLĐ các tỉnh, thành phố trong công tác chỉ đạo hoạt động công đoàn theo ngành nghề. Ảnh: B.D.

Về Quy định bố trí cán bộ Công đoàn chuyên trách làm việc tại Công đoàn cơ sở, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, hiện tại, việc bố trí cán bộ Công đoàn chuyên trách tại Công đoàn cơ sở đang áp dụng theo 2 văn bản: Quyết định 395 năm 2002 và Quyết định 1671 năm 2014. 2 văn bản này được ban hành tại 2 thời điểm khác nhau, đến nay, có một số điểm không còn phù hợp với quy định hiện hành và tình hình thực tế. Do đó, đề nghị các đồng chí Ủy viên Đoàn Chủ tịch cho ý kiến vào các nội dung dự thảo.

Cùng đó, nhằm chủ động và tổ chức tốt các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Ất Tỵ 2025, Thường trực Đoàn Chủ tịch đã chỉ đạo Ban Quan hệ Lao động sớm xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo đó, so với những năm trước, năm nay, có nhiều nội dung đa dạng, thiết thực, với mong muốn mang lại nhiều nhất phúc lợi cho đoàn viên và người lao động...

Từ thực tiễn tổ chức các hoạt động tại cơ sở, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đề nghị các đồng chí Ủy viên Đoàn Chủ tịch chủ động, tích cực cho ý kiến vào các nội dung trong dự thảo để Đoàn Chủ tịch xem xét hoàn thiện, sớm ban hành triển khai thực hiện.

B.D

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hoi-nghi-doan-chu-tich-tong-ldld-viet-nam-lan-thu-sau-khoa-xiii-cho-y-kien-vao-14-noi-dung-176592.html