Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp lần 1 năm 2019 (Bài 2)

TIN LIÊN QUAN

Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp lần 1 năm 2019 (Bài 1)

Đối thoại nóng do nhiều mâu thuẫn

(LĐ online) - Tổng hợp tại Hội trường đối thoại doanh nghiệp (DN) lần 1 năm 2019, có nhiều mâu thuẫn trong triển khai dự án đầu tư và hoạt động của DN, có những vụ việc kéo dài và thiếu thống nhất, hoặc thiếu chỉ dẫn trong xử lý; đồng thời, cũng có ý kiến cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn trong thu hút đầu tư…

Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt cùng các nhà đầu tư sau buổi đối thoại

Đa dạng mâu thuẫn, vướng mắc kéo dài

Mâu thuẫn giữa nhiều bên nhất phải kể đến kiến nghị của Cty Appolo, hơn 1 năm nay bị ảnh hưởng sức khỏe và năng lực sản xuất bởi mùi hôi từ quy trình sản xuất của 2 Công ty bên cạnh là Cty TNHH Sunfeel Việt Nam và Cty Oneway Bio - Organic. Theo Giám đốc BQL các khu công nghiệp: Sau cuộc đối thoại lần thứ 2 năm 2018, Sở TNMT thành lập đoàn kiểm tra lấy mẫu và kết luận, khí và nước thải của Cty Sunfeel không vượt ngưỡng cho phép; đồng thời, có văn bản yêu cầu Công ty phân bón dừng hoạt động để khắc phục tác động môi trường.... Ngay sau đó, đại diện Cty Sunfeel Việt Nam quy trách nhiệm phát ngôn của Cty Appolo ảnh hưởng đến hoạt động và uy tín trong sản xuất kinh doanh của họ; còn Công ty phân bón cho biết, đã tiến hành khử mùi hôi bằng chế phẩm vi sinh và mong được thông cảm, giúp đỡ để sớm hoạt động trở lại.

Mâu thuẫn hy hữu nhất, được đại diện Cục Thuế Lâm Đồng chỉ ra là trường hợp duy nhất trong hơn 860 dự án thuê đất tại Lâm Đồng. Đấy là Cty An Việt Thế kỷ 21 (Bảo Lâm): Từ năm 2012, sau khi giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư, kể cả nộp phạt cho những sai phạm, Công ty không có sự tác động nào đến rừng nữa và đã được các cơ quan kiểm lâm, thanh tra chuyên ngành xác nhận hằng năm. Nhưng, năm 2015, bỗng dưng có văn bản quy Công ty phá 15 ha rừng; rồi đến 2017, lại có văn bản phá 23 ha rừng. Mới đây, Công ty vừa nhận quyết định phải đóng 1,4 tỷ tiền thuế vì chưa có đơn xin miễn giảm; trong khi Công ty đang trong giai đoạn được miễn giảm tiền thuê đất theo chủ trương ưu đãi đầu tư…

Mâu thuẫn phổ biến nhất là mâu thuẫn giữa dự án và dân cư. Cụ thể tại Hội nghị là 2 ý kiến của Cty Tam Hà (Đà Lạt) và Cty Thành Phong (Lạc Dương). Trong đó, Cty Tam Hà kiến nghị nhiều lần lên chính quyền yêu cầu giải tỏa 2 hộ dân nằm trong diện tích đất được giao làm dự án, nhưng suốt 12 năm qua chưa xử lý dứt điểm. Do giá đất quá cao, Cty Tam Hà không thể mua lại phần diện tích của 2 hộ dân này. Công ty thì muốn mở đường đi riêng cho 2 hộ dân, nhưng đường mới xa hơn lối đi cũ và chưa chắc 2 hộ dân đã đi; hơn nữa, còn liên quan đến đất của những hộ khác trên lối đi này. Điều đáng nói là, sau khi chính quyền thành phố Đà Lạt phát biểu rằng chưa nhận được văn bản nào về việc 2 bên căng thẳng, thì chủ dự án trình ra hàng loạt văn bản, chứng minh đã có 20 lần bị các hộ dân gây hấn.

Cũng như Cty Tam Hà, Cty Thành Phong đã nhiều lần căng thẳng và có xô xát với 9 hộ dân nằm trong lõi dự án nhiều năm chưa giải tỏa được. Theo chính quyền UBND huyện Lạc Dương: Đây là dự án gây khó khăn cho cả nhà đầu tư và chính quyền địa phương, liên quan đến 10,9 ha đất và 38 hộ dân tồn tại trước dự án. Đến nay, đoàn thanh tra liên ngành đã cơ bản hoàn thành công tác thực địa và sẽ thực hiện tiếp các nội dung…

Các nhà đầu tư cũng đưa ra các trường hợp có những vướng mắc kéo dài và thiếu sự thống nhất trong giải quyết vấn đề, gây tâm tư cho các doanh nghiệp. Chẳng hạn, Cty TNHH Tiến Cường (huyện Đức Trọng), được cấp thỏa thuận đầu tư từ năm 2011, chờ đợi suốt đến nay. Công ty đã cùng với đối tác nước ngoài xem xét chuẩn bị triển khai dự án giáo dục mang tầm quốc tế, tài chính đã sẵn sàng, thủ tục tại tất cả các sở ngành đều hoàn tất. Nhưng, UBND huyện Đức Trọng lại đổi tới đổi lui vị trí đất của dự án, khiến nhà đầu tư đến nay chưa xác định được chính xác vị trí đất của mình. Đại diện UBND huyện Đức Trọng giải thích rằng, Cty Tiến Cường đầu tư xây dựng trường nghề tại vị trí đất nông nghiệp là không phù hợp với quy hoạch đã phê duyệt…!?

Trần Bá Phước Anh - ông chủ trẻ của DN sản xuất lụa tơ tằm HuaLong Lâm Đồng (Nam Ban - Lâm Hà), chuyên xuất khẩu tơ đi Ấn Độ, báo cáo lên chính quyền một hiện tượng đang đe dọa ngành sản xuất tơ lụa Việt Nam nói chung và tơ lụa Lâm Đồng nói riêng. Đó là các DN Trung Quốc đưa tơ ở nơi khác vào gia công tại Lâm Đồng rồi gắn nhãn Việt Nam xuất khẩu, nhưng giá thấp hơn tơ chính gốc Việt Nam; đồng thời, lại ép giá thu mua tơ của Lâm Đồng xuống thấp. Với mức chênh lệch giá xuất khẩu và giá bán trong nước, tơ tằm Việt Nam đang có nguy cơ bị Ấn Độ áp thuế.

Cty CP Lộc Uyển (xã Tà Nung) làm dự án trong diện tích đất vừa có rừng trồng vừa là rừng tự nhiên. Mấy năm trước đóng tiền thuê đất khoảng 39 triệu/năm, nhưng nay là hơn 250 triệu/năm, mà chưa thu được gì dưới tán rừng và đang bị dân lấn chiếm đất? Công ty đóng tiền thuế từ năm 2015 cho các năm 2016, 2017, 2018, nhưng mới đây, lại có giấy báo nợ thuế hơn 1 tỷ đồng, trong khi cũng là doanh nghiệp được miễn thuế 7 năm theo chính sách ưu đãi đầu tư?

Nhiều ý kiến liên quan đến lĩnh vực đất đai. Trong ảnh: Đại diện Cty Thành Phong tham gia đối thoại

Thẳng thắn nhìn nhận

Có nhiều DN kiến nghị về việc tiền thuê đất quá cao so với thời điểm họ bắt tay vào đầu tư, hoặc bỗng dưng bị áp thuế dù vẫn đang trong thời hạn được ưu đãi. Đại diện Cục Thuế Lâm Đồng trả lời tại Hội nghị, rằng: Chủ trương ưu đãi đầu tư của tỉnh có nội dung miễn giảm thuế. Tuy nhiên, dù miễn giảm thuế nhưng vẫn phải tính thuế để biết được con số miễn giảm. Và quan trọng là, DN muốn được miễn giảm phải làm thủ tục trước thời hạn được ngành Thuế quy định. Như vậy, ở đây rõ ràng là có sự hời hợt trong hướng dẫn thủ tục đầu tư, dẫn đến DN tin chắc rằng, chủ trương đầu tư như thế, phần được miễn giảm là đương nhiên cho đến khi ngỡ ngàng nhận giấy thông báo thuế…

Quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh, được Chủ tịch Đoàn Văn Việt, chỉ ra là: Cơ chế quản lý có cái khó! Ví dụ, với ngành dâu tằm tơ thì giống sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, rồi phải lo đất trồng dâu, lo thị trường xuất khẩu… Cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (CO) là VCCI, còn Hải quan chỉ theo dõi, ghi nhận dấu hiệu gian lận thương mại để thông báo cho Tổng cục Hải quan có ý kiến với đơn vị cấp CO để có biện pháp xử lý; nhưng, DN Việt Nam có thể công bố xuất xứ QrCode (khác chứng nhận xuất xứ) để giữ uy tín cho sản phẩm của mình.

Các công ty đầu tư đều phải có đánh giá tác động môi trường, nếu không khắc phục thì sẽ phải di dời địa điểm hoạt động. Vấn đề san gạt đúng là có 2 mặt về môi trường, cảnh quan, du lịch, sinh thái, tư liệu sản xuất… mà chúng ta phải giải quyết trên cơ sở thực tế địa phương để không phải trả giá và giải quyết các hậu quả? Hiện tượng các DN FDI sử dụng chủ yếu vốn vay tại Việt Nam để kinh doanh trên đất Việt Nam, nhưng mang lợi nhuận ra nước ngoài đã được nêu lên nhiều, lãnh đạo tỉnh sẽ kiến nghị với các bộ ngành Trung ương để có giải pháp.

Tuy nhiên, ông Việt cũng đặt câu hỏi cho các sở ngành: Có phải là quy trình làm việc chủ quan dẫn đến quy kết cho DN làm mất rừng như trong dự án của Cty An Việt Thế kỷ 21? DN vi phạm thì phải xử lý, nhưng giải tỏa phải đền bù, như trường hợp của Cty Vườn Thương đã để quá lâu? Các vấn đề liên quan đến quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt phải xem xét, xử lý thỏa đáng cho DN? Và đây chính là lý do chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với các tiêu chí về cải cách hành chính, về mức độ hài lòng của nhà đầu tư, về tính chủ động của chính quyền địa phương chưa được như mong muốn?

LÊ HOA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201907/hoi-nghi-doi-thoai-voi-doanh-nghiep-lan-1-nam-2019-bai-2-2956086/