Hội nghị G20: Chủ tịch Thượng viện Nga kêu gọi Ukraine đàm phán 'ngay bây giờ, ngay tại đây'
Trong lúc đang phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh giữa những người đứng đầu quốc hội G20, Chủ tịch Thượng viện Nga kêu gọi Ukraine đàm phán ngay lập tức, ngay tại cuộc họp này.
Ngày 6-10, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga - bà Valentina Matvienko đã kêu gọi Ukraine ngay lập tức tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình nhằm giải quyết xung đột giữa hai nước, theo đài RT.
Đề xuất trên được đưa ra tại cuộc họp thượng định giữa những người đứng đầu quốc hội của 20 nền kinh tế hàng đầu (G20) tại thủ đô Jakarta (Indonesia).
Phái đoàn Ukraine do bà Elena Kondratyuk - Chủ tịch Quốc hội nước này, cũng đã được mời tham dự sự kiện này, mặc dù Ukraine không nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới.
“Hãy để chúng tôi, quốc hội Nga và quốc hội Ukraine, ngồi sau bàn đàm phán ngày hôm nay, tại cuộc họp lãnh đạo quốc hội G20. Chúng ta hãy cố gắng hiểu nhau và tìm ra giải pháp" - bà Matvienko nói.
Bà Matvienko lưu ý rằng Moscow và Kiev gần như đã đạt được một thỏa thuận hòa bình trong các cuộc đàm phán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào cuối tháng 3, nhưng "Ukraine đã từ bỏ các thỏa thuận đó".
“Chúng tôi ủng hộ đàm phán, đối thoại, về một giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc khủng hoảng này. Hãy bắt đầu nói chuyện. Hãy đứng sau bàn đàm phán" - bà Matvienko nói,
Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov đã cáo buộc Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky đang châm ngòi cho cuộc chiến tranh thế giới thứ ba, theo RT.
Cáo buộc của ông Peskov được đưa ra trong bối cảnh ông Zelensky yêu cầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Nga để ngăn Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân.
Phát biểu trước Viện Lowy Úc ngày 6-10, ông Zelensky nói rằng NATO phải đảm bảo Moscow không sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại lực lượng của Kiev.
Để làm được điều này, ông kêu gọi liên minh và cộng đồng quốc tế thực hiện các cuộc tấn công "phòng ngừa" chống lại Nga để nước này "biết điều gì sẽ xảy ra" nếu quyết định sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.
“NATO nên làm gì? Loại bỏ khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân. Tôi một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế tấn công phủ đầu để họ [Nga] biết điều gì sẽ xảy ra với họ nếu họ sử dụng nó, chứ không phải ngược lại" - ông Zelensky nói.
Ông Peskov đã kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ và Anh, chú ý các tuyên bố của ông Zelensky. Theo ông Peskov, Mỹ và Anh “trên thực tế kiểm soát các hành động của Kiev” và do đó phải chịu trách nhiệm về lời nói của Tổng thống Ukraine.
Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng họ không xem xét một cuộc tấn công hạt nhân vào Ukraine nhưng đã cảnh báo rằng họ sẽ sử dụng bất kỳ biện pháp cần thiết nào để bảo vệ biên giới, con người và chủ quyền.