Hội nghị G7 hay bản tình ca buồn 'Ngày hôm qua'

Hội nghị G7 Biarritz đã kết thúc, song dư âm còn vang vọng. Bài hát 'Ngày hôm qua' của ban nhạc huyền thoại The Beatles với câu bất hủ 'Bỗng dưng, Tôi chẳng bằng phân nửa Tôi của ngày ấy' dường như đã miêu tả chính xác thực trạng của G7 lúc này. Bình luận của Báo Thế giới & Việt Nam.

Lãnh đạo các nước thành viên tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 Biarritz, Pháp ngày 25/8. (Nguồn: AFP)

Mở đầu Hội nghị Thượng đỉnh các Nền kinh tế lớn thế giới (G7) ngày 25/8, trang Twitter của G7 Pháp đã đăng bức ảnh bàn tròn chụp lãnh đạo các nước thành viên với chú thích: “Đã đến lúc hành động!” kèm hashtag #G7Biarritz.

Song nói thì dễ mà làm thì khó. Bất chấp khẩu hiệu hùng hồn, lãnh đạo các nước thành viên đã không đạt đồng thuận trong nhiều vấn đề hóc búa và chỉ có tiến triển trong một số nhiệm vụ chung.

Phách vui hiếm…

Có thể kể đến việc các nước đã đồng ý góp 20 triệu USD nhằm dập tắt đám cháy đang ngày một lan rộng tại khu vực rừng Amazon (Brazil). Đứng cạnh Tổng thống Chile Sebastian Pinera, khách mời G7 Biarritz lần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định các thành viên sẵn sàng hỗ trợ thiết thực cho các hoạt động chữa cháy. Ông mong rằng sự kiện G7 lần này sẽ tạo động lực để đưa vấn đề Amazon ra bàn thảo tại Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York vào tháng tới.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các thành viên khác trong G7 đã đồng thuận hiếm hoi về “hiện đại hóa luật chơi của thương mại toàn cầu”. Theo đó, G7 sẽ “cải tiến Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả hơn, giải quyết các tranh chấp nhanh hơn và ngăn chặn những hành động không công bằng. Thuở ban đầu đã qua và giải quyết vấn đề một cách song phương cũng không còn nữa. Giải quyết vấn đề một cách tập thể giờ đây mới là thức thời.” Nếu như nửa đầu tuyên bố được viết ra để “chiều lòng” Tổng thống Mỹ Donald Trump thì nửa sau lại nhằm thể hiện cam kết đa phương của các thành viên còn lại.

Ngoài ra, Paris và Washington đã nhất trí về giải quyết thuế GAFA đánh vào các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Apple, Facebook và Amazon, cùng hàng loạt tập đoàn quốc tế khác đang khai thác các dịch vụ trực tuyến tại Pháp. Ông Macron và ông Trump đã nhất trí bàn thảo để “vượt qua những khó khăn còn tồn tại… hiện đại hóa hệ thống tài chính quốc tế”. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin, người đồng cấp Pháp Bruno Le Maire và Cố vấn Kinh tế Mỹ Larry Kudlow đã ký một thỏa thuận, theo đó Pháp sẽ hoàn lại các công ty Mỹ khoản tiền chênh lệch thuế, theo cơ chế được xây dựng bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Nỗ lực của nước chủ nhà cũng đáng được ghi nhận. Khác với lễ duyệt binh mừng Ngày Đình chiến tháng 11/2018, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiết chế hơn trong những lời lẽ “nhằm vào” người đồng cấp Mỹ Donald Trump, cố gắng hàn gắn chia rẽ giữa Mỹ và các nước thành viên G7. Chuyển đổi cách thức tiến hành G7, thay thế Tuyên bố chung bằng một buổi họp báo là một bước đi khôn khéo.

Từ lâu, Tuyên bố chung thường được coi là thước đo quan trọng đánh giá sự thành bại của một sự kiện quốc tế. Tuy nhiên, bài học G7 Charlesvoix 2018 còn đó, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích mạnh mẽ Thủ tướng nước chủ nhà Justin Trudeau, từ chối ký vào tuyên bố chung và đột ngột ra về. Trong bối cảnh “bổn cũ soạn lại”, hai G7 liên tiếp không ra được Tuyên bố chung sẽ đánh mạnh vào uy tín của diễn đàn. Do đó, quyết định của ông Macron không những cứu vớt danh tiếng của G7, mà còn bảo toàn thể diện của Pháp với tư cách nước chủ nhà.

Ngoài ra, việc tận dụng mối quan hệ gần gũi giữa Ngoại trưởng Pháp, nguyên là Bộ trưởng quốc phòng nước này và giới quân sự tại Trung Đông, “bí mật - bất ngờ” mời người đứng đầu ngành Ngoại giao Iran tới Biarritz giữa G7 cũng thể hiện sự “trưởng thành” trong tầm nhìn chính trị của ông Macron. Qua đó, Pháp nhấn mạnh vai trò trung gian hòa giải vì hòa bình Trung Đông, thể hiện vai trò chủ nhà, đồng thời, ở một phương diện nào đó, đã tạo được áp lực với Mỹ trong vấn đề Iran.

… trong tình ca buồn

Tuy nhiên, điều đó không thay đổi được thực tại rằng vai trò của G7 như một diễn đàn tập hợp các cường quốc nhằm giải quyết vấn đề khu vực và toàn cầu đã không còn được như trước. Bài hát “Ngày hôm qua” của ban nhạc huyền thoại The Beatles với câu bất hủ “Bỗng dưng, Tôi chẳng bằng phân nửa Tôi của ngày ấy” miêu tả chính xác thực trạng của diễn đàn này. Cái thời mà Tổng thống Mỹ dẫn dắt phương Tây, đề cao chủ nghĩa đa phương, với các quốc gia cùng chung tầm nhìn và nỗ lực xây dựng một thế giới “tốt đẹp hơn” – theo cách nói của họ - đã lùi vào dĩ vãng.

Tại Biarritz, các thành viên G7 đã thất bại trong việc tìm kiếm giải pháp cho những hồ sơ toàn cầu nổi cộm như chủ nghĩa bảo hộ thương mại, chủ nghĩa đơn phương, an ninh mạng hay sự phát triển như vũ bão của nền kinh tế số. Thảo luận về các vấn đề nóng như thương chiến Mỹ - Trung, biến đổi khí hậu, đưa Nga về lại G7 hay xung khắc Mỹ - Iran đều cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa ông chủ Nhà Trắng và các nguyên thủ còn lại.

Quan trọng hơn, G7 thiếu vắng một hình bóng lãnh đạo thực sự, có tiếng nói lớn để “hiệu triệu”, để xác định nghị trình dài hạn, có mục tiêu rõ ràng, hướng tới đích chung. Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục “một mình một ngựa”, hai quốc gia khác là Canada và Nhật Bản thì “lực bất tòng tâm”. Các nước EU cũng chẳng khá hơn: tân Thủ tướng Anh đang vật lộn với Brexit, người đồng cấp Italy đã đệ đơn từ chức, nước Đức đang ở buổi “giao thời” quyền lực còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, dù nhiệt huyết song chưa hội tụ được uy tín - cả trong và ngoài nước Pháp – đủ để đóng vai trò dẫn dắt.

Thực trạng này đang khiến tương lai của G7 mông lung hơn bao giờ hết. Thượng đỉnh G7 năm 2020 dự kiến sẽ tổ chức trên đất Mỹ và với tư cách nguyên thủ nước chủ nhà, sẽ không có gì lạ nếu Tổng thống Donald Trump một lần nữa “khuynh đảo quần hùng”, nếu không nói là “gây bão” bởi lập trường khác biệt của mình trong nhiều vấn đề, từ thương mại, Trung Quốc, Nga hay Iran.

Bài hát “Ngày hôm qua” của The Beatles sẽ một lần nữa lặp lại, vang vọng từng lời “Có chiếc bóng đang lơ lửng trên đầu tôi”. Tìm kiếm giải pháp, thoát khỏi những ám ảnh rình rập, trở về làm “Tôi của ngày ấy” sẽ là nhiệm vụ không hề đơn giản dành cho các nước G7. Người ta bắt đầu nghĩ đến những Gxx dần thế chỗ của con số 7 kia rồi.

Minh Quân

Minh Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoi-nghi-g7-hay-ban-tinh-ca-buon-ngay-hom-qua-100123.html