Hội nghị Gặp gỡ Indonesia: Hiện thực hóa tầm nhìn Đối tác chiến lược
Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nói, không có lý do gì mà doanh nghiệp Việt Nam và Indonesia không tìm hiểu cơ hội và tiếp tục kết nối, thúc đẩy đầu tư nhằm hiện thực hóa các thỏa thuận cấp cao và ý tưởng, mục tiêu của hai nước.
Từ ngày 21-22/3, tại Nha Trang, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa và Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam tổ chức Hội nghị Gặp gỡ Indonesia năm 2024 nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp, địa phương hai nước tìm hiểu cơ hội, kết nối và thúc đẩy đầu tư. Sự kiện càng ý nghĩa hơn khi diễn ra sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Indonesia Joko Widodo (tháng 1/2024) với việc lãnh đạo hai nước nhất trí sớm đưa quan hệ Đối tác chiến lược lên tầm cao mới.
Tìm hiểu cơ hội, tiếp tục kết nối
Việt Nam và Indonesia có mối quan hệ thân thiết, gần gũi, gắn bó; chia sẻ những liên hệ về địa lý, gần gũi về lịch sử, tương đồng về về tư tưởng lập quốc, những điểm đồng về khát vọng hòa bình, phát triển. Indonesia là nước đầu tiên ở Ðông Nam Á thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam (1955).
Quan hệ hữu nghị truyền thống do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno gây dựng được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng dày công vun đắp. Với nền móng vững chắc này và nhất là sau khi quan hệ Ðối tác chiến lược được thiết lập (2013), hai nước từng bước mở ra không gian hợp tác toàn diện và sâu rộng hơn. Việt Nam hiện là Ðối tác chiến lược duy nhất của Indonesia tại Ðông Nam Á.
Hai nước tích cực triển khai Kế hoạch hoạt động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia giai đoạn 2019-2023, trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp được duy trì thường xuyên, nổi bật nhất là cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joko Widodo (tháng 8/2022), chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Joko Widodo tới Việt Nam (tháng 1/2024) đã góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa hai nước về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân; đồng thời đưa ra định hướng xây dựng Chương trình Hành động giai đoạn 2024-2028 phù hợp với giai đoạn mới, bối cảnh mới.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025, Việt Nam và Indonesia đang nỗ lực tăng cường hợp tác nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân mỗi nước, đồng thời tiếp tục đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và Ðối tác chiến lược ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện, sâu rộng và thực chất hơn nữa.
Tại Đối thoại doanh nghiệp cấp cao Việt Nam-Indonesia trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam của Tổng thống Joko Widodo hồi tháng 1 năm nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, sau gần 70 năm thiết lập, quan hệ Việt Nam - Indonesia không ngừng phát triển, trong đó, hợp tác kinh tế là điểm sáng. Tuy nhiên, hợp tác kinh tế chưa xứng tầm với tầm vóc quan hệ chính trị, quy mô nền kinh tế, dân số hai nước, cũng như mong muốn của hai bên.
Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, không có lý do gì mà doanh nghiệp hai nước không đến tìm hiểu cơ hội và tiếp tục kết nối, thúc đẩy đầu tư nhằm hiện thực hóa các thỏa thuận cấp cao và ý tưởng, mục tiêu của hai bên, nhanh chóng vượt qua khó khăn trong bối cảnh thế giới hiện nay diễn biến phức tạp, khó lường.
Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các ngành kinh tế mới nổi như: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ và các ngành mà Indonesia có thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu khác như ngành thực phẩm Halal, nông nghiệp...; mong muốn doanh nghiệp Indonesia hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng tại Indonesia và toàn cầu.
Trong khi đó, cũng tại Đối thoại trên, Tổng thống Joko Widodo khẳng định, Indonesia và Việt Nam có tầm nhìn chung là phấn đấu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Theo ông, để thực hiện tầm nhìn đó, hai bên cần tăng cường đối thoại và hợp tác chất lượng cao.
Cho biết Indonesia có tiềm năng phát triển và đã mở sàn giao dịch carbon; đang thúc đẩy phát triển công nghiệp xe điện, Tổng thống Widodo hoan nghênh và hy vọng các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam sẽ hợp tác, đầu tư nhiều hơn nữa vào Indonesia, nhất là đầu tư vào khu vực thủ đô mới Nusantara.
Động lực hợp tác địa phương, doanh nghiệp
Hội nghị Gặp gỡ Indonesia có sự tham dự của hơn 500 đại biểu, trong đó hơn 200 đại biểu Indonesia. Đặc biệt, về phía Indonesia có Bộ trưởng Bộ Hàng hải và nghề cá; Bộ trưởng Bộ Hợp tác xã và doanh nghiệp vừa và nhỏ; Thứ trưởng phụ trách hợp tác quốc tế, Bộ Điều phối các vấn đề kinh tế; Thứ trưởng phụ trách thanh tra, Bộ Hợp tác xã và doanh nghiệp vừa và nhỏ; Đại sứ Indonesia; lãnh đạo các tổ chức, cơ quan, tập đoàn, doanh nghiệp Indonesia tại Việt Nam; một số địa phương như các tỉnh Tây Sumatra, Aceh, Đông Java… và doanh nghiệp từ Indonesia.
Về phía Việt Nam có đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cùng lãnh đạo các bộ, ngành: Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch…; lãnh đạo 15 tỉnh, thành phố thuộc hai vùng kinh tế - xã hội là Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và Tây Nguyên và các sở, ngành trực thuộc của các tỉnh/thành; chuyên gia từ các viện nghiên cứu; các trường đại học; các tập đoàn, hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường...
Trao đổi với Báo Thế giới & Việt Nam, ông Nguyễn Như Hiếu, Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao, đơn vị đầu mối trực tiếp triển khai sự kiện cho biết: “Hội nghị Gặp gỡ Indonesia là kết quả của sự đồng lòng, nỗ lực của hai bên nhằm tạo diễn đàn, cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, tìm hiểu. Từ đó, các bên cùng làm sâu sắc hơn mối quan hệ hiện có, đồng thời cùng nhau xây dựng và phát triển các quan hệ hợp tác mới. Đặc biệt, sự kiện có ý nghĩa to lớn khi diễn ra trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (năm 2023) và hướng đến kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1955 - 2025)”.
Trong ASEAN, Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Indonesia. Bất chấp dịch bệnh Covid-19, kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng tích cực, từ 9 tỷ USD năm 2019 lên gần 14 tỷ USD năm 2023. Hai bên phấn đấu đưa con số này sớm đạt 15 tỷ USD và cao hơn ở mức 18 tỷ USD trước năm 2028.
Tại Hội nghị, với những phiên thảo luận hiệu quả, thực chất, các đại biểu sẽ cùng phân tích thời cơ, vận hội cũng như những khó khăn, thách thức mới để đề ra những phương hướng, nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới nhằm thúc đẩy sự gắn kết giữa các địa phương Việt Nam và Indonesia ngày càng sâu rộng và bền chặt, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung.
Lãnh đạo Cục Ngoại vụ đánh giá, Hội nghị Gặp gỡ Indonesia năm 2024 có ý nghĩa thiết thực, tiếp thêm động lực đưa hợp tác hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, nhằm thúc đẩy hợp tác ngày càng tăng trong kết nối địa phương, doanh nghiệp và giao lưu nhân dân giữa hai nước. Sự kiện cũng là không gian các lãnh đạo chính quyền địa phương, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi về tình hình hợp tác và đề xuất các biện pháp tăng cường, mở rộng hợp tác hai bên.
Cục trưởng Nguyễn Như Hiếu khẳng định, với tinh thần “Xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, “khuyến khích sự tham gia chủ động, tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và người dân vào hoạt động ngoại giao kinh tế”, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Bộ Ngoại giao luôn tích cực đồng hành, hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại và hội nhập quốc tế, nhất là về kết nối đối tác, mở rộng xuất khẩu, thu hút FDI có chất lượng, hợp tác khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa - xã hội.
Hội nghị Gặp gỡ Indonesia gồm ba phiên thảo luận song song về các chủ đề: Nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thủy sản bền vững; Kinh tế số, hợp tác du lịch; Hợp tác phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ cao.
Trong khuôn khổ sự kiện diễn ra chuỗi hoạt động: Hội nghị Gặp gỡ Khánh Hòa-Indonesia; hoạt động khảo sát thực địa và các hoạt động kết nối song phương, G2G, G2B và B2B giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Indonesia, Không gian trưng bày sản phẩm đặc trưng địa phương hai nước.