Hội nghị Giao ban báo chí: Báo chí cần phải đảm bảo tính chính xác, nhanh nhạy và trách nhiệm
Nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023), sáng 20/6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Hội Nhà Báo Việt Nam phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức Hội nghị Giao ban báo chí tuần 3, tháng 6/2023.
Chủ trì Hội nghị giao ban có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ TT&TT; đồng chí Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Đỗ Tiến Sỹ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VOV; đồng chí Trần Thanh Lâm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Tích cực triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đỗ Tiến Sỹ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam bày tỏ vui mừng được đón tiếp đại diện các cơ quan báo chí theo thông lệ thường niên. Với vai trò là Cơ quan truyền thông chủ lực, Đài Tiếng nói Việt Nam luôn xác định tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và tập trung mọi nguồn lực cho nhiệm vụ này, để khẳng định vai trò dẫn dắt và định hướng dư luận của một Cơ quan báo chí lớn.
Lịch sử Đài Tiếng nói Việt Nam với 78 năm đồng hành cùng dân tộc đã chứng minh cho những hiệu quả to lớn của vai trò truyền thông mà Đài thực hiện qua từng giai đoạn lịch sử.
Hiện nay, Đài Tiếng nói Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số để tạo ra hệ sinh thái nội dung phong phú và hạ tầng kỹ thuật để kết nối, đảm bảo thích ứng linh hoạt trong chuyển đổi số. Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, kế thừa và phát huy truyền thống quý báu 78 năm xây dựng và trưởng thành, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Đỗ Tiến Sỹ nhận định, dù trong hoàn cảnh nào, báo chí Cách mạng Việt Nam vẫn là công cụ tuyên truyền của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, báo chí cần phải đảm bảo tính chính xác, đúng sự thật, nhanh, kịp thời và trách nhiệm trong việc truyền tải thông tin cho công chúng.
"Cần tiếp tục xây dựng đội ngũ nhà báo và những người làm công tác báo chí có đạo đức, có kiến thức vững vàng và khả năng thích ứng linh hoạt. Cần đi trước, đi nhanh để nắm bắt được các xu hướng truyền thông và công nghệ truyền thông mới. Điều này rất cần thiết khi mà các xu thế mới, công nghệ mới thay đổi từng ngày. Vì vậy, công cuộc chuyển đổi số trong báo chí với sự hỗ trợ của Nhà nước cần được các Cơ quan báo chí vào cuộc với tốc độ nhanh và mạnh hơn nữa", ông Sỹ nói.
Báo cáo đánh giá công tác báo chí trong tuần qua, Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản - Tống Văn Thanh cho biết, trong tuần qua, nổi bật nhất của báo chí là tuyên truyền về hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền những kết quả nổi bật về từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 đến nay và thông tin về nhiệm vụ trọng tâm cho đến cuối nhiệm kỳ; thông tin về hoạt động của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15; thông tin về sự điều hành của Chính phủ mà trực tiếp là cuộc họp của Thường trực Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết những vấn đề cấp bách đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền đậm nét sâu sắc hoạt động kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Chất lượng, chất liệu cho tuyên truyền đợt này được tạo dựng từ sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Nhà nước của Đảng, Nhà nước thể hiện rất rõ nét việc là Thủ tướng Chính phủ làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam; Chủ tịch Quốc hội gặp mặt các cơ quan báo chí, tổ chức trao Giải Diên Hồng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương gặp mặt các cơ quan báo chí chính trị chủ lực và đánh giá các nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, chỉ đạo thông tin tuyên truyền trong thời gian tới.
Tại hội nghị giao ban, đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”.
Ông Lợi cho biết, ngay sau khi phát động phong trào các cấp hội nhà báo từ trung ương đến địa phương đã phối hợp cùng các cơ quan báo chí khẩn trương xây dựng kế hoạch thảo luận, thống nhất thông tin tình hình, quán triệt tinh thần của phong trào, tổ chức lễ ký giao ước thi đua, đưa nội dung phong trào vào quyết định xếp loại, khen thưởng hội viên, người làm báo hàng năm. Đồng thời, Ban kiểm tra cơ quan Trung ương Hội hướng dẫn các cấp Hội tự theo dõi, kiểm tra, giám sát trực tiếp tại các cấp hội.
Tháng 5/2023 lãnh đạo Hội đã ban hành văn bản số 36 yêu cầu các cấp hội báo cáo kết quả phong trào thi đua. Đến nay, đã có 84 đợn vị nộp báo cáo trong đó có 58 hội nhà báo tỉnh thành phố, 15 liên chi hội, và 22 liên chi hội trực thuộc.
Đồng chí Nguyễn Đức Lợi cho hay, qua các báo cáo cho thấy Hội Nhà báo các tỉnh thành phố và các cơ quan trung ương đã tích cực triển khai thực hiện, tổ chức lễ phát động thi đua trong các cơ quan báo chí, ký kết thi đua trong các cụm thi đua, trong các chi hội. Các cấp hội đã đưa nội dung văn hóa báo chí vào các buổi tranh luận, hội nghị, hội thảo, tọa đàm. Nhiều đơn vị tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện phong tào thi đua như: Hội Nhà báo TP. HCM, Hội Nhà báo TP. Đà Nẵng, Hội Nhà báo TP. Hải Phòng, Hội Nhà Báo các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Kontum, Trà Vinh, Vĩnh Long…
"Các liên chi hội trung ương đã nhiệt tình hưởng ứng thực hiện thiết thực và có trách nhiệm với phong trào, tham mưu cho cấp ủy Đảng, ban biên tập, cơ quan chủ quản xây dựng kế hoạch thi đua trong từng cơ quan báo chí, thảo luận thống nhất tiêu chí phù hợp với đơn vị mình tổ chức lễ ký kết giao ước thi đua, một số liên chi hội có các làm hiệu quả sáng tạo như Đài tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, TTXVN, Cơ quan Trung ương Hội, Báo Quân đội nhân dân, Bộ TT&TT...", ông Lợi thông tin.
Các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, báo chí đã phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội; đưa đến độc giả những tin tức mang hơi thở, nhịp đập của cuộc sống; khơi nguồn cảm hứng đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; tuyên truyền, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phê phán, đấu tranh với cái xấu, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực.
Báo chí cũng đóng vai trò tiên phong trong bồi đắp, làm giàu nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học.
"Các nhà báo đã chủ động thâm nhập thực tế, kịp thời đưa tin về những sự kiện nóng, các vấn đề dư luận xã hội quan tâm như: công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an ninh quốc phòng với nhiều cách tiếp cận sáng tạo, đa dạng, chính xác, tạo sức mạnh tổng hợp của xã hội. Đây là minh chứng rõ nét của sự dấn thân, ý chí, bản lĩnh, sự tìm tòi, sắc sảo, sáng tạo của những người làm báo trong điều kiện tác nghiệp khó khăn, thậm chí nguy hiểm", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ, chỉ còn 2 năm nữa, nền báo chí cách mạng Việt Nam sẽ chạm dấu mốc 100 năm (21/6/1925 - 21/6/2025). Trong bối toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ; sự chuyển động nhanh của thế giới; thực tiễn đổi mới, phát triển năng động của đất nước. Thực tế này đòi hỏi, báo chí cách mạng Việt Nam phải tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ khát vọng, tinh thần vượt khó, ý chí vươn lên của mỗi người dân, doanh nghiệp, cổ vũ động viên tinh thần đổi mới; tiếp thêm năng lượng tích cực để cả hệ thống chính trị, cùng toàn dân vượt qua những khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và giai đoạn 2021-2025.
Các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, các vấn đề thời sự; phản ánh sâu sắc, sinh động hơi thở, nhịp đập của cuộc sống để có nhiều tác phẩm báo chất lượng, có tính chiến đấu cao, giá trị nhân văn sâu sắc, chân thực, chạm tới cảm xúc của công giả, từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, không ngừng củng cố niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Các sản phẩm báo chí phải mang tính nhân văn cao, lắng đọng giá trị văn hóa dân tộc, có sức lan tỏa lớn, tạo đồng thuận trong toàn xã hội, tuyên truyền về đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, góp phần vào sự nghiệp chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam.
Mỗi người làm báo cần ý thức được trách nhiệm của mình với tư cách là những sứ giả cho sức mạnh mềm của Việt Nam; mang những giá trị văn hóa tốt đẹp “chân - thiện - mỹ” của dân tộc, hình ảnh một Việt Nam có trách nhiệm với các vấn đề toàn cầu đối với độc giả quốc tế, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia.
Cần thực hiện tốt vai trò truyền thông chính sách sắc bén; đồng thời là phương tiện giám sát, phản biện xã hội hiệu quả. Báo chí thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là người tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời là một diễn đàn xã hội rộng rãi để nhân dân phát huy dân chủ, vai trò làm chủ, giám sát và phản biện xã hội.
Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023), thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và với tình cảm cá nhân, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi lời chúc mừng những người làm báo trên cả nước mạnh khỏe, hạnh phúc, luôn giữ được lửa nghề, tâm sáng, bút sắc, cập nhật xu hướng mang tới những sản phẩm tốt nhất cho công chúng.