Hội nghị giao ban trực tuyến tình hình triển khai Dự án cao tốc Bắc- Nam

Chiều 18/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã chủ trì hội nghị trực tuyến giao ban tình hình triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình, đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan; đại diện Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải đã báo cáo tình hình triển khai thực hiện dự án, trong 11 dự án, có 1 dự án đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đã hoàn thành đưa vào khai thác. Theo kế hoạch năm nay tiếp tục đưa vào khai thác 4 dự án. Bộ Giao thông -Vận tải chỉ đạo cam kết hoàn thành tiến độ 4 dự án. Năm 2023, hoàn thành tiếp 4 dự án. Năm 2024 hoàn thành 2 dự án. Hiện nay toàn bộ dự án các chủ đầu tư và các cơ quan cam kết không chậm, có rút ngắn hơn.

Về tình hình vật liệu, khi bắt đầu vào dự án cần 50 triệu khối, khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng và Phó Thủ tướng đã giải quyết được 25 triệu khối, còn thiếu khoảng 15 triệu khối. Đến nay, các địa phương đã tích cực giải quyết, còn lại 12,59 triệu khối. Cụ thể, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 hiện nay ở Ninh Bình còn thiếu 0,7 triệu m3 đắp, địa phương đang xem xét giải phóng mặt bằng cấp phép bổ sung khai thác ở mỏ Đồi Dài khoảng 8,8 ha. Hiện nay, Ninh Bình cam kết trong tháng 5 sẽ giải quyết xong.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành đoạn Cao Bồ - Mai Sơn vào ngày 4/2, ngày 8/2, Thứ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải Lê Đình Thọ đã về làm việc với tỉnh Ninh Bình và nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 qua tỉnh Ninh Bình.

Đồng chí Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu tại hội nghị.

Hiện nay đối với vật liệu xây dựng, tỉnh Ninh Bình đang thiếu 0,7 triệu m3 và nhà thầu xây lắp cũng đã thăm dò, khảo sát xong khoảng 8,8 ha mỏ Đất Ắp và tỉnh Ninh Bình cũng cam kết sẽ cố gắng thực hiện nhanh nhất trong trung tuần tháng 3 để đáp ứng đủ khối lượng đất thiếu 0,7 triệu m3 khối để đắp đường giao thông đoạn qua tỉnh Ninh Bình.

Tỉnh cũng sẽ giải quyết một số khó khăn, vướng mắc của nhà thầu thi công ngay là việc nổ mìn đoạn Đồi Dài có đường cao tốc đi qua. Đã chỉ đạo thành phố Tam Điệp cùng Sở Công thương vận động người dân trong khu vực và có cam kết nổ mìn và có sự giám sát trong quá trình nổ mìn một cách an toàn, đảm bảo tiến độ dự án.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết: Quốc hội đã thông qua Nghị quyết, dành nguồn lực lớn để phát triển hạ tầng giao thông. Đây là cơ hội cũng là thách thức đối với đội ngũ các đơn vị, các nhà thầu xây dựng, đây cũng là cơ hội để tạo ra hiệu quả, cũng là áp lực để đổi mới công nghệ, thiết bị, tăng thêm đội ngũ, đòi hỏi tiến độ, chất lượng rất cao.

Dự án cao tốc Bắc - Nam là công trình rất có ý nghĩa, trước mắt trong giai đoạn 1 với 654 km đã được Chính phủ phê duyệt đầy đủ nguồn vốn nên rất thuận lợi cho quá trình triển khai thi công các dự án.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng thông tin Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo đường cao tốc và sân bay Long Thành để tháo gỡ các dự án. Khi cao tốc hoàn thành tạo ra động lực phát triển, diện mạo của đất nước chúng ta, tạo ra không gian phát triển. Phấn đấu từ nay đến năm 2025 phải hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc- Nam, hiện nay còn 2 dự án rất lớn là 654 km của giai đoạn 1 và 729 km giai đoạn 2.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương phải công khai mục tiêu. Mục tiêu từ nay đến hết năm 2022 phải hoàn thành 360 km đường cao tốc đưa vào khai thác sử dụng. Trong 654 km được chia ra trong 4 năm (2022, 2023, 2024, 2025), trong đó tập trung trong năm 2022. Đến nay cơ bản đã hoàn thành xong công tác giải phóng mặt bằng.

Một vấn đề quan trọng nhất đó là vật liệu xây dựng đã giải quyết được cơ bản. Tuy nhiên, các công trình qua tính toán khối lượng đạt cao nhất mới được 50%, có dự án mới được hơn 24% trong khi thời gian còn 10 tháng mà khối lượng có dự án còn hơn 75%. Nếu không có đổi mới về thiết bị, tăng cường bộ máy, vật liệu thì khó hoàn thành mục tiêu đề ra.

Mục tiêu Chính phủ quyết tâm và không thay đổi mục tiêu. Vì vậy đưa ra công khai mục tiêu, các khó khăn và đánh giá tình hình để các địa phương vào cuộc cùng các nhà thầu, cơ quan giám sát, tư vấn.

Phó Thủ tướng cũng đưa ra một số giải pháp, thứ nhất là đối với vật liệu xây dựng, đề nghị các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự họp đến 15/3 triển khai theo đúng cam kết, nếu các địa phương chưa hoàn thành cam kết thì Chính phủ sẽ có văn bản nhắc nhở, kiểm điểm.

Thứ hai, các địa phương cần tăng cường giám sát các mỏ. Các Ban quản lý dự án, các nhà thầu, tư vấn, giám sát, thiết kế phải lên tiến độ chi tiết, kiểm soát tiến độ chi tiết khi có hạng mục, có đoạn chậm tiến độ thì phải có giải pháp xử lý ngay.

Đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Xây dựng tăng cường kiểm tra công trình để tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, bản vẽ, thiết kế, vật tư xây dựng và kiểm tra về quá trình, về chất lượng.

Tiến Đạt - Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-nghi-giao-ban-truc-tuyen-tinh-hinh-trien-khai-du-an-cao/d2022021818499631.htm