Hội nghị - hội thảo
Tại Hà Nội, T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh vừa phối hợp Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Quyết định kiện toàn, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam. Ðồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Ðoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam chủ trì hội nghị.
Tại Hà Nội, T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh vừa phối hợp Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Quyết định kiện toàn, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam. Ðồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Ðoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam chủ trì hội nghị.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận và góp ý về một số vấn đề như kinh phí phục vụ hoạt động của Ủy ban; nghiên cứu, bổ sung các giải trình về lý do sửa đổi, bổ sung hay loại bỏ quy định cũ trong Quyết định số 1328/QÐ-TTg ngày 28-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ về kiện toàn, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban; bổ sung hoạt động hợp tác quốc tế cho Ủy ban… Nhiều đại biểu đề xuất, T.Ư Ðoàn cần phải đóng vai trò cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, nhằm phát huy cao nhất sự đồng hành, gắn bó với thanh niên, đặc biệt là trên các lĩnh vực thúc đẩy sự phát triển của giới trẻ, bồi dưỡng các thế hệ cách mạng đời sau, giải quyết những vấn đề liên quan đến giáo dục, rèn luyện thanh niên.
* Tại Hà Nội, Bộ Tư pháp vừa phối hợp Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Liên hiệp châu Âu tổ chức Phiên thảo luận hoàn thiện và thực thi pháp luật với chủ đề "Tăng cường tiếp cận trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế tại Việt Nam".
Sau hơn ba năm thực hiện Luật trợ giúp pháp lý năm 2017, công tác trợ giúp pháp lý đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý và tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân và cơ quan nhà nước nhằm giúp các đối tượng được hưởng dịch vụ trợ giúp pháp lý một cách dễ dàng, thuận lợi và miễn phí. Từ năm 2016 đến 2020, cả nước thực hiện được 310.081 vụ việc và số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý tăng đều qua các năm.
Tại phiên thảo luận, các chuyên gia đã thông tin và trao đổi về kết quả hoàn thiện và thực thi chính sách, pháp luật về trợ giúp pháp lý cho các đối tượng có liên quan; đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng của dịch vụ trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế tại Việt Nam.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/hoi-nghi-hoi-thao-642034/