Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt - Trung 2023: Thúc đẩy hợp tác địa phương nhằm phát triển kinh tế trong tình hình mới
Ngày 13-11, Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc), còn gọi là Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt - Trung, đã khai mạc tại Hà Nội với chủ đề 'Mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố hàng lang kinh tế Việt - Trung nhằm phát triển kinh tế trong tình hình mới'.
Đây là cơ chế hợp tác thành lập từ năm 2002 với mục đích trao đổi, thúc đẩy hợp tác trên đa dạng các lĩnh vực: Kinh tế - thương mại, giao thông vận tải, văn hóa, giáo dục, du lịch, y tế… nhằm xây dựng “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” Việt Nam - Trung Quốc.
Sau 4 năm gián đoạn do đại dịch Covid-19, hội nghị lần này diễn ra với sự chủ trì của UBND thành phố Hà Nội trong hai ngày 13 và 14-11-2023. Đây là sự kiện đối ngoại lớn của thành phố trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc đã và đang tích cực triển khai Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong năm 2023.
Tham dự hội nghị, về phía Việt Nam có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Văn phòng Chính phủ…
Về phía Thủ đô Hà Nội có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên...
Về phía Trung Quốc có Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam Hùng Ba và Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Vân Nam Lưu Hiểu Khải.
Về phía các địa phương của Việt Nam tham gia mô hình hợp tác có: Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Hoàng Minh Cường; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Ngô Mạnh Phúc.
Cùng dự hội nghị có đại diện các viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội; đại diện doanh nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc nằm trong khuôn khổ hợp tác.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, hội nghị năm nay hướng tới mục tiêu tiếp tục phát huy hiệu quả và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các địa phương, đề ra các nội dung hợp tác thực chất, có tính khả thi cao, phù hợp với yêu cầu phát triển và tiềm năng, lợi thế của các bên.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, việc có hàng trăm lượt đại biểu đăng ký tham dự phiên Hội thảo chuyên đề cho thấy, các chủ đề của hội nghị đã bám sát thực tiễn, đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa cốt lõi, trọng tâm trong chính sách phát triển của các địa phương Việt Nam và Trung Quốc. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND thành phố tin tưởng, hội nghị lần này sẽ đạt được những kết quả quan trọng, làm nền tảng thúc đẩy các hoạt động hợp tác chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, toàn diện hơn giữa các địa phương trong Hành lang kinh tế nói riêng và giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc nói chung.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, việc tổ chức hội nghị hôm nay thể hiện sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan liên quan hai nước nhằm thúc đẩy cơ chế hợp tác quan trọng này. Nhấn mạnh quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển tích cực, với hợp tác diễn ra trên nhiều lĩnh vực, thiết thực, đi vào chiều sâu, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, Việt Nam nhất quán xác định hợp tác hữu nghị giữa địa phương hai nước là bộ phận cấu thành quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, trong đó, hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với tỉnh Vân Nam đã hình thành và phát triển một cách tự nhiên trên nền tảng tình hữu nghị truyền thống, gắn bó lâu đời giữa nhân dân hai bên và không ngừng được củng cố, vun đắp bởi các thế hệ tiền bối cách mạng và lãnh đạo hai nước.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng nêu một số gợi mở để hội nghị cùng trao đổi.
Một là, các địa phương cần quyết tâm cao hơn nữa, chủ động và sáng tạo hơn nữa để góp phần thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, nỗ lực không ngừng để củng cố, vun đắp quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ngày càng bền vững.
Hai là, cần hết sức chú trọng nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có, đi đôi với việc cùng nghiên cứu, trao đổi để thiết lập các khuôn khổ, mô hình hợp tác mới phù hợp với tiềm năng, lợi thế, điều kiện và ưu tiên phát triển của các địa phương hai bên, nhằm tạo ra những bước đột phá trong hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư; đẩy nhanh kết nối hạ tầng giao thông, nhất là đường bộ và đường sắt khu vực biên giới; mở rộng hợp tác văn hóa - du lịch; đẩy mạnh giao lưu nhân dân giữa các địa phương, đặc biệt là cho thế hệ trẻ.
Ba là, tăng cường hợp tác để quản lý tốt và sử dụng an toàn, hiệu quả, bền vững nguồn nước; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực; bảo đảm sinh kế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân hai bên.
Bốn là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ để củng cố vững chắc đường biên giới hòa bình, hữu nghị; đẩy nhanh việc mở mới, nâng cấp một số cửa khẩu phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển cho từng thời kỳ; tạo thuận lợi hơn nữa cho nhân dân khu vực biên giới an cư, lạc nghiệp và tăng cường giao thương.
Về phần mình, Đại sứ Hùng Ba phát biểu khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng cùng với Việt Nam, tuân theo nhận thức chung chiến lược của lãnh đạo cấp cao nhất hai Đảng, trên cơ sở tình hữu nghị truyền thống, cùng nhau đi trên con đường chủ nghĩa xã hội, tiếp tục làm sâu sắc hóa hợp tác chiến lược toàn diện, qua đó thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước không ngừng phát triển.
Đại sứ Hùng Ba nhấn mạnh, hợp tác địa phương có vai trò mang tính nền móng cho quan hệ Trung - Việt. Theo đó, những năm gần đây, tỉnh Vân Nam đã phát huy tối đa lợi thế tự nhiên, về địa lý và con người, nền công nghiệp bổ sung lẫn nhau, đã đưa hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai và Yên Bái ngày càng thực chất trên các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, kết nối hạ tầng, đào tạo và giao lưu cán bộ, văn hóa - du lịch..., đem lại lợi ích thiết thực cho các bên.
Đại sứ cho biết, Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng bố cục phát triển mới, thúc đẩy phát triển chất lượng cao, trong khi Việt Nam đang đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trên cơ sở đó, Đại sứ cho rằng, sự hợp tác giữa hai bên sẽ có tính bổ sung lẫn nhau nổi bật và tiềm năng to lớn, trong đó, hợp tác giữa tỉnh Vân Nam và các địa phương Việt Nam “tràn đầy triển vọng”.
Đại sứ kỳ vọng, các bên sẽ tích cực thực hiện nhận thức chung quan trọng giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước, phối hợp và trao đổi chặt chẽ hơn nữa, tận dụng tốt hợp tác hành lanh kinh tế để kết nối hợp tác toàn diện, thúc đẩy sự hợp tác trên các lĩnh vực giữa 5 tỉnh, thành hai nước, giành được nhiều thành quả thực chất, góp phần hơn nữa cho sự phát triển quan hệ song phương hai nước.
Cũng trong khuôn khổ lễ khai mạc, đại diện Bộ Ngoại giao và Bộ Kế hoạch - Đầu tư của Việt Nam phát biểu bày tỏ sẵn sàng phát huy vai trò đồng hành, kỳ vọng các địa phương tham dự hội nghị sẽ đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực trong trao đổi hợp tác.
Ngay sau lễ khai mạc, các đại biểu Việt Nam và Trung Quốc đã bước vào phiên toàn thể và các phiên thảo luận với các chuyên đề: Đầu tư, thương mại; Văn hóa, y tế, giáo dục, du lịch; Giao thông vận tải, logistic.