Hội nghị Hợp tác Thương mại và Đầu tư giữa Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp: Mở rộng không gian hợp tác với nhà đầu tư Ấn Độ

Diễn ra từ ngày 27 đến 29/6/2023 tại Đồng Tháp, Hội nghị Hợp tác Thương mại và Đầu tư giữa Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp là dịp để Đồng Tháp quảng bá hình ảnh đến nhà đầu tư Ấn Độ, thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa các doanh nghiệp Đồng Tháp với đối tác Ấn Độ.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (thứ 2, từ trái sang) thăm và làm việc tại Công ty TNHH Olam Global Agri Việt Nam (Ấn Độ) trong Khu công nghiệp Sa Đéc

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (thứ 2, từ trái sang) thăm và làm việc tại Công ty TNHH Olam Global Agri Việt Nam (Ấn Độ) trong Khu công nghiệp Sa Đéc

Đây là lần đầu tiên, tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị Thương mại và Đầu tư Ấn Độ - Đồng Tháp với quy mô cấp tỉnh. Thông qua sự kiện này, Đồng Tháp sẽ quảng bá, giới thiệu tiềm năng, hình ảnh địa phương, con người, môi trường và cơ hội hợp tác đầu tư vào Đồng Tháp, nhằm thu hút, kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ triển khai các dự án đầu tư tại tỉnh. Từ đó, mở rộng không gian hợp tác thương mại và đầu tư cho các doanh nghiệp của tỉnh Đồng Tháp với các đối tác Ấn Độ, mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 2 năm 2023 sẽ được tổ chức nhằm tạo phong trào rèn luyện sức khỏe trong cộng đồng, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Ấn Độ.

Nhiều hoạt động, chuỗi sự kiện kết nối, hợp tác

Hội nghị gồm 4 hoạt động chính: Ngày Quốc tế Yoga năm 2023; Hội nghị Hợp tác Thương mại và Đầu tư Ấn Độ - Đồng Tháp (phiên khai mạc); các phiên gặp gỡ, thảo luận kết nối doanh nghiệp Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp (B2B) với chủ đề “Thương mại và Đầu tư”, “Du lịch và Công nghệ thông tin”; tham quan thực tế (famtrip).

Bên cạnh đó, Hội nghị còn tổ chức khu trưng bày, triển lãm các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng, sản phẩm khởi nghiệp, OCOP và sản phẩm xuất khẩu của tỉnh Đồng Tháp; khu vực triển lãm về các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp kêu gọi đầu tư; gian hàng trưng bày của các doanh nghiệp; mô hình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp, du lịch và ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Tháp với các đối tác doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ...

Đồng Tháp mong muốn tạo dấu ấn tốt đẹp cho cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh khu vực ĐBSCL nói chung, từ đó mở ra triển vọng hợp tác thiết thực và sâu rộng giữa Ấn Độ với Đồng Tháp và ĐBSCL.

- Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp

Phiên khai mạc Hội nghị Hợp tác Thương mại và Đầu tư Ấn Độ - Đồng Tháp diễn ra vào lúc 9 giờ 30 phút, ngày 28/6/2023, tại Hội trường chính, Nhà văn hóa Lao động tỉnh Đồng Tháp. Dự kiến, Hội nghị có khoảng 300 đại biểu tham dự, gồm: Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM, đoàn doanh nghiệp Ấn Độ (khoảng 150 doanh nghiệp), lãnh đạo chính quyền và doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp, UBND TP. Cần Thơ, UBND tỉnh Bến Tre, UBND tỉnh An Giang…

Đặc biệt, theo Ban tổ chức, sau phiên khai mạc Hội nghị, sẽ diễn ra hoạt động quan trọng là gặp gỡ, thảo luận kết nối doanh nghiệp Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp. Với chủ đề “Thương mại và Đầu tư, “Du lịch và Công nghệ thông tin”, các phiên gặp gỡ, kết nối được kỳ vọng sẽ mang đến tác động tích cực trong việc liên kết hợp tác sâu rộng, đưa kinh tế Đồng Tháp phát triển xanh, bền vững và định hướng tập trung các nguồn lực nằm trong top dẫn đầu về chuyển đổi số của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), theo định hướng của tỉnh đề ra trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Hướng tới tương lai

Việt Nam và Ấn Độ thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2007 và được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện (CSP) vào năm 2016. Năm 2022, Việt Nam - Ấn Độ đã kỷ niệm 50 năm (1972 - 2022) thiết lập quan hệ ngoại giao tại nhiều địa phương ở cả 2 quốc gia.

Thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ không ngừng tăng lên từng năm. Năm 2022, thương mại song phương giữa 2 nước đạt 15 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 7,9 tỷ USD, tăng 26,7% so với năm 2021; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ đạt xấp xỉ 7,1 tỷ USD, tăng 1,7% so với năm 2021.

Việt Nam và Ấn Độ không chỉ là đối tác thương mại quan trọng, mà còn có quan hệ hợp tác đầu tư. Tính đến hết năm 2022, Ấn Độ đã đầu tư vào Việt Nam 346 dự án, với tổng số vốn hơn 1 tỷ USD, đứng thứ 24/139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, đầu tư của Ấn Độ vào Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL vẫn còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của đại diện chính quyền, doanh nghiệp 2 bên. Đây cũng là một trong những chủ đề được quan tâm thảo luận tại Hội nghị Hợp tác Thương mại và Đầu tư Ấn Độ - Đồng Tháp lần này nhằm mở rộng liên kết hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch giữa 2 bên.

Đồng Tháp là một tỉnh nông nghiệp có vùng nguyên liệu dồi dào, sản lượng lúa đạt trên 3 triệu tấn/năm, thủy sản (cá tra) đạt trên 500 ngàn tấn/năm, cây ăn trái đạt trên 400 ngàn tấn/năm, đặc biệt là xoài với sản lượng trên 140 ngàn tấn/năm và nhiều loại nông sản chế biến khác...

Tỉnh đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công nghiệp, lấy công nghiệp chế biến làm ngành chủ lực, nên việc xúc tiến kết nối tiêu thụ sản phẩm nông - thủy sản có ý nghĩa rất quan trọng đối với kinh tế tỉnh nhà.

Trong những năm qua, quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất thương mại phát triển và duy trì tốc độ tăng trưởng; chất lượng sản phẩm nông - thủy sản của tỉnh ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và thế giới.

Môi trường đầu tư, kinh doanh của Đồng Tháp ngày càng minh bạch hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp… Về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Đồng Tháp 15 năm liền giữ vững vị trí trong nhóm 5 địa phương có chất lượng điều hành cao nhất nước.

Số liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Đồng Tháp và Ấn Độ năm 2022 đạt 18,13 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 10,65 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 7,48 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Đồng Tháp sang Ấn Độ là thủy sản, giày da, collagen. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Ấn Độ là dược phẩm, nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu dệt may và máy móc, thiết bị.

Về lĩnh vực đầu tư, tính đến nay, Đồng Tháp đã thu hút được 2 dự án đầu tư từ Ấn Độ, gồm dự án của Công ty TNHH Dầu Gạo Sethia Hemraj và dự án của Công ty TNHH Olam Global Agri Việt Nam.

Ông Madan Mohan Sethi, Tổng lãnh sự quán Ấn Độ tại TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp Ấn Độ tham gia Hội nghị Hợp tác Thương mại và Đầu tư giữa Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp đang hoạt động trong các lĩnh vực: dệt may, chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, du lịch... Đây là những lĩnh vực thế mạnh của Ấn Độ và các doanh nghiệp đang mong muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Đồng Tháp.

“Hội nghị sẽ đánh dấu bước khởi đầu mới của 2 bên và kỳ vọng đạt được kết quả tích cực. Thời gian tới, Tổng lãnh sự quán và các doanh nghiệp Ấn Độ mong muốn hợp tác hỗ trợ Đồng Tháp về chế biến xoài, bởi đây là ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh Đồng Tháp”, ông Madan Mohan Sethi chia sẻ.

Về phía UBND tỉnh Đồng Tháp, ông Nguyễn Phước Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho Hội nghị đã hoàn tất, với sự phối hợp chặt chẽ, xuyên suốt giữa các đơn vị liên quan (Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp, các sở, ngành và doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ).

Nhấn mạnh công tác tổ chức Hội nghị sẽ đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp bày tỏ, thông qua hội nghị này, Đồng Tháp mong muốn tạo dấu ấn tốt đẹp cho cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh khu vực ĐBSCL nói chung, từ đó mở ra triển vọng hợp tác thiết thực và sâu rộng giữa Ấn Độ với Đồng Tháp và ĐBSCL.

Các hoạt động chính tại Hội nghị Hợp tác Thương mại và Đầu tư giữa Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp

- Ngày Quốc tế Yoga năm 2023: 5 giờ, ngày 28/6/2023, tại Công viên Văn Miếu, TP. Cao Lãnh.
- Hội nghị Hợp tác Thương mại và Đầu tư Ấn Độ - Đồng Tháp (Phiên khai mạc): 9 giờ 30 phút, ngày 28/6/2023, tại Hội trường chính, Nhà văn hóa Lao động tỉnh Đồng Tháp (số 181 - Ngô Thời Nhậm, phường 1, TP. Cao Lãnh.
- Các phiên gặp gỡ, thảo luận, kết nối doanh nghiệp Ấn Độ - Đồng Tháp, gồm:
- Phiên gặp gỡ, kết nối với chủ đề “Thương mại và Đầu tư”: 14 giờ, ngày 28/6/2023 tại Hội trường chính, Nhà văn hóa Lao động tỉnh Đồng Tháp.
- Phiên gặp gỡ, kết nối với chủ đề “Du lịch và Công nghệ thông tin”: 14 giờ, ngày 28/6/2023, tại Hội trường 1A, Nhà văn hóa Lao động tỉnh Đồng Tháp
- Tham quan thực tế (farmtrip): Tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, cở sở sản xuất - kinh doanh, các cơ sở dịch vụ - du lịch và Trung tâm Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
- Hoạt động trưng bày, triển lãm: bắt đầu từ ngày 28/6/2023 (diễn ra xuyên suốt Chương trình), tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh Đồng Tháp. Gồm 3 khu vực:
- Khu trưng bày các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm xuất khẩu của tỉnh Đồng Tháp.
- Khu vực triển lãm về các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp kêu gọi đầu tư; gian hàng trưng bày của các doanh nghiệp; mô hình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp, du lịch…
- Khu vực trưng bày các sản phẩm của doanh nghiệp Ấn Độ và doanh nghiệp ngoài tỉnh.

Huy Tự

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hoi-nghi-hop-tac-thuong-mai-va-dau-tu-giua-an-do-va-tinh-dong-thap-mo-rong-khong-gian-hop-tac-voi-nha-dau-tu-an-do-d192664.html