Hội nghị IPU COP26 bế mạc và ra Tuyên bố chung
Tiếp tục chương trình nghị sự, Hội nghị Nghị viện tại Kỳ họp các bên Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (IPU COP26) đã tiến hành các phiên thảo luận và bế mạc trong cùng ngày 7.11; đồng thời ra văn bản tuyên bố chung về vấn đề biến đổi khí hậu.
Hội nghị đã tập trung thảo luận vào nhiều vấn đề có tính thời sự, gồm: hành động của các nghị viện để đạt được mục tiêu đặt ra về biến đổi khí hậu, tăng trách nhiệm giải trình của chính phủ; vai trò ngày càng lớn của nghị viện trong việc phân bổ tài chính cho các hoạt động về biến đổi khí hậu; việc tài trợ tài chính cho các quốc gia dễ bị tổn thương để phục hồi theo hướng phát triển kinh tế xanh hậu Covid-19; thảo luận về các công cụ đo lường và nhận diện các tác động không tránh khỏi của biến đổi khí hậu... Các diễn giả quốc tế, nghị sĩ các nước đã chia sẻ kinh nghiệm về những thách thức mà các quốc gia phải đối mặt, các sáng kiến và kinh nghiệm quý trong triển khai ở các nước.
Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Việt Nam, do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy làm Trưởng đoàn, đã tham gia tích cực vào các hoạt động của Hội nghị.
Trong phiên thảo luận về “Tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu”, Trưởng đoàn Việt Nam phát biểu nhấn mạnh đến vai trò của nghị viện các nước trong việc tìm kiếm các giải pháp để tăng cường nguồn lực tài chính đầu tư cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu. Đoàn ĐBQH Việt Nam cũng kêu gọi cần có thêm các nguồn vốn hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế và các nước phát triển cho các nước đang phát triển trong việc đầu tư hệ thống hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đầu tư các dự án chống sạt lở do biến đổi khí hậu, tiếp tục phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh việc tăng cường đầu tư công, chi tiêu công cho biến đổi khí hậu, nghị viện và chính phủ các nước cần quan tâm đến các chính sách, giải pháp để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư tư nhân cho lĩnh vực này.
Về vấn đề “Tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu”, Đoàn ĐBQH Việt Nam cũng ủng hộ việc các nghị viện thành viên cần tiếp tục nghiên cứu khuôn khổ thực hiện giảm rủi ro để các quốc gia xây dựng các chiến lược quản lý rủi ro do biến đổi khí hậu. Trong phạm vi khả năng của mình, Việt Nam sẽ ưu tiên các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và cùng cộng đồng quốc tế giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hướng tới nền kinh tế các-bon thấp. Bài phát biểu của Trưởng đoàn Lê Quang Huy đã nhận được sự tán thành, biểu dương của toàn thể các đại biểu tham dự Hội nghị.
Bên lề Hội nghị, Đoàn ĐBQH Việt Nam đã có thêm một số cuộc tiếp xúc song phương và làm việc với một số đối tác quan trọng. Tại cuộc gặp với Tổng Thư ký Nghị viện Thế giới Martin Chungong, Trưởng đoàn Lê Quang Huy đánh giá cao sự hỗ trợ của Ban Thư ký IPU đối với hoạt động của nghị viện các nước, trong đó có Việt Nam. Đồng thời cũng khẳng định chủ đề phát triển bền vững và biến đổi khí hậu được Quốc hội Việt Nam quan tâm và dự kiến sẽ có những hành động tiếp theo để hiện thực hóa những cam kết quốc tế trong lĩnh vực này vào hệ thống pháp luật và thực hiện giám sát thực thi pháp luật tại Việt Nam trong thời gian tới, thông qua các chức năng lập pháp, giám sát và phân bổ ngân sách của Quốc hội. Trưởng đoàn Việt Nam cũng thông tin về việc Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, trong đó có cả một chương về biến đổi khí hậu, trong đó làm rõ trách nhiệm của các bên có liên quan trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để thực hiện được hiệu quả những mục tiêu trên rất cần sự hợp tác, chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế với nghị viện các nước thành viên IPU và Ban Thư ký.
Đoàn ĐBQH Việt Nam tiếp xúc song phương với Trưởng đoàn Nghị sĩ Italy Alessia Rottatại IPU COP26
Tổng Thư ký IPU chào mừng Đoàn ĐBQH Việt Nam tham dự Hội nghị IPU COP26 và cho rằng Quốc hội Việt Nam đang ngày càng phát triển và chủ động hơn trong việc đề cập đến chủ đề biến đổi khí hậu. Ông cũng nhắc lại Tuyên bố Hà Nội năm 2015 về “Biến lời nói thành hành động” như là một lời kêu gọi với nghị viện các nước trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs); mong muốn Việt Nam tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm trong quy trình xây dựng pháp luật của mình tới nghị viện nhiều nước trong vấn đề biến đổi khí hậu, bằng cách chia sẻ văn bản pháp luật liên quan vào hệ thống cơ sở dữ liệu pháp luật về môi trường và biến đổi khí hậu của IPU.
Tại cuộc tiếp xúc với Trưởng đoàn Nghị sĩ Italy Alessia Rotta, Chủ nhiệm Ủy ban về Môi trường, Đất đai của Hạ viện Italy, Trưởng đoàn Việt Nam đã chúc mừng Italy đã tổ chức thành công Hội nghị Pre-COP26 là tiền đề cho Hội nghị IPU COP26 lần này. Đoàn Việt Nam đã bày tỏ lời cảm ơn đối với Italy vì đã tặng Việt Nam vaccine và trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống đại dịch Covid-19. Trưởng đoàn Việt Nam cũng cảm ơn nghị viện Italy đã ủng hộ Việt Nam bằng cách thông qua EVFTA và mong muốn Italy tiếp tục ủng hộ việc thông qua EVIPA, cũng như phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau tại các diễn đàn nghị viện đa phương khác.
Bà Alessia Rotta cho biết Italy cũng rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam và cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các nước “muốn đi xa thì phải đi cùng nhau” và rất sẵn lòng được kết nối và hợp tác với Quốc hội Việt Nam về những lĩnh vực liên quan trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, Đoàn còn tiếp xúc xã giao với các nghị sĩ của Đoàn nghị sĩ của Indonesia tham dự IPU COP26 trên tinh thần hữu nghị, thân thiện và mong muốn, các nghị sĩ tiếp tục kết nối và trao đổi, ủng hộ nhau tại các diễn đàn nghị sĩ trong khu vực và trên thế giới trong thời gian tới.
Tại phiên cuối cùng của Hội nghị, các đại biểu đã nghe các chuyên gia giới thiệu về quá trình xây dựng, tiếp thu và hoàn thiện Tuyên bố cuối cùng của IPU COP26. Theo đó, khuyến nghị các nước đoàn kết, sát cánh cùng nhau để thực hiện các mục tiêu chung của thế giới, quyết tâm chuyển dần sang năng lượng sạch trong tương lai, tiếp tục phối hợp, quan tâm đến những người yếu thế của xã hội bị tác động bởi biến đổi khí hậu. Đồng thời, ủng hộ quan điểm bảo vệ môi trường đồng nghĩa với bảo vệ con người, lấy con người làm trung tâm của hành động, đồng thời kêu gọi cần có cách tiếp cận xanh và đạo đức khi ứng xử với môi trường.
Kết thúc Hội nghị, các nghị viện thành viên IPU đã thống nhất ra Tuyên bố chung kêu gọi nghị viện các nước cần hành động sớm chống biến đổi khí hậu.
Nhận định về Tuyên bố này, Tổng Thư ký IPU tán thành với quan điểm cho rằng: Trái đất giống như hàng hóa chung, các nhà lãnh đạo cần có trách nhiệm trong việc sử dụng hiệu quả hàng hóa chung đó để bảo vệ cho các thế hệ con cháu chúng ta trong tương lai. Ông cũng lấy việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) với các quy định riêng về biến đổi khí hậu, như là một kinh nghiệm về ví dụ điển hình có trách nhiệm, để nghị viện các nước nghiên cứu, tham khảo.
Bản Tuyên bố được coi như một văn bản có tính thuyết phục cao và nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của các đại biểu tham dự Hội nghị. Hội nghị kết thúc khép lại một chương trình nghị sự dày đặc nội dung, đạt được thành công với những ý kiến đóng góp hiệu quả cho việc nâng cao nhận thức và sự đồng hành của Quốc hội các nước trong việc thực hiện các mục tiêu của COP26.