Hội nghị khoa học bàn về đô thị di sản thiên niên kỷ và hàm ý chính sách cho tỉnh Ninh Bình: Phần tham luận và trao đổi

Điều hành thảo luận tại Hội nghị khoa học bàn về 'Đô thị di sản thiên niên kỷ và hàm ý chính sách cho tỉnh Ninh Bình', đồng chí PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ những thông tin, hiểu biết, kinh nghiệm quốc tế về đô thị di sản. Đề xuất hướng đi để thoát khỏi mô hình đô thị hóa đơn nhất dạng nén đang gặp nhiều thách thức ở Việt Nam cũng như toàn thế giới hiện nay. Hy vọng Hội nghị mang lại nhiều thông tin thú vị, có giá trị thực tiễn, sâu sắc từ góc nhìn khoa học. Trên cơ sở đó, tỉnh phối hợp với Bộ Xây dựng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thúc đẩy hoàn thiện thể chế chính sách về đô thị di sản nói chung và Đô thị di sản thiên niên kỷ Ninh Bình nói riêng.

Quang cảnh hội nghị khoa học.

Quang cảnh hội nghị khoa học.

Hội nghị đã nghe Báo cáo trung tâm của PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục, Đại học Quốc gia Hà Nội với chủ đề "Về đô thị di sản thiên niên kỷ - sự phát triển tiếp nối các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An - Cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình". Theo đó, Báo cáo trung tâm đã nêu những vấn đề cốt lõi: Cơ sở pháp lý; Giá trị của hệ sinh thái di sản thiên niên kỷ; Phát triển tiếp nối; Đô thị di sản thiên niên kỷ như một động lực phát triển tương lai của tỉnh Ninh Bình; Kinh tế phát triển và Kinh tế di sản.

PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục, Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày Báo cáo trung tâm với chủ đề "Về đô thị di sản thiên niên kỷ - sự phát triển tiếp nối các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An - Cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình".

Với cách tiếp cận khoa học về hệ sinh thái thiên niên kỷ gồm: Hệ sinh thái thiên nhiên và hệ sinh thái văn hóa đã tồn tại nhiều thiên niên kỷ, PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục nêu quan điểm: Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An - Ninh Bình là một Di sản thế giới hỗn hợp, đáp ứng tổng hòa các nội dung cốt lõi của hệ sinh thái di sản thiên niên kỷ, đủ nền tảng và giá trị khoa học để phát triển tiếp nối hệ sinh thái di sản thiên niên kỷ Tràng An vào tổ chức đô thị và đời sống đương đại. Càng đặc biệt hơn nữa khi Cố đô Hoa Lư được công nhận Di sản thế giới, có vai trò to lớn và ý nghĩa chủ quyền, bản sắc văn hóa đối với quốc gia, mang đến cảm giác tự tôn dân tộc, thúc đẩy chủ quyền quốc gia. Di sản thế giới kép tạo cho Ninh Bình một vị thế phát triển khác biệt với Hội An, Huế và các địa điểm khác trên toàn cầu. Nhiệm vụ của chúng ta là nghiên cứu lý luận và thực tiễn quốc tế, Việt Nam một cách nghiêm túc, để giải bài toán đặt ra cho "nồi cơm di sản" của Ninh Bình trong bối cảnh bất định toàn cầu và xu hướng của Việt Nam cần vượt bẫy thu nhập trung bình.

PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục cũng chỉ rõ: Trên thế giới chỉ có 27 di sản thế giới thiên niên kỷ hỗn hợp kép, và chỉ có 3 di sản có điều kiện tương đồng Thiên nhiên - Thành cổ như trường hợp Di sản thế giới văn hóa - tự nhiên Tràng An Ninh Bình. Chính vì vậy, hệ sinh thái di sản Tràng An có giá trị hấp dẫn và trở thành điểm đến toàn cầu, hay là một địa điểm đại diện của cộng đồng địa phương như một thương hiệu duy nhất. Đồng thời Di sản được đưa vào Chiến lược phát triển như một động lực văn hóa - xã hội - kinh tế thông qua (mô hình phát triển, địa điểm di sản hoặc thành phố di sản) của hệ thống kinh tế sáng tạo dành cho phát triển bền vững.

Những vấn đề cốt lõi cho Đô thị di sản thiên niên kỷ Tràng An - Hoa Lư đã được trình bày tại Báo cáo trung tâm với những nội dung rất quan trọng, cần thiết để xây dựng nội hàm và không gian, biểu tượng, hình ảnh cho Đô thị di sản thiên niên kỷ Hoa Lư với các giá trị mới, định hình chiến lược phát triển đột phá, hình thành Đô thị di sản thông minh và bền vững.

Sau Báo cáo trung tâm, hội nghị đã nghe các báo cáo tham luận, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý với chiều sâu, cách nhìn, cách tiếp cận nghiên cứu đa ngành, đa chiều để thảo luận, nghiên cứu các chính sách đặc thù xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ, xây dựng và phát triển tỉnh Ninh Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, TS. Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh tỉnh Bình Dương đã đề xuất các giải pháp xây dựng đô thị di sản tích hợp với đô thị thông minh, sử dụng công nghệ thực tế ảo trong việc bảo tồn và hồi sinh các di tích lịch sử.

Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã nêu lên khái niệm về đô thị cảnh quan lịch sử, bài toán về sự cân bằng giữa việc bảo tồn và phát triển, đồng thời kêu gọi sự quan tâm để di sản không bị lãng quên, thờ ơ. Kêu gọi có các cơ chế và chính sách rõ ràng trong việc thiết kế, quản lý, chia sẻ công bằng lợi ích trong di sản. "Chúng ta cần phải củng cố rà soát các quy chế, hướng dẫn về bảo tồn di sản, đặc biệt là quản lý xây dựng nhà ở trong cộng đồng địa phương. Khi chúng ta quản lý tốt thì sẽ tự tin trong việc đề xuất các dự án phát triển".

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã gợi mở một số tiêu chí để nhận diện đô thị di sản; mở rộng tối đa khảo cổ học đô thị để phục dựng làm sống lại toàn bộ Đô thành Hoa Lư thời quốc gia Đại Việt.

Theo TS. Kiến trúc sư Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Ninh Bình cần gắn kết phát triển đô thị với bảo tồn phát triển di sản văn hóa gắn với kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ. Làm thế nào để nâng cao hiệu quả từ khai thác du lịch văn hóa.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh: Bàn về di sản thiên niên kỷ cần làm rõ được khái niệm và các tiêu chí của di sản thiên niên kỷ mà Ninh Bình cần theo đuổi. Vì vậy, cần làm rõ nội hàm của đô thị di sản thiên niên kỷ để làm cơ sở căn cứ xây dựng các tiêu chí tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo.

Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định: Việc Ninh Bình lựa chọn phát triển đô thị di sản ở thời điểm hiện nay là đúng, trúng và phù hợp với thực tiễn. Trước đây, dưới góc nhìn chuyên môn, chúng tôi hay tiếp cận đô thị với góc độ như là vị trí, quy mô diện tích, dân số... rồi vai trò của đô thị đó như thế nào đối với vùng, với quốc gia sẽ quyết định mức độ quan trọng của đô thị. Ở đây, nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, thường chỉ nói đến các đô thị lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng nên Ninh Bình ít được nhắc đến. Tuy nhiên, khi tiếp cận dưới góc độ di sản, thì Ninh Bình lại có cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tiềm năng khác biệt. Di sản chính là động lực, tiềm năng mới để Ninh Bình phát triển đô thị.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn đánh giá cao ý kiến, góp ý của các nhà nghiên cứu, chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý tại hội nghị. Đồng chí cũng nhấn mạnh đô thị di sản thiên niên kỷ ở đây không hiểu đơn thuần là một đô thị ngàn năm tuổi mà là đô thị cổ gắn với nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước Trung ương phong kiến tập quyền đầu tiên của Việt Nam ở thế kỷ thứ X.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn phát biểu kết luận hội nghị.

Nghiên cứu tiền Hoa Lư cho thấy đô thành này có tính chất trung tâm buôn bán, phát triển thương cảng, thị cảng để rồi Đinh Tiên Hoàng chọn đây là Kinh đô. Sau khi nhà Lý dời đô ra Thăng Long thì nơi này thích ứng với quá trình nông thôn hóa nhưng vẫn có một sức sống mãnh liệt, không hề bị đứt gãy, điều này cho thấy giá trị liên thời thời gian của một đô thị ngàn năm tuổi. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng như hiện nay, 10 năm nữa chúng ta không còn tìm thấy hình ảnh của một nông thôn thuần Việt, chứ chưa nói đến câu chuyện di sản của ngàn năm trước. Từ nhận thức đó chúng ta cần nhận diện và có cách ứng xử phù hợp với di sản.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá: Về mặt nội dung, các nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến đề cập đến các khía cạnh của giá trị di sản về thiên nhiên, văn hóa, con người, chức năng của đô thị di sản, đặc biệt chức năng bảo tồn, lưu giữ của đô thị di sản. Từ di sản biến thành tài sản thông qua phương thức quản lý hợp tác công - tư mà Ninh Bình là điển hình.

Về chức năng, đô thị di sản thiên niên kỷ Hoa Lư sẽ phát triển theo hướng là đô thị bổ sung chức năng cho các đô thị nén đã phát triển quá ngưỡng, cung cấp các dịch vụ thiếu hụt của đô thị nén, hình thành mạng lưới công nghiệp văn hóa, hệ sinh thái, môi trường; chức năng kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai; liên kết không gian, nuôi dưỡng thúc đẩy phổ biến các giá trị sinh thái mà ở các đô thị nén đang bị xói mòn, đe dọa.

Về định hướng đảm bảo cơ cấu kinh tế hợp lý, lấy du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, nông nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh phục vụ cho du lịch, công nghiệp ô tô, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao, không để đe dọa đến môi trường sinh thái.

Nhấn mạnh về việc cơ cấu lại đơn vị lãnh thổ nhưng không phá vỡ tính chất đô thị di sản, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo: Sau khi sắp xếp, hợp nhất đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, sẽ xây dựng Hoa Lư - Ninh Bình trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ, nằm trong mục tiêu chung đưa tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 đạt cơ bản tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương.

Liên quan đến một số vấn đề đặt ra về thể chế chính sách vĩ mô, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đề xuất Bộ Xây dựng đổi mới về cách phân loại, định hình đô thị. Sau khi hình thành đô thị di sản, Ninh Bình mong muốn được hội nhập với mạng lưới đô thị di sản trong và ngoài nước, thúc đẩy kiến tạo các cơ chế đặc thù. Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung xây dựng khung phân tích về đô thị di sản và kế hoạch hành động.

Song Nguyễn - Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-nghi-khoa-hoc-ban-ve-do-thi-di-san-thien-nien-ky-va-ham/d20231212165615397.htm