Hội nghị khoa học vật lý trị liệu Việt Nam lần thứ 2: Vai trò của Vật lý trị liệu trong hợp tác đa chuyên ngành
Ngày 16/6, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị khoa học vật lý trị liệu Việt Nam lần thứ 2. Hội nghị có chủ đề: Vai trò của Vật lý trị liệu trong hợp tác đa chuyên ngành.
Hội nghị Khoa học Vật lý trị liệu Việt Nam năm 2024 là nơi hội ngộ và trao đổi các kết quả nghiên cứu, chứng cứ và ứng dụng lâm sàng trong lĩnh vực Vật lý trị liệu (VLTL) đến từ các chuyên viên Vật lý trị liệu trong và ngoài nước. Hội nghị với mục tiêu thúc đẩy việc hành nghề độc lập trong quá trình can thiệp Vật lý trị liệu trên cơ sở hợp tác đa chuyên ngành nhằm đưa đến dịch vụ chăm sóc tốt nhất, lấy người bệnh/khách hàng làm trung tâm. Ngoài ra, việc thực hành dựa trên thực chứng là điều không thể thiếu trong quá trình hành nghề.
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ rõ, vật lý trị liệu đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống y tế hiện đại. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, VLTL ngày càng chứng tỏ vai trò không thể thiếu trong việc điều trị và phục hồi chức năng (PHCN) cho bệnh nhân sau chấn thương, phẫu thuật, hoặc mắc các bệnh mãn tính. Thông qua các phương pháp điều trị không dùng thuốc, VLTL giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe, cải thiện chức năng vận động và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều tiến bộ quan trọng trong lĩnh vực VLTL. Hệ thống chính sách, pháp luật về khám chữa bệnh, PHCN được hoàn thiện; các quy định về chuyên môn kỹ thuật được ban hành và áp dụng hiệu quả; tổ chức hệ thống, mạng lưới VLTL, PHCN với 01 bệnh viện trung ương, 38 bệnh viện địa phương (trong đó có 10 bệnh viện YHCT về PHCN), khoảng 550 khoa VLTL/PHCN tại các cấp cơ sở KCB từ ban đầu đến chuyên sâu và 25 bệnh viện/trung tâm thuộc y tế các Bộ, ngành, đã ngày càng được củng cố và ngày càng phát triển, làm chủ những kỹ thuật cao; đội ngũ nhân lực phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng; chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao hơn; công tác chăm sóc sức khỏe PHCN dựa vào cộng đồng tiếp tục được đẩy mạnh ở các địa phương giúp cho người bệnh, người khuyết tật được chăm sóc ngày một tốt hơn, hòa nhập với cộng đồng và nâng cao sức khỏe toàn dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Sự gia tăng của các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, và các bệnh lý cơ xương khớp đặt ra yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và hiệu quả của các phương pháp VLTL. Hơn nữa, việc tiếp cận dịch vụ VLTL còn hạn chế ở nhiều vùng nông thôn và khu vực khó khăn. Đội ngũ nhân lực và cơ sở vật chất ở những khu vực này còn thiếu thốn, cần được đầu tư và phát triển.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng nhấn mạnh việc ban hành Nghị định 96/2023 NĐ- CP của Chính phủ, trong đó có phần của VLTL/PHCN tại Điều 53 khoản 4 mục a, b về người chịu trách nhiệm cơ sở PHCN là bác sĩ PHCN hoặc kỹ thuật viên Phục hồi chức năng tốt nghiệp đại học trở lên. Nghị định này là bước quan trọng về văn bản pháp lý giúp người làm vật lý trị liệu từ bậc đại học có thể chủ động tiếp cận và điều trị cho người bệnh.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Văn Dần, Chủ tịch Hội Vật lý trị liệu Việt Nam, khẳng định, đến nay, chuyên ngành Vật lý trị liệu tại Việt Nam đã và đang được phát triển, đóng góp vào công việc chăm sóc sức khỏe toàn dân.
"Vật lý trị liệu là phương pháp y học vừa an toàn, vừa hiệu quả. Việc nghiên cứu khoa học và sự hợp tác đa chuyên ngành để tối ưu hóa, nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh là vô cùng cần thiết. Vì vậy, Hội Vật lý trị liệu Việt Nam tổ chức hội nghị khoa học với chủ đề: Vai trò của Vật lý trị liệu trong hợp tác đa chuyên ngành", ông Dần nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ diễn ra Hội nghị, các chuyên gia trong nước và quốc tế cùng thảo luận, cập nhật các kỹ thuật mới trong lĩnh vực vật lý trị liệu. Trong đó, mô hình phố hợp đa chuyên ngành được tập trung thảo luận.
"Các chuyên gia cùng thảo luận, phát triển mô hình phối hợp đa chuyên ngành, cùng hoạt động chung, giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục, giảm được các biến chứng của căn bệnh", ông Dần cho hay.
Quản lý cơn đau và hội chứng cổ rùa trong VLTL
Quản lý cơn đau cũng là một trong những ứng dụng quan trọng của vật lý trị liệu. Theo TS Lester E. Jones, Viện Công nghệ Singapore, đau mãn tính sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, công việc và gia đình của bệnh nhân.
"Khi một người bị đau mãn tính có thể bản chất là do tổn thương mô hoặc hệ thần kinh thay đổi dẫn đến nhạy cảm hơn với cơn đau. Đau mãn tính có thể gây trầm cảm, ngủ kém và tác dụng phụ trong việc sử dụng thuốc giảm đau dài hạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bệnh", TS Lester E. Jones cho hay.
TS Lester E. Jones đưa ra cách thức chữa trị can thiệp từ nhiều cách tiếp cận khác nhau như: Tăng cường hoạt động thể chất, thay đổi suy nghĩ người bệnh tránh suy nghĩ lệch lạc gây hại, thực hiện các phương pháp trị liệu có hiệu quả và có bằng chứng khoa học...
TS Lester E. Jones phân tích mô hình đau gồm có 3 lĩnh vực:
- Kích thích cục bộ (Một số loại đau do đau mô, tổn thương mô, viêm).
- Ảnh hưởng vùng xa khu vực ban đầu (có liên hệ thông qua cơ chế sinh học).
- Điều hòa trung ương (Do suy nghĩ, tâm lý của người bệnh, ví dụ như căng thẳng và niềm tin sai lệch đều ảnh hưởng xấu đến tình trạng đau của bệnh nhân).
"Cả 3 lĩnh vực trên đều có tương tác với nhau khi nói đến vật lý trị liệu. Do đó, cần có hợp tác đa ngành trong quản lý đau", TS Lester E. Jones cho hay.
Một nghiên cứu đáng chú ý của các chuyên gia Khoa Kỹ thuật Phục hồi chức năng, Trường Đại học Hồng Bàng chỉ ra vấn nạn hội chứng cổ rùa ở người trẻ do lạm dụng điện thoại.
Nghiên cứu đã đi vào phân tích một số yếu tố liên quan đến hội chứng cổ rùa trên khảo sát 425 sinh viên tại TPHCM khi sử dụng điện thoại.
Kết quả chỉ ra tỉ lệ mắc hội chứng cổ rùa là 46,6%, lệch trọng tâm đầu 69,2%. Nguyên nhân liên quan đến hội chứng cổ rùa được các nhà nghiên cứu xác định do thời gian sử dụng điện thoại nhiều, góc gập cổ trung bình thấp quá mức...
Hội chứng cổ rùa đang được xem là đại dịch của thời điện thoại di động. Người trẻ hiện nay thường ít quan tâm đến tư thế, vì vậy ảnh hưởng của tư thế đến cấu trúc, chức năng của cơ thể và là nguyên nhân chủ yếu gây ra thoái hóa đốt sống cổ sớm ở người trẻ.