Hội nghị khuyến công khu vực miền Trung - Tây Nguyên 2023: Tập trung thảo luận 4 nội dung chính
Chiều ngày 26/10/2023, tại Đắk Nông, Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên thứ XIII năm 2023.
Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên thứ XIII năm 2023 nhằm đánh giá kết quả hoạt động công tác khuyến công của 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên thời gian vừa qua và thảo luận giải pháp triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra trong lĩnh vực khuyến công, tạo điều kiện liên kết thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư, công nghiệp, thương mại.
Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Công Thương có Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung; Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Nguyễn Văn Thịnh; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương. Về phía tỉnh Đắk Nông có Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bá Út, đại diện các đơn vị trong tỉnh Đắk Nông; cùng đại điện các Sở Công Thương, đơn vị sự nghiệp thực hiện công tác khuyến công 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
4 nội dung tập trung thảo luận, trao đổi
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung cho biết: Thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn do dịch bệnh kéo dài, thiên tai, tác động vĩ mô của xung đột chính trị và kinh tế thế giới, công tác khuyến công đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tiếp sức, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT vượt qua khó khăn, khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định và phát triển.
Đồng thời, để tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung hoạt động khuyến công, góp phần tạo động lực cho phát triển công nghiệp nông thôn trong tình hình mới, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương đề nghị các đại biểu tại Hội nghị tích cực đóng góp ý kiến; tập trung thảo luận, trao đổi một số nội dung sau:
Thứ nhất, đánh giá khách quan các kết quả đạt được về công tác khuyến công trong năm 2022 và 9 tháng năm 2023 của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; đánh giá những hạn chế tồn tại trong quá trình thực hiện; xác định các nguyên nhân chủ quan, khách quan; trong đó tập trung vào các nguyên nhân chủ quan để từ đó xác định các giải pháp khắc phục;
Thứ hai, xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trước mắt, bám sát diễn biến tình hình của cơ sở CNNT để triển khai hiệu quả các đề án khuyến công và hoàn thành nhiệm vụ những tháng cuối năm;
Thứ ba, trao đổi những kinh nghiệm, bài học có giá trị phổ biến từ thực tiễn tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công;
Thứ tư, thảo luận, đề xuất Bộ Công Thương những giải pháp cụ thể, thiết thực để tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành; công tác phối hợp giữa Trung ương và địa phương để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công. Đặc biệt, đề xuất những vấn đề chung, quan điểm về đổi mới cơ chế chính sách để chuẩn bị cho việc xây dựng Nghị định mới quy định về hoạt động khuyến công hiện đã được Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương tại Nghị quyết số 26/2013/NQ-CP ngày 27/02/2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCHTW Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo báo cáo của Cục Công Thương địa phương (CTĐP), tổng kinh phí khuyến công thực hiện năm 2022 của 15 tỉnh, thành phố khu vực MT-TN là 69,3 tỷ đồng, đạt 95,6% so với kế hoạch năm (72,5 tỷ đồng). Trong đó: Tổng kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG) thực hiện là 27,6 tỷ đồng, đạt 94,8% so với kế hoạch (29,1 tỷ đồng) và chiếm 39,8% kinh phí khuyến công thực hiện toàn vùng; Tổng kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP) thực hiện là 41,7 tỷ đồng, đạt 96,1% so với kế hoạch (43,4 tỷ đồng) và chiếm 60,2% kinh phí khuyến công toàn vùng.
Một số địa phương bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương ở mức khá trong khu vực cho hoạt động khuyến công là: Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Trị, Bình Định, Ninh Thuận...
Bước sang năm 2023, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công được duyệt của 15 tỉnh, thành phố khu vực MT-TN là 78,7 tỷ đồng, cao hơn 8,5% so với kế hoạch năm 2022 (72,5 tỷ đồng), trong đó: Kinh phí KCQG giao theo kế hoạch 28,4 tỷ đồng, chiếm 36,1% kinh phí khuyến công toàn vùng; Kinh phí KCĐP giao theo kế hoạch 50,3 tỷ đồng, chiếm 24,5% tổng kinh phí KCĐP kế hoạch năm 2023 (205,7 tỷ đồng) và chiếm 63,9% kinh phí khuyến công toàn vùng.
Kinh phí toàn vùng đã thực hiện trong 9 tháng năm 2023 đạt 45,9 tỷ đồng, đạt 58,3% kế hoạch năm, cao hơn 85,8% so với cùng kỳ. Trong đó: Kinh phí KCQG thực hiện 18,3 tỷ đồng đạt 64,4% kế hoạch năm; Kinh phí KCĐP thực hiện 27,6 tỷ đồng đạt 54,9% kế hoạch năm.
Nhờ phát huy những lợi thế tiềm năng, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực MT-TN đã không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển công nghiệp và thương mại đã đề ra, trong đó phải kể đến công tác triển khai các hoạt động khuyến công, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của cả nước. Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện hoạt động khuyến công của 15 tỉnh, thành phố khu vực MT-TN năm 2022 và 9 tháng năm 2023,
Tham dự Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe tham luận và thảo luận của đại diện một số Sở Công Thương, Trung tâm khuyến công các tỉnh thành tại khu vực phía miền Trung - Tây Nguyên, Cục thương mại điện tử ( Bộ Công Thương) về tình hình hoạt động khuyến công như: Tác động của chính sách khuyến công đến các cơ sở công nghiệp nông thôn và những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh; Đề xuất giải pháp hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2023; Đề xuất kiến nghị đối với việc sửa đổi, bổ sung các quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP;…), và một số kiến nghị của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ An Phát; Công ty TNHH Thương mại XNK Mắc ca - Sachi Thịnh Phát tỉnh Đăk Nông nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác khuyến công để tạo điều kiện cho quá trình hoạt động khuyến công, giúp ngành kinh tế địa phương phát triển hơn.
7 giải pháp hoàn thành kế hoạch khuyến công
Phát biểu kết luận Hội nghị, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung ghi nhận, công tác khuyến công của cả nước nói chung và các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng những tháng vừa qua đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND cấp tỉnh để nắm bắt diễn biến tình hình của các đơn vị thụ hưởng trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả.
Bên cạnh những thành tích đạt được, công tác khuyến công vẫn còn một số tồn tại do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, đòi hỏi phải nỗ lực tìm giải pháp phù hợp trong triển khai thực hiện. Để hoàn thành kế hoạch khuyến công của từng địa phương và toàn khu vực trong những tháng cuối năm 2023, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương nhấn mạnh một số điểm như sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Công Thương; tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 04/CT-BCT ngày 19/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới cho phát triển CNNT giai đoạn 2021-2025; văn bản số 3384/BCT-CTĐP ngày 15 tháng 6 năm 2022 về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện các hoạt động khuyến công trên địa bàn. Nhận thức sâu sắc và cụ thể hóa nội dung về công tác khuyến công được đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCHTW Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ hai, đánh giá tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện nay, thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/2/2023 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của BCHTW Đảng. Bộ Công Thương đang triển khai kế hoạch tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ở quy mô toàn quốc, dự kiến vào tháng 12 năm 2023, đề nghị các Sở Công Thương, UBND cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở và cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở CNNT tập trung rà soát, nhận diện đầy đủ những tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai các nội dung hoạt động khuyến công thời gian qua; nghiên cứu, tham mưu đề xuất cho Bộ Công Thương hướng đi, nội dung mới trong Nghị định mới quy định về hoạt động khuyến công.
Thứ ba, Sở Công Thương tiếp tục xác định rõ vai trò là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công tại địa phương; phối hợp chặt chẽ các Sở ngành liên quan, đặc biệt là Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc thực hiện hiệu quả các hoạt động khuyến công.
Kiện toàn tổ chức theo hướng giữ nguyên đơn vị sự nghiệp thuộc Sở thực hiện nhiệm vụ về khuyến công để đảm bảo thực hiện hoạt động chuyên môn đặc thù của ngành Công Thương theo quy định của pháp luật. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khuyến công ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả: đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho đơn vị thực hiện. Xây dựng hệ thống cộng tác viên khuyến công cấp huyện, cấp xã nhằm giúp các cơ sở CNNT thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách khuyến công.
Thứ tư, tập trung theo dõi, đôn đốc thực hiện các đề án khuyến công đúng tiến độ làm cơ sở để xem xét đánh giá năng lực thực hiện và khen thưởng về công tác khuyến công năm 2024; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các đề án.
Thứ năm, thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2024, tiếp tục đổi mới cách thức xây dựng kế hoạch theo hướng hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm, xây dựng các đề án điểm, đề án nhóm. Thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm công nghiệp nông thôn; hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh trong chế biến nông lâm thủy sản; gia tăng giá trị và nâng hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp;
Thứ sáu, triển khai các nhiệm vụ khuyến công theo mục tiêu phát triển công nghiệp vùng được đề ra trong các Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho các vùng trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động khuyến công, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường.
Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức thông tin truyền thông về cơ chế, chính sách và những điển hình trong các hoạt động khuyến công; tăng mạnh số lượng các cơ sở công nghiệp nông thôn nắm bắt và chủ động tham gia chương trình. Chú trọng tăng cường các hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp, tạo sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương.
Ghi nhận và động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến công, thay mặt Lãnh đạo Bộ, Cục trưởng Ngô Quang Trung đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến công khu vực MT-TN năm 2022.
Cũng tại Hội nghị, được sự đồng ý của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Quảng Trị và theo kết quả của hội nghị trù bị. Ban Tổ chức Hội nghị đã thống nhất đơn vị đăng cai Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực MT-TN lần thứ XIV, năm 2024 là Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị.
Khu vực Miền Trung - Tây Nguyên gồm 15 tỉnh, thành phố: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
Một số hình ảnh tại Hội nghị: