Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII thảo luận tại hội trường
Chiều nay 6.7, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII tiếp tục làm việc tại hội trường và bế mạc.
Các đồng chí: Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Chỉ rõ những hạn chế và đề xuất các giải pháp
13 giờ 35: Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh điều hành thảo luận.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Hiệu đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ thêm tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đánh giá và đề xuất các giải pháp để đạt được mục tiêu trong từng giai đoạn, trong đó có việc thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Một vấn đề nữa cần quan tâm thảo luận là việc quy hoạch hạ tầng nhà máy, hệ thống thoát nước cho các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh. Các đại biểu cũng cần phân tích, nghiên cứu về tính bền vững của các mục tiêu phát triển tổng sản phẩm, thu ngân sách, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh; chỉ rõ những hạn chế và đề xuất các giải pháp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thảo luận, làm rõ nguyên nhân vì sao tỉnh chưa thực sự thu hút được các nhà đầu tư lớn trong thời gian qua…
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Hiệu cũng lưu ý các đại biểu cần đề xuất các giải pháp để tăng tính bền vững thu ngân sách, tạo các nguồn lực để phục vụ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm. Cùng với việc quyết tâm kêu gọi đầu tư cần có những giải pháp nào để nhà đầu tư đến, triển khai đầu tư các công trình, dự án. Đối với công tác cán bộ, các đại biểu cần làm rõ những hạn chế, khâu yếu trong thực tiễn ở các sở, ngành, địa phương để có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục…
Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm
13 giờ 45: Đồng chí Nguyễn Văn Đoàn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở xây dựng là người đầu tiên thảo luận tại hội trường. Đồng chí Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Đoàn cho biết trong quá trình xây dựng đồ án quy hoạch vùng tỉnh, đơn vị tư vấn đã xin ý kiến và tiếp thu cơ bản đầy đủ ý kiến của các cấp, các ngành, nhất là của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nội dung đồ án cơ bản bảo đảm tính khoa học, đề ra được những vấn đề phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. "Đề nghị đơn vị tư vấn rà soát các quy hoạch chuyên ngành về điện, nước, giao thông... Các quy hoạch này cần bảo đảm không bị ách tắc khi tỉnh phê duyệt. Đồ án cần thực hiện song song giữa trình duyệt, thẩm định với thực hiện từng bước của quy hoạch để đẩy nhanh tiến độ thực hiện", đồng chí Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Đoàn nhấn mạnh.
Về phát triển kinh tế-xã hội, Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng kết quả kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm đạt kết quả tốt nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Tỉnh định hướng đúng nhưng khi tổ chức thực hiện đang bị chững lại. Nguyên nhân chính dẫn đến việc này là thủ tục triển khai các dự án chậm, nhất là liên quan đến giải phóng mặt bằng để thu hút vốn đầu tư mới. Từ đó, công tác giải ngân vốn đầu tư công chậm.
Đồng chí Nguyễn Văn Đoàn nêu giải pháp để phát triển mạnh thời gian tới. Đó là tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy nhanh giải quyết thủ tục đầu tư các dự án có vốn đầu tư công, quyết liệt giải phóng mặt bằng. Tiếp tục rà soát, bố trí đất cho khu công nghiệp, ưu tiên cho những chủ đầu tư tốt. Cần đẩy nhanh thủ tục đầu tư cho các khu công nghiệp đã được Thủ tướng phê duyệt.
Đánh trúng các đường dây, đối tượng cộm cán liên quan đến ma túy
14 giờ 5: Đồng chí Bùi Quang Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh làm rõ hơn những kết quả về công tác phòng chống tội phạm trên địa bàn tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, công tác phòng chống tội phạm trong tỉnh được thực hiện bài bản, đồng bộ, hiệu quả theo đúng chỉ đạo của Bộ Công an và tỉnh. Việc nhận diện, đánh giá các loại tội phạm được triển khai thực hiện rõ ràng, đúng trọng tâm, trọng điểm. Các loại tội phạm về trật tự an toàn xã hội của tỉnh đã giảm 15,7% số vụ so với cùng kỳ năm 2021 và giảm 31% so với cùng kỳ 2019. Đặc biệt, lực lượng công an trong tỉnh đã điều tra, làm rõ 17 vụ, 19 đối tượng, trong đó khởi tố hình sự 11 vụ, 12 bị can về các hành vi liên quan đến “tín dụng đen”. “Để phòng ngừa hiệu quả các loại tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” thì cùng với tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật của người dân việc có những cơ chế tín dụng, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với các tổ chức tín dụng rất cần thiết”, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Bùi Quang Bình kiến nghị.
Đối với tội phạm ma túy, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Bùi Quang Bình cho biết dù số vụ giảm nhưng số lượng ma túy là tang vật các vụ án, vụ việc tăng cao. Điều này cho thấy việc đấu tranh, triệt phá loại tội phạm này đang đúng hướng, đánh đúng, đánh trúng vào các đường dây, đối tượng cộm cán. Đồng chí Giám đốc Công an tỉnh đề nghị các cơ quan chức năng, nhất là các ngành nội chính, tư pháp ở các địa phương cần phối hợp với lực lượng công an để nắm chắc các đối tượng nghiện ma túy để tập trung đấu tranh, ngăn chặn, phòng ngừa. Cùng với 2 loại tội phạm trên thì tội phạm đánh bạc qua mạng internet cũng diễn biến phức tạp, nhiều chuyên án lớn đã được triệt phá; tội phạm mua bán các phôi bằng, chứng chỉ giả và mua bán dữ liệu cá nhân cũng xuất hiện trong tỉnh với quy mô rất lớn; tội phạm giết người vì nguyên nhân xã hội tăng cao…
Thời gian tới, Giám đốc Công an tỉnh Bùi Quang Bình đề nghị các ngành, địa phương tích cực phối hợp, hỗ trợ với ngành công an tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công việc thuộc Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06).
Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực
14 giờ 35: Đồng chí Đồng Dũng Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Miện nhận xét quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là công trình hết sức công phu, đã cơ bản khắc phục cơ bản hạn chế của các quy hoạch trước đây, tính toán kỹ trên mọi vấn đề; đồng thời bày tỏ sự thống nhất cao với định hướng phát triển theo hướng kịch bản thứ 3 với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 12,5% trong thời gian 10 năm. Đây là mức có thể giúp tỉnh ta đạt mục tiêu và "cất cánh". Để đạt tốc độ tăng trưởng này, đề nghị tỉnh cần tính toán, có các giải pháp linh hoạt cho từng năm.
Trong quy hoạch vùng tỉnh, các địa phương thấy phấn khởi là đã định hình được vùng huyện làm gì, ở đâu. Việc xác định sớm trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại là có cơ sở, nên quan tâm đào tạo nguồn nhân lực là hết sức cần thiết. Nguồn nhân lực chất lượng cao cần thu hút ở địa phương ngoài về nhưng quan trọng hơn cần có cơ sở đào tạo riêng cho nguồn nhân lực này của tỉnh. Tỉnh cần tạo điều kiện tốt để thu hút giáo dục ngoài công lập tham gia vào lĩnh vực này.
Đồng chí Đồng Dũng Mạnh bày tỏ sự phấn khởi, đánh giá cao kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh. Tuy nhiên, cần đánh giá kỹ các nguyên nhân đạt được kết quả này để tính toán công bằng, khách quan định hướng cho 6 tháng cuối năm. Cần phân tích kỹ lưỡng, tìm giải pháp tháo gỡ nút thắt trong giải ngân đầu tư công. Hiện nhiều dự án không triển khai được mặc dù có nguồn kinh phí.
"Công tác cải cách thủ tục hành chính của tỉnh đã tập trung cao nhưng cần tiếp tục đẩy cao hơn nữa, nhất là quan tâm tháo gỡ những khó khăn để góp phần thúc đẩy việc triển khai các công trình, dự án. Ưu tiên dành đất cho những dự án tốt, có tiềm năng", đồng chí Bí thư Huyện ủy Thanh Miện nhấn mạnh.
Kết quả phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm chưa xứng với tiềm năng
14 giờ 50: Đồng chí Đặng Xuân Thưởng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lộc đề nghị cần làm rõ nội dung, hoàn chỉnh quy hoạch phát triển đô thị 2 bên sông Sặt, nhất là đoạn qua địa bàn TP Hải Dương để quản lý quy hoạch và tạo sự phát triển đồng bộ.
Cho rằng những kết quả phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh rất tích cực nhưng chưa xứng tiềm năng, đồng chí Bí thư Huyện ủy Gia Lộc đề nghị tỉnh cần tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bàn giao khu công nghiệp Hoàng Diệu để tỉnh triển khai, lựa chọn và quyết định chủ đầu tư thực hiện. Việc lựa chọn các nhà đầu tư khu công nghiệp cần thực sự coi trọng năng lực, uy tín và tiềm lực tài chính để bảo đảm tiến độ thực hiện. Việc triển khai đầu tư các khu công nghiệp ở huyện Gia Lộc và các địa phương trong tỉnh cần có sự kết nối để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư. “Tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ thẩm định, ban hành quyết định về giá đất các khu dân cư, khu đô thị để tạo nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm”, đồng chí Đặng Xuân Thưởng kiến nghị.
Đối với xây dựng nông thôn mới nâng cao, đồng chí Bí thư Huyện ủy Gia Lộc đề nghị tỉnh cần sớm ban hành bộ tiêu chí để các địa phương làm căn cứ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, nhất là các tiêu chí cần nguồn lực lớn để đầu tư. Các tiêu chí cần bảo đảm việc xây dựng nông thôn mới nâng cao thiết thực, nâng cao rõ rệt đời sống của người dân nông thôn và tránh gây áp lực lớn về tài chính để đầu tư cho cơ sở.
15 giờ 5: Hội nghị giải lao
Nhiều thách thức ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng
15 giờ 25: Đồng chí Phạm Bá Dũng, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho rằng để đạt được kịch bản tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm là hơn 10% thì 6 tháng cuối năm tỉnh phải có GRDP đạt tầm 9,5%.
Một số khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm là thiếu nguyên liệu sản xuất về linh kiện điện tử, giày da, may mặc do nhập của Trung Quốc nhưng nước này đang thiết chặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Dự báo 6 tháng cuối năm nay, tình hình lạm phát có xu hướng tăng cao, nhất là ảnh hưởng của giá xăng dầu, giá gas dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp 6 tháng đầu năm tăng trưởng tốt nhưng hiện nay diện tích sản xuất nông nghiệp từng bước bị thu hẹp, giá đầu vào của các sản phẩm như phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật tăng sẽ ảnh hưởng đến sản xuất.
"Tình hình thu hút đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh thấp cũng tác động đến tốc độ tăng trưởng. Đây là những khó khăn, thách thức lớn, tỉnh cần sớm có chỉ đạo, giải pháp tháo gỡ", đồng chí Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh đề xuất.
Ảnh: Đồng chí Nguyễn Năng Hoàn, Tỉnh ủy viên, Cục trưởng Cục thuế tỉnh đề nghị tỉnh cần quyết liệt hơn để các dự án khu dân cư, đô thị sớm được triển khai, đưa vào thị trường bất động sản
Số tiền thu thuế của các doanh nghiệp trọng điểm có xu hướng giảm
15 giờ 40: Đồng chí Nguyễn Năng Hoàn, Tỉnh ủy viên, Cục trưởng Cục thuế tỉnh làm rõ những kết quả thu ngân sách của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022.
Theo đó, dù đạt được những kết quả tích cực nhưng số tiền thu thuế của các doanh nghiệp trọng điểm đang có xu hướng giảm. Để bảo đảm nguồn thu ổn định và tăng bền vững, tỉnh cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư để thu hút đầu tư, trong đó cần chú trọng thu hút các nhà đầu tư trong nước. Để tăng thu từ tiền sử dụng đất, tỉnh cần quyết liệt hơn để các dự án khu dân cư, đô thị sớm được triển khai, đưa vào thị trường bất động sản. Thông qua kết quả giám sát của HĐND tỉnh về tình hình sử dụng các trụ sở công, tỉnh cũng cần có cơ chế, sớm phân loại, xử lý các tài sản công theo đúng quy định để khai thác hiệu quả. “Tỉnh cần giám sát, có điều chỉnh để điều tiết nguồn thu giữa các cấp ngân sách, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính”, đồng chí Cục trưởng Cục thuế tỉnh kiến nghị.
Đồng chí Cục trưởng Cục thuế tỉnh Nguyễn Năng Hoàn cũng đề nghị tỉnh cần lựa chọn nhà đầu tư thực sự chất lượng, hiệu quả cao để bảo đảm phát triển bền vững, tránh thu hút đầu tư ồ ạt nhưng hiệu quả thấp như một số địa phương trong nước.
15 giờ 50: Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Hiệu đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu các nội dung tại hội nghị, gửi ý kiến thảo luận để Văn phòng Tỉnh ủy tiếp tục cập nhật.
15 giờ 55: Hội nghị nghe đơn vị tư vấn báo cáo giải trình một số nội dung chính và tiếp thu ý kiến của các đại biểu vào dự thảo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đại diện đơn vị tư vấn đã giải thích lý do lựa chọn kịch bản tăng trưởng của tỉnh giai đoạn 2021-2030, định hướng phát triển các ngành trọng điểm, chủ lực trong giai đoạn 2021-2050; phân tích những tiềm năng, thế mạnh riêng có của Hải Dương để định hướng phát triển trong những năm tới và bảo đảm tính khả thi của quy hoạch tỉnh…
Đơn vị tư vấn cũng tiếp thu một số ý kiến của các đại biểu về lựa chọn các dự án trọng điểm, số lượng các khu, cụm công nghiệp, các chính sách cụ thể thu hút vốn FDI, giải pháp huy động thực hiện nguồn lực thực hiện quy hoạch... để tiếp tục cập nhật, hoàn thiện, xây dựng dự thảo Quy hoạch tỉnh Hải Dương theo đúng tiến độ đề ra.