Hội nghị lần thứ 18 diễn đàn các Trường Đại học Hàng hải và đánh cá châu Á
Trong 3 ngày (từ 18 - 20/11), tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (thành phố Hải Phòng) diễn ra Hội nghị thường niên lần thứ 18 diễn đàn các trường Đại học Hàng hải và đánh cá châu Á (AMFUF) 2019 với chủ đề 'Những thách thức và đáp ứng của đào tạo, huấn luyện hàng hải: Thúc đẩy toàn cầu hóa, khuyến khích sự đổi mới và hợp tác giữa các bên'.
Đây là dịp để các thành viên AMFUF trao đổi học thuật, các công trình nghiên cứu khoa học hàng hải và kinh tế biển khu vực châu Á Thái Bình Dương với mục tiêu vì sự phát triển bền vững, hiệu quả ngành hàng hải châu Á nói riêng và toàn thế giới nói chung.
Với 5 phiên khoa học, hơn 30 bài báo khoa học của các nhà nghiên cứu đến từ 14 trường Đại học, Học viện Hàng hải khu vực châu Á, hội nghị tập trung thảo luận các chủ đề như: Tàu không người lái, tăng cường bảo vệ và bền vững môi trường hàng hải, cùng các nội dung liên quan đến quản lý hiệu quả năng lượng hàng hải, chuỗi cung ứng, vận hành cảng; kiểm soát chất lượng trong đào tạo cán bộ và sinh viên ngành thủy sản, hợp tác nghiên cứu và giáo dục giữa các thành viên AMFUF.
Giáo sư, Tiến sĩ Doh, Deog-Hee, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải và Đại dương Hàn Quốc, Chủ tịch AMFUF nhấn mạnh: Toàn cầu hóa và hợp tác đa phương là vấn đề không còn xa lạ với các nước châu Á và thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực hàng hải và đánh cá. Đó là xu hướng tất yếu không chỉ tạo nên sự kết nối mạnh mẽ giữa các châu lục mà còn mang lại hiệu quả kinh tế, chính trị vô cùng to lớn cho từng quốc gia.
Giáo sư Giáo sư, Tiến sĩ DOH, Deog-Hee mong muốn trong 3 ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về những cơ hội, thách thức, gợi ý những giải pháp tốt nhất thúc đẩy hàng hải và đánh cá phát triển.
Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Bùi Thiên Thu nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa diễn ra với tốc độ nhanh chóng, cả thế giới đang bước vào kỷ nguyên công nghệ số, xuất hiện nhiều vấn đề liên quan mật thiết đến ngành hàng hải, do đó không một cơ sở đào tạo, tổ chức hay quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết vấn đề toàn diện mà cần sự hợp tác của nhiều bên. Ông Bùi Thiên Thu mong muốn, các thành viên AMFUF đem đến nhiều thông tin khoa học hữu ích mở rộng tầm hiểu biết, đồng thời góp phần tìm ra những giải pháp mang tính đột phá trong việc phát triển ngành hàng hải.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho biết, trong gần hai thập kỷ kể từ khi thành lập và phát triển, AMFUF không ngừng tăng trưởng số lượng thành viên. Năm 2002, chỉ có 7 thành viên, đến nay AMFUF có 27 tổ chức thành viên từ 9 quốc gia khác nhau ở châu Á hợp tác đa phương.
Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là trường trọng điểm quốc gia, đẳng cấp quốc tế, đào tạo đa ngành, đa bậc học từ đào tạo nghề đến tiến sĩ, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế - xã hội của cả nước và quốc tế. Trường đi tiên phong trong hội nhập khu vực và quốc tế; là thành viên chính thức của Hiệp hội các Trường Đại học Hàng hải châu Á - Thái Bình Dương (AMETAP), Hiệp hội các Trường Đại học Hàng hải quốc tế (AMU) và Hiệp hội Vận tải Biển quốc tế (BIMCO). Sinh viên nhà trường được đánh giá theo chuẩn tiếng Anh TOEIC quốc tế, chuẩn Tin học Microsoft MOS quốc tế. Trường Đại học Hàng hải Việt Nam quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2018, được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục và trường lọt vào top 15 các trường đại học hàng đầu Việt Nam trong hệ thống hơn 300 trường và học viện cả nước.
Nhân dịp này, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cùng Trường Đại học Hàng hải và Đại dương Hàn Quốc ký thỏa thuận hợp tác về đào tạo liên quan đến trao đổi giảng viên, sinh viên, học viên sau đại học, liên kết đào tạo, thực tập viên trên tàu.