Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh - khóa XIV: Cho ý kiến và thông qua nhiều nội dung quan trọng
Cuối tuần qua, Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh - khóa XIV (mở rộng). Đồng chí Dương Văn An – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận chủ trì hội nghị. Tại hội nghị lần này, Tỉnh ủy cho ý kiến về Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và chủ trương thực hiện dự án Kè Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm).
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An phát biểu khai mạc hội nghị.
Quy hoạch tỉnh phải có tầm nhìn xa, đột phá và dựa trên tiềm năng, lợi thế
Trong phần phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nhấn mạnh: Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa rất quan trọng, định hướng chiến lược phát triển của tỉnh Bình Thuận, làm tiền đề cho sự phát triển các vùng, các ngành, lĩnh vực của tỉnh trong dài hạn, do vậy quy hoạch phải có tầm nhìn xa, đột phá. Báo cáo quy hoạch đã được UBND tỉnh thuê đơn vị tư vấn có năng lực và kinh nghiệm. UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo tham gia góp ý quy hoạch. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến 2 lần và thống nhất báo cáo Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến trước khi thực hiện các bước tiếp theo.
Sau khi nghe đơn vị tư vấn trình bày, Bí thư Tỉnh ủy đã đặt ra nhiều vấn đề để Tỉnh ủy và lãnh đạo các cơ quan, ban ngành, địa phương thảo luận, như các chỉ tiêu phấn đấu về thu nhập bình quân đầu người, về tốc độ tăng trưởng GRDP, các động lực phát triển, chiến lược phát triển các ngành “trụ cột” kinh tế của tỉnh như công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Hiện nay, GRDP của tỉnh Bình Thuận đang thấp hơn GDP của cả nước nhưng đến năm 2030 phải cao hơn. Tỉnh ta có nhiều tiềm năng, lợi thế, do đó cần phải đặt ra những mục tiêu, chỉ tiêu mang tính vượt trội, để quyết tâm thực hiện. Chứ không lẽ một tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi như hiện nay mà kết quả phát triển lại ì ạch…”.
Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển phát biểu tại hội nghị.
Về nông nghiệp, ngoài các sản phẩm hiện có, Bí thư Tỉnh ủy gợi ý về phát triển dược liệu, bởi dược liệu là một trong những thế mạnh của Việt Nam và Chính phủ đã có chiến lược phát triển dược liệu. Với điều kiện đất đai, khí hậu, Bình Thuận phải phấn đấu trở thành một trong những trung tâm dược liệu của khu vực duyên hải miền Trung, trong đó chú ý trồng dược liệu phân tán, tập trung và dưới tán rừng. Về công nghiệp, cần ưu tiên phát triển các ngành Bình Thuận có tiềm năng, lợi thế, như công nghiệp chế biến (trong đó chú ý đến chế biến nông sản), chế tạo (thiết bị điện, điện tử), sản xuất năng lượng (ưu tiên năng lượng tái tạo). Tuy nhiên, trong quy hoạch phải tránh sự bất cập, chồng chéo giữa sản xuất điện với sản xuất nông nghiệp, du lịch. “Không phải nơi nào có gió, có nắng thì đều làm điện mặt trời, điện gió mà phải tránh chồng lấn; nơi nào du lịch làm tốt, nông nghiệp làm tốt thì phải ưu tiên cho du lịch, nông nghiệp. Chỉ làm điện gió, điện mặt trời ở những nơi không phát triển được du lịch, nông nghiệp không hiệu quả và ưu tiên điện gió ngoài khơi”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh… Bí thư Tỉnh ủy cũng nêu ra nhiều gợi ý về động lực phát triển, không gian phát triển, hạ tầng giao thông, công nghiệp, văn hóa, giáo dục, y tế…
Đại biểu Nguyễn Tấn Lê - Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải.
Tránh tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ
Tham gia ý kiến về quy hoạch, các đại biểu đề nghị cần đánh giá sâu hơn về bối cảnh kinh tế của địa phương trong từng giai đoạn, nêu bật và rõ nét hơn các đặc thù, lợi thế của tỉnh nhằm xác định mục tiêu ưu tiên phát triển; đề cao liên kết ngành, liên kết vùng, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ và “cát cứ” về mục tiêu, không gian và nguồn lực.
Đại biểu Nguyễn Tấn Lê, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Các tuyến đường huyện chưa thấy đưa vào quy hoạch, nếu không đưa vào, sau này lập các dự án đầu tư sẽ căn cứ vào đâu để lập dự án và đầu tư xây dựng. Do đó, cần nghiên cứu, xem xét thêm để bổ sung cho phù hợp. Đối với quy hoạch trục đường ven biển, đến nay đã có nhiều thay đổi, phải cập nhật lại, cần phải tính toán cả hướng tiến và quy mô trong quy hoạch tỉnh… Đại biểu Nguyễn Văn Húy – Bí thư Huyện ủy Đức Linh thì cho rằng, trong quy hoạch cần phải cân đối nguồn lực cho đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn của tỉnh. Nếu chúng ta không đủ điều kiện thành lập khu CN thì chúng ta thành lập cụm CN để thu hút đầu tư. “Riêng quy hoạch chăn nuôi heo trong thời gian tới, ở huyện Đức Linh được quy hoạch 204 ha. Tuy nhiên, việc đầu tư chăn nuôi heo của tỉnh có chủ trương dừng. Chăn nuôi heo tập trung ảnh hưởng rất lớn đến đất đai, môi trường. Do đó, Đức Linh xin không tập trung đầu tư phát triển chăn nuôi heo tập trung trong thời gian tới nữa”, đại biểu Húy nói.
Bí thư Huyện ủy Đức Linh - Nguyễn Văn Húy phát biểu tại hội nghị.
Nhiều đại biểu cũng đã phân tích làm rõ thêm về các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá của quy hoạch và xác định các trụ cột tăng trưởng; kịch bản tăng trưởng… Nhiều ý kiến cũng đã đề xuất, thêm những ý tưởng mới để các cơ quan chức năng nghiên cứu, tích hợp vào quy hoạch, nhằm tạo động lực phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu kết luận vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy - Dương Văn An đánh giá dự thảo Quy hoạch về cơ bản đáp ứng được quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh giai đoạn tiếp theo, tạo nền tảng phát triển nhanh, bền vững đến năm 2050. Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát lấy ý kiến các Sở, ngành, địa phương và các đại biểu dự họp để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện gửi xin ý kiến các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương lân cận nhằm đảm bảo tiến độ lập Quy hoạch theo quy định của Chính phủ. Tỉnh ủy giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện dự thảo báo cáo và cho ý kiến trước khi trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Người dân “xóm nhà chồ” sẽ có nơi ở mới
Cũng tại hội nghị lần này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã cho ý kiến về chủ chương thực hiện dự án Kè Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm) và chung cư sông Cà Ty.
Dự án Kè sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm) có quy mô đầu tư gồm: Kè bảo vệ bờ với chiều dài khoảng 450m, đường giao thông tổng chiều dài khoảng 604m, hạ tầng kỹ thuật, công viên. Đây được xác định là công trình trọng điểm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần cải tạo môi trường, cảnh quan, chỉnh trang đô thị, xây dựng thành phố Phan Thiết xanh, sạch, đẹp, hiện đại, văn minh và cải thiện điều kiện sống tốt hơn cho người dân trong khu vực dự án. Cùng với việc thực hiện dự án này, cần đầu tư dự án Chung cư sông Cà Ty để bố trí tái định cư cho những hộ dân phải di dời nhà cửa trong phạm vi dự án. Bởi dự án có tổng số dân bị giải tỏa, phải bố trí tái định cư tương đối lớn, với hơn 500 hộ dân.
Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết - Phan Nguyễn Hoàng Tân phát biểu tại hội nghị.
Riêng dự án chung cư sông Cà Ty theo quy mô đề xuất đầu tư với diện tích xây dựng dự kiến khoảng 5.600m2 và nhiều hạng mục phụ trợ khác. Tại hội nghị, lãnh đạo UBND thành phố Phan Thiết đã báo cáo tiến độ thực hiện và kế hoạch tổng thể thực hiện dự án Kè sông Cà Ty và dự án Chung cư sông Cà Ty nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.
Đối với nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An nêu rõ: Dự án Kè sông Cà Ty gắn với cải tạo môi trường hai bên bờ sông Cà Ty đã được cấp có thẩm quyền cho chủ trương đầu tư ở giai đoạn trước; Ban Thường vụ Tỉnh ủy các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020 đã tăng cường chỉ đạo tổ chức thực hiện, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được đầu tư, vì nhiều nguyên nhân. Việc này ảnh hưởng rất nhiều đến bộ mặt đô thị và môi trường thành phố Phan Thiết và cuộc sống của người dân trên các căn “nhà chồ”. Dự án hoàn thành sẽ góp phần cải tạo môi trường, cảnh quan, chỉnh trang đô thị, xây dựng thành phố Phan Thiết xanh, sạch, đẹp, cải thiện điều kiện sống tốt hơn cho người dân khu vực thực hiện dự án. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết lãnh, chỉ đạo đơn vị chủ đầu tư phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo phương châm: “Nội dung nào rút gọn được thì rút gọn, nội dung nào làm song song được thì làm song song, nội dung nào thực hiện ngay được thì thực hiện ngay” để sớm hoàn thành dự án.
Qua thảo luận, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV thống nhất chủ trương triển khai thực hiện dự án, đồng thời thống nhất chủ trương thành lập Ban chỉ đạo thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư nhằm đảm bảo công tác thu hồi đất, tái định cư chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, không để xảy ra sai sót, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, đảm bảo lợi chính đáng của người dân trong quá trình thực hiện dự án.
Theo kết luận của Tỉnh ủy, dự án trên phải hoàn thành trước khi tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Trước đó, vào đầu tháng 3/2021, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An; Phó bí thư - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoài Anh và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong đã có buổi khảo sát thực địa tại khu vực “nhà chồ” ven sông Cà Ty (đoạn từ cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm). Tại đây, sau khi đi thực xong, Bí thư Tỉnh ủy nói: “Mấy trăm hộ dân sống trong điều kiện khó khăn, chật hẹp và ô nhiễm như thế đã rất lâu rồi. Họ đã ở đó đến thế hệ thứ hai. Nếu cứ để người dân sống trong điều kiện như vậy mãi là chúng ta có lỗi với dân”. Do đó, dự án Kè Cà Ty (đoạn từ Cầu Dục Thanh đến đường Ung Văn Khiêm sẽ được Tỉnh ủy quyết tâm thực hiện hoàn thành trong nhiệm kỳ này. Các đoạn còn lại sẽ tiếp tục được thực hiện gắn với Đồ án quy hoạch 2 bên bờ sông Cà Ty.