Hội nghị lịch sử của cuộc cách mạng lịch sử
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Đông Dương. Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp hội nghị mở rộng ở Đình Bảng (Bắc Ninh) kịp thời ra Chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Hội nghị nêu rõ: “Cuộc đảo chính đã tạo ra tình hình khủng hoảng chính trị sâu sắc làm cho những điều kiện của cuộc khởi nghĩa vũ trang mau chóng đi đến chín muồi. Hội nghị còn quyết định thay khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật - Pháp” trước đây bằng khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật”.
Hội nghị nhận định cao trào cách mạng đã bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa, vì thế cần thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho thích hợp để động viên quần chúng tích cực tham gia kháng Nhật cứu nước.
“Phải đem sức ta mà giải phóng cho ta”
Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội; ngày 23/8/1945, ở Huế và ngày 25/8/1945, ở Sài Gòn. Chỉ trong vòng 15 ngày, cuộc tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước. Chính quyền cách mạng về tay nhân dân. Ngày 25/8/1945, Chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng đã về đến Hà Nội.
Từ ngày 15-20/4/1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ họp tại Hiệp Hòa quyết định xây dựng 7 chiến khu trong cả nước làm bàn đạp cho cuộc tổng khởi nghĩa. Ngày 4/6/1945, theo chỉ thị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Tổng bộ Việt Minh tuyên bố chính thức thành lập khu giải phóng và ban bố 10 chính sách lớn.
Căn cứ địa phát triển đến đâu, lực lượng vũ trang, bán vũ trang phát triển đến đó. Đảng nhấn mạnh: “Phải đem sức ta mà giải phóng cho ta” chứ không thể đem việc quân Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương làm điều kiện tất yếu cho cuộc tổng khởi nghĩa.
Tháng 8/1945, tình thế trực tiếp cách mạng xuất hiện. Trung ương Đảng quyết định cần khẩn trương tích cực chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội đại biểu. Bác Hồ liên tục thúc giục chuẩn bị hai hội nghị quan trọng này ngay từ tháng 7/1945, Bác nói: “Có thể còn thiếu một số đại biểu nào đó chưa về kịp cũng họp, nếu không thì không kịp được với tình hình chung”.
Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương chính thức khai mạc tại Tân Trào (Tuyên Quang). Tham dự hội nghị có đủ đại biểu các đảng bộ Bắc, Trung, Nam và một số đại biểu hoạt động ở nước ngoài. Hội nghị nhận định các điều kiện khách quan, chủ quan đã chín muồi để khởi nghĩa nổ ra và thắng lợi; cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới.
Hội nghị quyết định Đảng phải kịp thời nắm thời cơ phát động và lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Đồng Minh kéo vào. Ba nguyên tắc để bảo đảm lãnh đạo tổng khởi nghĩa thắng lợi được hội nghị đề ra là: tập trung lực lượng vào việc chính; thống nhất về mọi phương diện quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy; kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội. Hội nghị nhấn mạnh phải “tập trung lực lượng vào những chỗ cần thiết để đánh”, “đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, không kể thành phố hay thôn quê”.
Tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới
Hội nghị còn quyết định chủ trương đối nội và đối ngoại sau khi tổng khởi nghĩa thắng lợi. Về đối nội, phải chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, tổ chức quần chúng. Trước hết là tuyên truyền giáo dục các đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh, coi đó là chính sách cơ bản trước mắt của toàn Đảng, toàn dân; chú ý đến việc sản xuất nông nghiệp, trước hết là sản xuất lương thực. Về đối ngoại, phải triệt để lợi dụng mâu thuẫn giữa Pháp, Anh, Mỹ, Tưởng, hết sức tránh trường hợp một mình phải đối phó với nhiều kẻ thù trong cùng một lúc; phải tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của Liên Xô và nhân dân thế giới, đặc biệt là nhân dân Pháp và nhân dân Trung Quốc; đánh tan âm mưu của thực dân Pháp định trở lại nước ta một lần nữa và âm mưu của Tưởng Giới Thạch định biến nước ta thành “một nước chư hầu”. Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc được thành lập gồm các đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Lê Thanh Nghị và Chu Văn Tấn.
Hội nghị toàn quốc của Đảng, sau ba ngày làm việc, đã bế mạc vào ngày 15/8/1945 trong không khí cả nước sục sôi khí thế tổng khởi nghĩa được Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc phát động trong Quân lệnh số 1 ngay trong đêm 13/8/1945.
Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 13/8/1945 là một hội nghị lịch sử của cuộc cách mạng lịch sử - cuộc Cách mạng Tháng Tám hào hùng trong lịch sử dân tộc.
Từ ngày 16-17/8/1945, Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh, bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng do Bác Hồ làm Chủ tịch. Ban Thường trực của Ủy ban Dân tộc giải phóng gồm 5 người: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng và Dương Đức Hiền.
Ngay sau khi Quốc dân Đại hội bế mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi nhân dân tổng khởi nghĩa: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Dưới ngọn cờ của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta từ Bắc chí Nam, từ miền ngược đến miền xuôi nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa.
Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội; ngày 23/8/1945, ở Huế và ngày 25/8/1945, ở Sài Gòn. Chỉ trong vòng 15 ngày, cuộc tổng khởi nghĩa đã thành công trong cả nước. Chính quyền cách mạng về tay nhân dân. Ngày 25/8/1945, Chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng đã về đến Hà Nội.
Ngày 27/8/1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng do Quốc dân Đại hội ở Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo chỉ thị của Người, Ủy ban Dân tộc giải phóng đã mời thêm một số nhân sĩ tham gia Chính phủ lâm thời để cùng nhau gánh vác việc nước. Chính phủ lâm thời không phải là Chính phủ riêng của Việt Minh, cũng không phải là một Chính phủ chỉ bao gồm các đại biểu của các đảng phái. Nó thật là một Chính phủ quốc gia thống nhất tiêu biểu cho Mặt trận Dân tộc thống nhất rộng rãi.
Ngày 30/8/1945, tại Huế, các đồng chí Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận thay mặt Chính phủ lâm thời tuyên bố chấp nhận sự thoái vị của Bảo Đại và nhận ấn kiếm của nhà vua giao nộp cho Chính phủ cách mạng trước sự chứng kiến của hàng vạn đồng bào Thừa Thiên - Huế.
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời làm lễ ra mắt quốc dân tại vườn hoa Ba Đình, Hà Nội. Trước hàng vạn đồng bào thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.