Hội nghị Mekong - Lan Thương: Chia sẻ tương lai, vươn lên mạnh mẽ
Những ngày qua, dư luận quốc tế dành nhiều sự quan tâm tới Hội nghị cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương, đặc biệt đánh giá cao những thành công rõ rệt trên mọi lĩnh vực.
Chung tay xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai
Đầu tuần này, Hội nghị cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ 4 đã diễn ra theo hình thức trực tuyến. Hội nghị có chủ đề “Chung tay xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai và hiện đại hóa giữa các nước Mekong - Lan Thương”. Hội nghị đã thành công với việc thông qua 3 văn kiện quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển hơn nữa khu vực Mekong - Lan Thương, gồm: Tuyên bố Nay Pyi Taw của Hội nghị cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ 4; Kế hoạch hành động 5 năm về hợp tác Mekong - Lan Thương giai đoạn 2023 - 2027; Sáng kiến chung về phát triển hành lang đổi mới sáng tạo Mekong - Lan Thương.
Điểm lại những nét nổi bật trong hội nghị, các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị đã bày tỏ sự hài lòng trước những tiến bộ đáng ghi nhận trong khuôn khổ hợp tác Mekong - Lan Thương. Hội nghị đánh giá, trong 7 năm qua, khuôn khổ hợp tác Mekong - Lan Thương đạt những thành tựu mang lại lợi ích rõ rệt trên mọi lĩnh vực thông qua việc triển khai thực hiện thành công kế hoạch hành động hợp tác Mekong - Lan Thương 5 năm, giai đoạn 2018 - 2022.
Đặc biệt là kết quả thực hiện các cam kết trong tuyên bố của lãnh đạo Mekong-Lan Thương trong 3 lần vừa qua và kế hoạch thực hiện 5 năm (2018-2022) thông qua kế hoạch chương trình 3 trụ cột và 5 lĩnh vực ưu tiên trong khuôn khổ hợp tác đã được triển khai tại tất cả các nước Mekong. Các dự án có tài trợ từ nguồn vốn đặc biệt Mekong - Lan Thương đều đạt hiệu quả nhanh chóng gồm tất cả các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và xây dựng năng lực trong nhiều lĩnh vực khác nhau để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Các nhà lãnh đạo biểu dương Quỹ đặc biệt hợp tác Mekong - Lan Thương đã hỗ trợ hơn 700 dự án trong các lĩnh vực nước sạch, nông nghiệp, nâng cao năng lực, giảm nghèo, y tế, đề cao nữ quyền, văn hóa, tôn giáo và nhiều lĩnh vực khác, theo đề xuất của 6 quốc gia thành viên. Cùng với đó, các nhà lãnh đạo cũng hoan nghênh việc Quỹ đặc biệt hợp tác Mekong - Lan Thương phê duyệt các dự án của năm 2023, đồng thời kêu gọi tăng cường tính hiệu quả trong thực hiện các dự án liên quan để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống của người dân ở cả 6 quốc gia.
Trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo đã cùng định hướng hợp tác bằng việc tập trung hợp tác để tăng cường sự kết nối nền kinh tế và liên kết khu vực, hiện đại hóa trên mọi lĩnh vực, phát triển bền vững theo định hướng xanh. Đồng thời tăng cường hợp tác trong lĩnh vực du lịch, giao lưu văn hóa, quốc phòng và đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.
Nổi bật tại hội nghị, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đánh giá cao sự thành công của vai trò đồng Chủ tịch trong khuôn khổ hợp tác Mekong - Lan Thương của Trung Quốc và Myanmar trong nhiệm kỳ vừa qua. Hội nghị lần này đã chuyển giao vai trò Chủ tịch khung hợp tác Mekong - Lan Thương từ Myanmar cho Thái Lan để đồng chủ trì với Trung Quốc trong thời gian tới.
Còn theo Thủ tướng Campuchia Hun Manet, nước này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai, hòa bình và thịnh vượng giữa các quốc gia ở khu vực Mekong - Lan Thương, ủng hộ Vành đai phát triển kinh tế lấy người dân làm trung tâm, tăng cường chuỗi cung ứng trong tiểu vùng và kết nối chuỗi giá trị toàn cầu thông qua tăng cường kết nối khu vực và hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, cũng như thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số trong hợp tác kinh tế xuyên biên giới và khả năng cạnh tranh lâu dài của khu vực.
3 ưu tiên để 6 nước vươn lên mạnh mẽ
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, hợp tác Mekong - Lan Thương đã trở thành cơ chế quan trọng gắn kết các nước Mekong và Trung Quốc, là hình mẫu hợp tác cùng phát triển và cùng thắng. Qua 7 năm hình thành và phát triển, hợp tác Mekong - Lan Thương đã đạt được những thành tựu nổi bật với 3 nét lớn, là: Cơ chế hợp tác ngày càng hoàn thiện hơn; nội dung ngày càng thực chất hơn; tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân 6 nước ngày càng sâu sắc hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và sẽ tiếp tục cùng Trung Quốc và các nước Mekong thúc đẩy hợp tác Mekong - Lan Thương ngày càng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững. Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 3 ưu tiên hợp tác để 6 nước Mekong - Lan Thương vươn lên mạnh mẽ. Cả 3 đề xuất này đều được hội nghị đánh giá cao và đưa vào các văn kiện của hội nghị.
Ưu tiên đầu tiên là xây dựng khu vực Mekong - Lan Thương hiện đại và phát triển, với phương châm là khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đồng thời phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của từng nước cũng như của cả 6 quốc gia. Cần coi nội lực là cơ bản, chiến lược và ngoại lực là quan trọng, đột phá. Để thực hiện ưu tiên này, nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng các nền kinh tế Mekong - Lan Thương độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Ưu tiên thứ hai là xây dựng khu vực Mekong - Lan Thương xanh, bền vững và bao trùm, bảo đảm sự hài hòa giữa hiện tại và tương lai, giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là động lực, là nguồn lực và là mục tiêu của phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau. Trước mắt, cần hỗ trợ các nước thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc 2030, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và các cam kết về cắt giảm khí thải carbon hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn.
Đồng thời, cần tăng cường hợp tác toàn lưu vực về bảo tồn môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai, quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững, công bằng và hợp lý dòng sông chung Mekong - Lan Thương, đặc biệt là không làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của dòng sông. Hướng tới tương lai tốt đẹp hơn cho người dân, 6 nước cần ưu tiên đầu tư cho phát triển con người, xây dựng hệ thống giáo dục và y tế bao trùm, hỗ trợ lực lượng lao động trẻ tiếp cận với khoa học và công nghệ hiện đại và tạo điều kiện để mọi người dân đều được hưởng lợi từ quá trình phát triển.
Ưu tiên thứ ba là xây dựng khu vực Mekong - Lan Thương hòa bình và hợp tác. Theo đó, 6 nước cần không ngừng củng cố sự tin cậy, chân thành, đoàn kết đồng lòng, thúc đẩy lợi ích chung và đề cao chủ nghĩa đa phương; tăng cường tính bổ trợ giữa hợp tác Mekong - Lan Thương với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các cơ chế hợp tác khu vực, tiểu vùng khác để sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả nhất, tạo cộng hưởng và lan tỏa lợi ích.
Được biết, khuôn khổ hợp tác Mekong - Lan Thương được thành lập ngày 23/3/2016 với 6 nước thành viên, gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc. Khuôn khổ hợp tác tiểu vùng này được thiết lập và hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, cởi mở, hội nhập, bình đẳng, tham vấn và phối hợp, tình nguyện đóng góp và lợi ích chung, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, nhằm thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực, xây dựng một cộng đồng chia sẻ tương lai, hòa bình và thịnh vượng, duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy phát triển trong khu vực.