Hội nghị nghe báo cáo Đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư

Chiều 15/9, UBND tỉnh tổ chức hội nghị nghe báo cáo Đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; thủ trưởng, giám đốc các sở, ngành; Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo một số huyện, thành phố; đại diện lãnh đạo các đơn vị tư vấn quy hoạch.

Phát biểu mở đầu hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh: Đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 rất quan trọng.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu tại hội nghị.

Xác định đây là Đồ án khó, do đó yêu cầu đặt ra rất lớn và đã được UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương nghe và cho ý kiến nhiều lần nhằm làm rõ phạm vi ranh giới, mục đích, yêu cầu của những nội dung cần thể hiện trong Đồ án.

Với quyết tâm của tỉnh: khó nhưng không để kéo dài trong quá trình thực hiện Đồ án, hội nghị này thống nhất từng bước để tập trung hoàn thiện trước khi báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, với HĐND tỉnh, tạo căn cứ pháp lý trong triển khai tổ chức thực hiện.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đơn vị tư vấn quy hoạch trình bày báo cáo tổng thể về Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch: Không gian hình thành, phát triển Cố đô lịch sử; không gian cảnh quan, các địa danh, địa điểm, địa giới tự nhiên có quan hệ mật thiết trong quá trình hình thành nhà nước Đại Cồ Việt và Cố đô Hoa Lư bao gồm khu vực Kinh thành, Hoàng thành, khu vực đồn trú, phủ đệ, lăng mộ, đình đền, chùa thuộc địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình.

Trong đó tập trung vào khu vực trung tâm Cố đô Hoa Lư và phụ cận. Tổng diện tích trong ranh giới quy hoạch tỷ lệ 1:2.000 khoảng 4.500 ha; quy hoạch tỷ lệ 1:500 khoảng 300 ha.

Mục tiêu quy hoạch nhằm nhận diện đầy đủ giá trị của Cố đô Hoa Lư gắn với sự hình thành Nhà nước Đại Cồ Việt; hoàn thiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu làm cơ sở chuyển đổi số và tự động hóa trong quản lý; tạo khung pháp lý, chính sách toàn diện, kế hoạch đầu tư nhằm thu hút nguồn lực xã hội trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Hoàn thiện mô hình bảo tồn di sản gắn với phát triển bền vững; xác lập vị thế tương xứng của Cố đô Hoa Lư trong hệ thống các kinh đô trong lịch sử dân tộc; tạo cho khu vực trung tâm Cố đô Hoa Lư trở thành một trong các hạt nhân, động lực thực hiện các chiến lược phát triển đô thị, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch tỉnh Ninh Bình.

Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, không gian, cảnh quan văn hóa Cố đô Hoa Lư, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể; giáo dục giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa địa phương; đề xuất các giải pháp phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch, hạ tầng kỹ thuật mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Hoàn chỉnh ranh giới, phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích; đề xuất giải pháp nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai; tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với di tích một cách hữu hiệu.

Nội dung quy hoạch gồm: Các đặc trưng và giá trị tiêu biểu của Cố đô Hoa Lư; các chiến lược bảo tồn và phát triển Cố đô Hoa Lư. Mô hình bảo tồn bền vững Cố đô Hoa Lư (duy trì tính nhất quán của mô hình bảo tồn bền vững di sản từ vĩ mô tới vi mô bao gồm 5 hợp phần cơ bản, lựa chọn mô thức cộng đồng chung sống làm hình thái bảo tồn và phát triển tổ chức không gian của các khu vực di sản Cố đô Hoa Lư, kết nối hệ thống di sản và tương tác phát triển). Quy hoạch phân vùng chức năng (Cố đô Hoa Lư được xác lập bao gồm 9 phân vùng chức năng); phát triển kinh tế di sản gắn với công nghiệp văn hóa và du lịch; định hướng xác định ranh giới khoanh vùng bảo vệ di tích; định hướng đề xuất nâng hạng, bổ sung địa điểm di tích chưa được xếp hạng; định hướng giải phóng mặt bằng và phương án tái định cư; định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; định hướng nội dung bảo tồn di sản gắn với phát triển bền vững; quy hoạch hạ tầng kinh tế-xã hội; quy hoạch hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật; định hướng quy hoạch không gian chức năng; định hướng thiết kế đô thị và cảnh quan văn hóa; định hướng phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xác định các nhóm dự án thành phần, dự án ưu tiên đầu tư; giải pháp thực hiện quy hoạch…

Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi một số nội dung về: Quy hoạch hệ thống giao thông; quy mô, tầm vóc, tính chất, tên gọi, thẩm quyền phê duyệt của tỉnh đối với Quy hoạch; những điều chỉnh trong quy hoạch phân vùng chức năng...

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn khẳng định: Đây là Đồ án giàu ý tưởng của đơn vị tư vấn, xứng tầm với giá trị đặc biệt của Cố đô Hoa Lư cũng như tầm nhìn của Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu xây dựng Ninh Bình là đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn phát biểu tại hội nghị.

Để hoàn thiện Đồ án, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Sở Văn hóa-Thể thao và đơn vị tư vấn tập trung rà soát lại thể thức văn bản, cách thể hiện các nội dung, ý tưởng cho dễ hiểu vì đây là quy hoạch chính sách, đó là những căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, rà soát, cập nhật các bản đồ mới, đối chiếu lại một số nội dung để bổ sung vào Đồ án Quy hoạch, đảm bảo tính khả thi, sát thực tiễn, tổ chức thực hiện được ngay khi được phê duyệt và có kế hoạch thực hiện trung hạn, dài hạn.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đặc biệt lưu ý công tác Quy hoạch khu vực không gian Non Nước-Cánh Diều phải gắn chặt với phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng công viên đổi mới sáng tạo ngoài trời, một bảo tàng sống và đảm bảo thực tế phát triển hiện hữu, phải thể hiện rõ ý tưởng, khát vọng phát triển.

Mặt khác, phải lưu ý tính dẫn dắt, kết nối, phối hợp, chuyển hóa các nguồn lực để hiện thực hóa các mục tiêu của Đồ án; cần quan tâm giữa Quy hoạch bảo tồn phục hồi, hồi sinh di sản với Quy hoạch nông thôn đô thị vì đô thị di sản thiên niên kỷ Ninh Bình bao gồm cả di sản đô thị và di sản nông thôn.

Trong đó, Quy hoạch nông thôn đô thị Ninh Bình đang theo hướng chỉnh trang cảnh quan nông nghiệp, giá trị truyền thống nông thôn vào giữa các đô thị để tạo ra các khoảng xanh, biến thành nông nghiệp đô thị; quan tâm đến khu quần cư di sản; di sản hóa các di tích theo hướng phục dựng, phỏng dựng; lưu ý đến di sản tôn giáo...

Đồng chí yêu cầu trong thời gian tới các sở, ngành, địa phương cần tăng cường công tác phối hợp hoàn thiện Đồ án Quy hoạch đảm bảo tầm nhìn dài hạn và sự phát triển bền vững.

Tiếp thu các ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc yêu cầu, trong thời gian tới, việc triển khai Đồ án phải đặc biệt lưu ý về phạm vi, ranh giới nghiên cứu quy hoạch; xác định định hướng phát triển phải đảm bảo tôn trọng các quy hoạch cũ và có định hướng phát triển, tầm nhìn đến năm 2030 và đến năm 2050; khi triển khai các quy hoạch khác có liên quan, bám vào định hướng, tránh xung đột giữa các quy hoạch.

Đặc biệt, phải tập trung cao vào Quy hoạch chi tiết 1:500, là cơ sở cho tổ chức thực hiện; phải hướng vào một số nội dung trọng yếu liên quan đến phạm vi, ranh giới một số khu vực gồm: Cố đô Hoa Lư hiện nay và một số khu vực dự kiến mở rộng; nghiên cứu các Di tích lịch sử cấp quốc gia gắn liền với Cố đô Hoa Lư.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, đối với Khu quần cư Di sản, yêu cầu các địa phương liên quan tính toán, bố trí khu tái định cư mới theo tính chất cổ trang hóa, bao gồm có kiến trúc, cảnh quan, các dịch vụ đi kèm...

Là Đồ án quan trọng, khó, từ khi nghiên cứu đến nay đã 2 năm, UBND tỉnh luôn nhận được sự đồng hành của các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy từ chủ trương đến lập quy hoạch, sự vào cuộc nghiên cứu, đóng góp ý kiến của các sở, ngành, địa phương. Phấn đấu trong tháng 9 tập trung hoàn thiện Đồ án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2024.

Phan Hiếu - Hồng Vân - Minh Quang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-nghi-nghe-bao-cao-do-an-quy-hoach-bao-quan-tu-bo-phuc/d2024091517275852.htm