Hội nghị Nghị sĩ trẻ lần thứ nhất (2014): Biến dân chủ thành sứ mệnh

Diễn ra trong hai ngày 10 - 11.2014 tại Thụy Sĩ, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu IPU đầu tiên có chủ đề: Biến dân chủ thành sứ mệnh. Đây là dịp để 180 nghị sĩ đến từ 61 quốc gia đánh giá sự tham gia của giới trẻ vào nghị viện nói riêng và hoạt động chính trị cũng như tiến trình dân chủ nói chung.

“Mẫu số chung” định kiến

Tại hội nghị, các đại biểu đã chỉ ra rằng, mặc dù không phải tất cả thanh niên đều gặp phải những thách thức giống nhau, nhưng đó đều là những mẫu số chung bắt nguồn từ định kiến: những người trẻ tuổi thường bị coi là chưa trưởng thành và thiếu kinh nghiệm trong hoạt động chính trị. Họ cũng phải đối mặt với những thách thức về tài chính và các mối quan hệ. Đặc biệt, thanh niên đứng trước những trở ngại pháp lý vì độ tuổi bầu cử và tranh cử tối thiểu ở một số quốc gia rất cao (số ít các quốc gia là 16 tuổi, còn hầu hết từ 18 - 21 tuổi, thậm chí, ở một số nước là 25 tuổi). Những thanh niên là giới nữ ngoài những thách thức trên còn phải đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử trực tiếp và gián tiếp, các hình thức quấy rối khác nhau cũng như nhiều trách nhiệm của họ trong gia đình.

Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam tham dự Hội nghị Nghị sĩ trẻ lần thứ nhất tại Thụy Sĩ năm 2014. Ảnh: IPU

Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam tham dự Hội nghị Nghị sĩ trẻ lần thứ nhất tại Thụy Sĩ năm 2014. Ảnh: IPU

Làm thế nào để thu hút giới trẻ tham gia chính trị?

Tại hội nghị đầu tiên, các đại biểu đã đề xuất những hướng đi để thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vào tiến trình chính trị và dân chủ.

Đầu tiên phải tạo điều kiện cho trẻ em làm quen với chính trị từ sớm và môn giáo dục công dân phải được đưa vào chương trình giảng dạy ở trường với trọng tâm chính là các nguyên tắc dân chủ, thể chế chính trị, quyền công dân. Điều này sẽ bảo đảm rằng những cử tri trẻ được chuẩn bị sẵn sàng.

Thúc đẩy các chiến dịch nâng cao nhận thức về vai trò của thanh niên do chính thanh niên chủ trì để họ có thể chứng tỏ giá trị và ý tưởng của mình.

Các phương tiện truyền thông phải tích cực hỗ trợ thanh niên chứng tỏ vai trò bằng cách tạo cho họ cơ hội bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề thời sự.

Là những chính trị gia trẻ, các nghị sĩ phải thúc đẩy cải cách trong các đảng chính trị để bảo đảm quá trình lựa chọn nhân sự, ứng cử viên được mở cho những người trẻ tuổi.

Điều quan trọng là các chính trị gia phải lắng nghe ý kiến của thanh niên, khuyến khích giới trẻ quan tâm đến chính trị và bảo đảm rằng họ đóng góp cho chính trị.

Cuối cùng, các nhà lãnh đạo chính trị trẻ, giống như các đồng nghiệp lớn tuổi và những người có triển vọng chính trị, phải được bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử, những hành vi này cần phải bị lên án mạnh mẽ ở bất cứ đâu.

Các biện pháp cần làm ngay

Hội nghị đã đề ra một danh sách các biện pháp mạnh mẽ cần được thực hiện ngay lập tức nhằm tăng cường sự tham gia của giới trẻ vào chính trị: đặt ra chỉ tiêu cho thanh niên trong Quốc hội và các đảng phái chính trị; giảm độ tuổi bầu cử và tranh cử tối thiểu; thành lập các tổ chức cho thanh niên trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật của đất nước; đưa thêm nhiều người trẻ tuổi vào danh sách ứng cử viên; thành lập các ủy ban thanh niên trong Quốc hội và trao quyền cho họ xem xét mọi dự thảo luật và mọi chính sách, cho dù có liên quan trực tiếp đến thanh niên hay không; giám sát việc thực hiện các chính sách về thanh niên, bố trí ngân sách cho chính sách thanh niên, giáo dục và đào tạo; bảo vệ những đặc điểm riêng của các chính trị gia trẻ, không để họ bị buộc phải hòa mình vào nhóm lớn tuổi hơn trong nghị viện hoặc trong các cơ quan nhà nước.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/hoi-nghi-nghi-si-tre-lan-thu-nhat-2014-bien-dan-chu-thanh-su-menh-i342483/