HỘI NGHỊ NGHỊ SĨ TRẺ TOÀN CẦU THẢO LUẬN CHUYÊN ĐỀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ KHỞI NGHIỆP: ĐỂ 'NUÔI DƯỠNG' MỘT DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP CẦN CÓ CẢ HỆ SINH THÁI
Chiều 15/9, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 đã tiến hành phiên thảo luận chuyên đề thứ hai về Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Qua thảo luận tại hội nghị cho thấy có nhiều điểm chung giữa các quốc gia trong việc nhìn nhận tầm quan trọng của hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ thanh niên trong khởi nghiệp, vai trò của Quốc hội/Nghị viện trong việc hoàn thiện thể chế cho quá trình này.
Tại phiên thảo luận chuyên đề, các đại biểu đã nghe phát biểu dẫn đề về chủ đề "Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp" của nghị sĩ Ireland, Chủ tịch Nhóm làm việc của IPU về khoa học và công nghệ Denis Naughten; Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Sky Mavis Nguyễn Thành Trung; Giám đốc HICOOL Tingyu Yuan; chuyên gia xã hội dân sự và thanh niên, Nhóm Xây dựng hòa bình và quản trị, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Beniam Gebrezghi.
Phiên thảo luận tập trung về việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (bao gồm cả khởi nghiệp của thanh niên) làm động lực cho sự phát triển bao trùm và bền vững, trong đó có lĩnh vực công nghệ thực phẩm (foodtech); Chia sẻ kinh nghiệm của nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các nghị sỹ trẻ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; Trao đổi, thảo luận về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo góp phần đẩy mạnh quá trình đạt được SDGs; Đề xuất với các nghị viện về các chính sách và giải pháp về việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để giảm thiểu các rủi ro liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
Tại phiên thảo luận, nhấn mạnh đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo chính là đầu tư cho tương lai, các đại biểu đã trao đổi kinh nghiệp quốc gia cho thấy để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, một số nước xây dựng chiến lược, chương trình hành động cụ thể hay thành lập quỹ để đáp ứng nhu cầu về vốn cho thành niên khởi nghiệp; kinh nghiệm để gia tăng khả năng tiếp cận công nghệ, mở rộng cơ hội cho các bên.
Chia sẻ những khó khăn mà những công ty hoạt động trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo phải đối mặt, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Sky Mavis Nguyễn Thành Trung nhấn mạnh, không chỉ riêng Việt Nam, thế giới cũng đang còn loay hoay trong việc ban hành các thể chế và chính sách liên quan đến công nghệ mới. Chuyển đổi số ngày nay không còn là một sự lựa chọn mà là điều tất yếu. Đó sẽ là một quá trình dài với nhiều thách thức đặt ra, buộc các Chính phủ, các doanh nghiệp và người tiêu dùng phải thay đổi để hội nhập. Đứng trước cơ hội lớn này, mỗi cá nhân, tổ chức cần phải thoát ra khỏi vùng an toàn, tự tái tạo và cạnh tranh trong trạng thái bình thường mới được dẫn dắt bởi các công nghệ tiên tiến.
Giám đốc Điều hành Sky Mavis cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp là một cộng đồng bao gồm các thực thể cộng sinh, chia sẻ và bổ sung cho nhau, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và tăng trưởng.
Không chỉ các công ty khởi nghiệp, một hệ sinh thái hoàn chỉnh sẽ bao gồm các cấu phần liên kết và tác động qua lại lẫn nhau, từ hệ thống ngân hàng, nhà đầu tư, quỹ đầu tư, đến các cơ quan liên quan như các cơ quan nhà nước, hay cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp…
Theo Giám đốc điều hành Sky Mavis, những sự hỗ trợ và hậu thuẫn ban đầu đóng vai trò rất lớn đến khả năng thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ hơn bao giờ hết cần có một hành lang pháp lý rõ ràng. Một hành lang pháp lý dù có thể mở hay nghiêm ngặt, nhưng một khi đã rõ ràng, sẽ giúp ích rất nhiều trong việc định hướng phát triển của các doanh nghiệp.
Chuyên gia về Xã hội dân sự và Thanh niên, Nhóm Quản lý Chính phủ và Xây dựng Hòa bình tại Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) Beniam Gebrezghi cho biết hiện nay UNDP đang có một chương trình khởi nghiệp thanh niên lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương với 202 đối tác. Trước khi có dự án này, UNDP nhận thấy có nhiều sáng kiến đang được thực hiện nhưng chưa có kênh mang tính khu vực để có “vườn ươm” tập trung cho sáng tạo, khởi nghiệp của thanh niên. Xuất phát từ thực tế này, ông Beniam Gebrezghi cho rằng, diễn đàn này là cơ hội thuận lợi để các nghị sĩ trẻ tập trung trao đổi về vai trò lãnh đạo của thanh niên và các giải pháp nhằm khuyến khích thanh niên tham gia khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Đại biểu đại diện Đoàn Nghị sĩ trẻ Kuwait nêu rõ, các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, và việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp là có thể giúp cho các doanh nghiệp đi theo các xu hướng tăng trưởng hiện nay. Do đó, cần có một khuôn khổ pháp lý phù hợp, đặc biệt cần lưu ý đến các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để khuyến khích sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, cùng với đó là tạo thêm nhiều việc làm cho thanh niên.
Nhấn mạnh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật, đại biểu của Kuwait cho biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc siêu nhỏ bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch COVID-19 vừa qua, vì vậy cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp này phát triển bền vững hơn trong tương lai và có sức chống chịu tốt hơn trước khủng hoảng của nền kinh tế.
Đại biểu của Kuwait cũng chia sẻ kinh nghiệm thành công là nước này đã thông qua Quỹ Quốc gia Kuwait để tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, mong muốn chia sẻ kinh nghiệm này tại Hội nghị, sẵn sàng cung cấp thêm thông tin với các quốc gia. Vì vậy, Chính phủ cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ với các doanh nghiệp start-up để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của họ và vươn ra tầm thế giới.
Giám đốc HICOOL Tingyu Yuan cho rằng, có thể thúc đẩy đổi mới, sáng tạo thì yếu tố then chốt là thu hút được thanh niên. Qua kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình công tác, bà cho rằng, các nghị sĩ trẻ nên tương tác nhiều hơn với các doanh nghiệp trẻ để hiểu hơn về hệ sinh thái khởi nghiệp và qua đó đáp ứng được tốt hơn các nhu cầu phát triển thực tiễn.
Trong phát biểu kết thúc phiên thảo luận chuyên đề, chuyên gia của UNDP Beniam Gebrezghi một lần nữa nhấn mạnh để “nuôi” được doanh nghiệp khởi nghiệp cần có cả hệ sinh thái khởi nghiệp trong đó có tất cả những khía cạnh và hỗ trợ về tài chính, nguồn nhân lực, công nghệ, tiếp cận thị trường… Vấn đề đặt ra là hội tụ đủ các yếu tố lợi thế, cùng với đó, các quốc gia có thể phối hợp và đi xa hơn cùng nhau, cùng đạt được những kết quả tốt đẹp. Chuyên gia của UNDP cho rằng các quốc gia cần hợp tác cùng nhau, những nỗ lực tập thể để nuôi dưỡng các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=79921