Hội nghị quán triệt, triển khai các văn bản của Trung ương và tỉnh

Ngày 6/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Kết luận số 703-KL/TU ngày 30/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Các đồng chí: Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Thường trực HĐND; lãnh đạo UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh; lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; lãnh đạo các đảng ủy, huyện ủy; báo cáo viên cấp tỉnh...

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng thủ dân sự, đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất cập về sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương có nội dung chưa đồng bộ; còn bị động trong công tác dự báo, cảnh báo thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh… Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW với các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, đảm bảo thực hiện quan điểm “Phòng thủ dân sự phải chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi có chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh”.

Về phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có những chuyển biến rõ rệt, dần khẳng định hướng đi hiệu quả, góp phần tạo việc làm, thu nhập, đảm bảo sinh kế, mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều hộ dân. Bên cạnh những kết quả đạt được, chăn nuôi đại gia súc khu vực này còn gặp nhiều khó khăn, do địa bàn rộng, địa hình đồi núi phức tạp, giao thông đi lại khó khăn; tình hình thời tiết, khí hậu các năm diễn biến phức tạp, rét đậm, rét hại kéo dài, tập quán chăn nuôi thả rông không có chuồng trại làm chết nhiều gia súc…

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 703- KL/TU về phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh với mục tiêu và giải pháp cụ thể đến năm 2025: Giá trị sản xuất chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn chiếm 40% tổng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi; mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2022-2025 đạt khoảng 3-4%/năm; xây dựng phát triển từ 1-3 thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi đại gia súc của tỉnh; có ít nhất 1 vùng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trở lên và 1 vùng an toàn dịch bệnh trở lên đối với một số bệnh trên địa bàn xã khu vực III, bản đặc biệt khó khăn…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lò Minh Hùng giao các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các cơ quan, đơn vị tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị và các văn bản liên quan về nhiệm vụ phòng thủ dân sự đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chú trọng tuyên truyền giáo dục pháp luật gắn với phổ biến kỹ năng và cách xử trí các tình huống thiên tai thảm họa vào nội dung tuyên truyền phổ biến pháp luật, chú trọng công tác tuyên truyền ở cấp thôn, bản và người lao động tại các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn tỉnh. Tăng cường hợp tác với các tỉnh bạn Lào trong huấn luyện, đào tạo nguồn nhân lực, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong phòng thủ dân sự; tổ chức diễn tập để nâng cao trình độ phối hợp, hiệp đồng đối phó với các thảm họa, thiên tai khi có chỉ đạo của Trung ương.

Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Kết luận số 703-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nghiên cứu trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2022-2025. Rà soát diện tích đất phục vụ chăn nuôi, diện tích đất chưa sử dụng để tạo quỹ đất thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Phát triển chăn nuôi gia súc bản địa, đặc sản thích ứng với điều kiện địa phương, có giá trị kinh tế cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bền vững với môi trường…

Đình Thành - Phan Trang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/hoi-nghi-quan-triet-trien-khai-cac-van-ban-cua-trung-uong-va-tinh-53845