Hội nghị quán triệt và triển khai Kết luận 12 và Nghị quyết 169 sẽ được kết nối trực tuyến tới gần 200 điểm cầu
Chiều 29/6, Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong tình hình mới và Nghị quyết số 169/NQ-CP của Chính phủ về công tác NVNONN giai đoạn 2021-2026.
Tham dự Hội nghị sẽ có hơn 500 đại biểu thuộc các Ban, Bộ ngành, cơ quan trung ương; Đại diện các cơ quan, tổ chức trong nước; Đại diện Bộ Ngoại giao (Đại diện Ban cán sự đảng Bộ, Các cấp ủy trực thuộc Đảng ủy Bộ, các đơn vị Ủy ban Nhà nước về NVNONN); Đại diện một số hội doanh nhân, trí thức kiều bào; các cơ quan thông tấn báo chí tại Hà Nội.
Hội nghị sẽ được kết nối trực tuyến tới gần 200 điểm cầu, trong đó 63 điểm có sự tham dự của đại diện Tỉnh ủy, Thành ủy; đại diện các Ban, Sở ngành, Mặt trận Tổ quốc, cơ quan báo chí các tỉnh, thành phố trong cả nước; đại diện các Hội thân nhân kiều bào và gần 100 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và đại diện hội đoàn, doanh nhân, trí thức kiều bào.
Hội nghị được tổ chức với mục đích: Tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động giữa các cơ quan, tổ chức trực tiếp tham gia công tác NVNONN, nâng cao ý nghĩa, tầm quan trọng và vai trò của công tác này; Bảo đảm các cơ quan, tổ chức nắm vững chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác NVNONN trong tình hình mới, tạo sự thông suốt, nhất quán trong triển khai thực hiện giữa trung ương - địa phương, các ngành, lĩnh vực có liên quan; Khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó cộng đồng NVNONN được xác định là “bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.
Nội dung Hội nghị thông tin rộng rãi về: Ý nghĩa, tầm quan trọng và điểm mới của Kết luận 12; Kết quả nổi bật đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và KL12 thời gian qua; Các biện pháp cụ thể nhằm triển khai Kết luận 12, Nghị quyết 169; định hướng trọng tâm công tác thời gian tới.
Hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển. Vị thế và uy tín của cộng đồng người Việt Nam trong xã hội sở tại ngày càng được nâng cao; có vai trò và ảnh hưởng ở mức độ khác nhau tới quan hệ hữu nghị giữa các nước với Việt Nam và là đại diện văn hóa Việt Nam ở các nước, giới thiệu văn hóa, truyền thống, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Kiều bào ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển của đất nước, cả về nguồn lực kinh tế, tri thức và nguồn lực “mềm”, đóng góp cho xây dựng thương hiệu quốc gia và là cầu nối quan hệ giữa Việt Nam và các nước.
- Về tri thức, có khoảng 500.000 chuyên gia, trí thức NVNONN, chiếm tỷ lệ 10% trong cộng đồng NVNONN, đang làm việc tại các cơ sở khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học và các cơ sở kinh doanh ở nước ngoài.
- Về kinh tế, nhiều doanh nhân kiều bào đã thành danh và góp mặt trong danh sách các tỷ phú thế giới.
- Về chính trị, một số nhân vật gốc Việt đã tham gia chính trường sở tại ở các cấp độ khác nhau.
- Về đầu tư trực tiếp, đến hết năm 2021, có 376 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỷ USD. Ngoài ra, có hàng nghìn doanh nghiệp có vốn góp của kiều bào.
- Kiều hối tăng trưởng trung bình 6% hàng năm. Năm 2021, lượng kiều hối của Việt Nam ở mức 18,1 tỷ USD (theo Ngân hàng Thế giới), tương đương gần 5% tổng thu nhập quốc gia. Lượng kiều hối lũy kế từ năm 1993 đến nay đạt khoảng 175 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới.
- Năm 2022, các hoạt động thường niên dành cho NVNONN được duy trì và tiếp tục tổ chức như: Xuân Quê hương; Đoàn kiều bào về dự Quốc giỗ vua Hùng; Đoàn kiều bào thăm Trường Sa, Trại hè Việt Nam... nhằm thực hiện có hiệu quả Kết luận 12 và Nghị quyết 169.