Hội nghị quốc tế Hang động núi lửa sẽ diễn ra từ 21 đến 26-11 tại Đak Nông
(GLO)- Từ ngày 22 đến 26-11, tỉnh Đak Nông sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về hang động núi lửa lần thứ 20 (gọi tắt là ISV20) với sự tham dự của tất cả các nước là thành viên thuộc Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Trong khuôn khổ hội nghị sẽ diễn ra: Hội nghị Kết nối cung cầu tỉnh Đak Nông, Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa lần thứ 20; tham quan triển lãm ảnh; ký kết biên bản hợp tác Đak Nông-Hàn Quốc; Hội thảo ISV20; tham quan một số điểm Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đak Nông; họp Ban điều hành Ủy ban Hang động núi lửa quốc tế; thực địa và giao lưu văn hóa, ẩm thực các dân tộc…
Là một trong công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu ở Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận, CVĐC toàn cầu Đắk Nông sở hữu nhiều giá trị trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, văn hóa, du lịch và chứa đựng vẻ đẹp bí ẩn đang chờ được khai thác, khám phá.
Từ năm 2005, khi được khám phá, CVĐC toàn cầu Đắk Nông được biết đến là nơi sở hữu 5 miệng núi lửa trẻ, cùng hệ thống hang động được xác lập kỷ lục dài bậc nhất khu vực Đông Nam Á với tổng chiều dài lên đến 10 km. Độc đáo hơn, một số hang động trong khu vực này đã từng là nơi cư trú của người tiền sử khoảng 6.000-10.000 năm trước, hiện vẫn còn lưu giữ hệ sinh thái hiếm có trên thế giới.
Hệ thống hang động dung nham nằm trọn trong các thành tạo đá basalt thuộc hệ tầng Xuân Lộc, liên quan trực tiếp với hoạt động phun trào của núi lửa Chư Bluk bao gồm các hang C1, C3, C2, C6, C7, P8…
Điều thú vị, tại nhiều hang động núi lửa, các nhà khoa học ghi nhận, khám phá nhiều nét độc đáo về địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử. Đơn cử, hang C6.1 lần đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á phát hiện di chỉ khảo cổ người tiền sử trong hang động núi lửa. Di chỉ khảo cổ này thuộc loại hình di tích cư trú, công xưởng và mộ táng, có giá trị khoa học độc đáo và hiếm có trên thế giới.
PHƯƠNG VI (tổng hợp)