Hội nghị tập huấn nghiệp vụ báo chí về hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Ngày 1/10, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí về hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Tạo cơ hội để các phóng viên theo dõi nghị trường nâng cao trình độ
Thực hiện Kế hoạch số 234 năm 2024 của Ban Tổ chức Giải Diên Hồng, ngày 1/10, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí về hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, nhằm cung cấp kiến thức chuyên sâu, nâng cao chất lượng các tác phẩm chính luận, tin, bài về cơ quan dân cử và tuyên truyền, phổ biến về Giải Diên Hồng lần thứ 3 năm 2025.
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Giải Diên Hồng Bùi Văn Cường; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Giải Diên Hồng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Giải Diên Hồng Vũ Minh Tuấn đồng chủ trì Hội nghị.
Tham dự và trình bày các chuyên đề tại buổi tập huấn có: PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang; PGS.TS Nguyễn Đức Dũng, nguyên Phó Giám đốc Thường trực Kênh Truyền hình Nhân dân; TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Tự Nam.
Dự Hội nghị có các đồng chí là đại diện Ban Thư ký Tòa soạn, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí, đại diện Ban Chủ nhiệm, Ban Thư ký, thành viên Câu lạc bộ Phóng viên nghị trường, phóng viên của Liên Chi hội nhà báo Văn phòng Quốc hội.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí về hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, nhằm cung cấp thêm kiến thức cho phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí viết về Quốc hội và Hội đồng nhân dân, để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn và tham gia Giải Diên Hồng lần thứ 3 năm 2025.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, qua hai lần tổ chức, Giải Diên Hồng đã khẳng định ý nghĩa, sức lan tỏa mạnh mẽ của một giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Các tác phẩm tham dự và được trao giải đã phản ánh toàn diện, sâu sắc thực tiễn hoạt động phong phú, sôi động và hiệu quả của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, làm nổi bật vai trò, vị thế và những đóng góp của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp vào thành tựu chung của đất nước.
Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí lần này được tổ chức nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các phóng viên, biên tập viên được chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khai thác kiến thức chuyên sâu về vị trí, vai trò, tổ chức, hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong hệ thống chính trị; đồng thời, nâng cao hiểu biết về mục đích, ý nghĩa, thể lệ Giải Diên Hồng lần thứ 3 - năm 2025.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, tại Hội nghị, các chuyên gia, phóng viên, biên tập viên chia sẻ, trao đổi về 5 nội dung liên quan đến nghiệp vụ viết các tác phẩm báo in, tổ chức chương trình truyền hình, phát thanh, cũng như về chức năng, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân - là những kiến thức hữu ích, thiết thực với mỗi nhà báo, phóng viên.
Do vậy, mong muốn các giảng viên chia sẻ những vấn đề căn cốt nhất, dành thời gian trao đổi những vấn đề phóng viên quan tâm. Qua đó, tạo cơ hội để các phóng viên theo dõi nghị trường nâng cao trình độ, có nhiều bài viết chuyên sâu hơn về hoạt động của cơ quan dân cử.
Phóng viên cần có một số kiến thức và kỹ năng đặc thù
Trong một ngày diễn ra Hội nghị, các đại biểu nghe truyền đạt 5 chuyên đề: Kinh nghiệm viết báo chính luận; Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan của Quốc hội; trình tự, thủ tục xem xét, thông qua trong xây dựng pháp luật, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; Kinh nghiệm viết bút ký, ký sự, phóng sự và phóng sự điều tra; Kinh nghiệm viết tin, bài về Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân.
Chia sẻ chuyên đề “Kinh nghiệm viết báo chính luận”, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân cho hay, về mặt lý thuyết, chính luận là thể loại xung kích của báo chí, được mệnh danh là “đại bác của báo chí”.
Một bài chính luận phải xuất phát từ yêu cầu cuộc sống đặt ra những vấn đề thời sự, trọng tâm của đất nước, của dân tộc. Viết về Quốc hội, Hội đồng của Nhân dân cần nêu rõ tầm quan trọng của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.
Bên cạnh bám sát vào các chức năng quan trọng của Quốc hội, thông tin, tuyên truyền về các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các kỳ họp Quốc hội, cũng cần chú trọng phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền về hoạt động giám sát - một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
Đồng thời, khi viết về Quốc hội, không thể xa rời nhiệm vụ quan trọng là đấu tranh bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng, chống quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có quan điểm sai trái, thù địch đối với hoạt động của cơ quan dân cử.
Với tham luận “Kinh nghiệm viết tin, bài về Quốc hội và Hội đồng nhân dân”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng,viết tin, bài về Quốc hội và Hội đồng nhân dân là một lĩnh vực chuyên môn sâu trong hoạt động báo chí. Kinh nghiệm cho thấy, đây là lĩnh vực các phóng viên phải có một số kiến thức và kỹ năng tương đối đặc thù.
Trước hết là phóng viên phải có những kiến kiến thức cơ bản về thể chế và lập pháp. Những kiến thức cơ bản này bao gồm hai mảng lớn: Thứ nhất là hiểu biết sâu rộng về hệ thống chính trị, luật pháp, và tổ chức, hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Thứ hai, nắm vững các quy trình, thủ tục, và thuật ngữ chuyên ngành liên quan đến nghị trường.
Về kỹ năng, theo ông Dũng, có 4 kỹ năng quan trọng nhất như: Kỹ năng thu thập thông tin gồm: Tìm kiếm và tiếp cận các nguồn tin chính xác, đáng tin cậy; phỏng vấn hiệu quả để khai thác thông tin từ các đại biểu, chuyên gia và các bên liên quan; phân tích và đánh giá thông tin một cách khách quan và độc lập.
Kỹ năng viết và trình bày gồm có kỹ năng viết bài báo rõ ràng, súc tích, và dễ hiểu cho người đọc; trình bày thông tin một cách logic, hấp dẫn, và thu hút người xem; sử dụng ngôn ngữ chính xác, phù hợp với đối tượng mục tiêu.
Đối với kỹ năng giao tiếp và ứng xử, ông Dũng lưu ý đến kỹ năng giao tiếp hiệu quả với các đại biểu, chuyên gia, và các nguồn tin khác; xây dựng mối quan hệ và duy trì mạng lưới liên lạc trong lĩnh vực chính trị; ứng xử chuyên nghiệp, lịch thiệp, và tôn trọng các quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, ông Dũng gợi ý cần quan tâm đến kỹ năng công nghệ như: sử dụng thành thạo các công cụ công nghệ để thu thập, xử lý, và chia sẻ thông tin; nghiên cứu và khai thác thông tin từ các nguồn trực tuyến; nắm bắt các xu hướng công nghệ mới để áp dụng vào công việc.
Ngoài ra, ông Dũng nhấn mạnh, một phóng viên nghị trường cần có những tố chất: nhạy bén với các vấn đề chính trị và xã hội; có khả năng tư duy phản biện và độc lập; có tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp cao; có khả năng chịu áp lực cao và làm việc độc lập.